Đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và đề xuất giải pháp, mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ năm - 22/12/2022 16:36 3.606 0
Thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với một số tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số tại một số làng/xã tại các địa phương nhằm xây dựng mô hình để từng bước phổ biến triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Tỉnh Nghệ An hiện nay cũng đã có những bước phát triển nhất định về ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành của Chính quyền và các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung việc ứng dụng CNTT mới chỉ có hiệu quả rõ nét ở các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và tại các đô thị lớn, còn tại các đơn vị cấp xã việc ứng dụng CNTT nói chung còn gặp rất nhiều bất cập, hạn chế, cần thiết phải có sự tác động tích cực và định hướng cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số mọi mặt đời sống xã hội.
Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa đô thị và nông thôn, giúp chính quyền cấp xã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn. Đồng thời, để quản lý và phục vụ người dân, giúp người dân nâng cao kỹ năng số để quảng bá những sản phẩm và nét văn hóa đặc trưng của địa phương mình, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đề xuất lựa chọn một số xã có tiềm năng, đại diện cho các vùng, miền, đại diện cho các loại hình sản phẩm, dịch vụ để thực hiện chuyển đổi số làng/xã nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh Nghệ An.

Để triển khai mô hình trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh cho phép triển khai Đề tài khoa học “Đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT và đề xuất giải pháp, mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Đề tài do Ông Lê Bá Hùng, Giám đốc Sở làm Chủ nhiệm và Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An chủ trì thực hiện. Mục tiêu chung của đề tài là đánh giá được thực trạng ứng dụng CNTT và đề xuất được giải pháp, mô hình chuyển đổi số cấp xã  trên địa bàn tỉnh Nghệ An làm tiền đề triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh. Mục tiêu cụ thể của đề tài là: Đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT phục vụ chuyển đổi số ở các xã  trên địa bàn tỉnh; Đề xuất bộ giải pháp chuyển đổi số cấp xã trên toàn tỉnh; Xây dựng thành công 03 mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đề tài được triển khai trong 12 tháng với các nội dung chính: Điều tra khảo sát và lưa chọn chọn triển khai chuyển đổi số; Học tập kinh nghiệm; Nghiên cứu và đề xuất bộ giải pháp chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã; Hội thảo khoa học kết quả thực hiện đề tài. Đề tài được triển khai thí điểm tại 3 địa phương: xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn; xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp; xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc.

Đề tài khoa học đã được triển khai thực hiện đúng tiến độ, kết quả như sau:

1. Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành thiết kế 03 mẫu khảo sát về: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hoàn thành thu thập và tổng hợp phiếu khảo sát về: Chính quyền số (161/150 phiếu), kinh tế số (150 phiếu/150 phiếu) và xã hội số (150/150 phiếu). Đồng thời đã khảo sát, đánh giá cụ thể hiện trạng chuyển đổi số tại 03 xã: Xã Minh Hợp huyện Quỳ Hợp, xã Thành Sơn huyện Anh Sơn và xã Khánh Hợp huyện Nghi Lộc.

2. Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông Nghệ An phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức đoàn công tác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số cấp xã tại các địa phương: Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; xã Vi Hương, Huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn; xã La Bằng, Sảng Mộc, ATK Định Hóa tỉnh Thái Nguyên. Đây là các địa phương trong năm 2021 đã được Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài tỉnh thực hiện thí điểm chuyển đổi số. Qua học tập kinh nghiệm, Ban chủ nhiệm đã rút ra được những bài học kinh nghiệm có giá trị như: Người đứng đầu đóng vai trò quyết định về chuyển đổi số của địa phương đó. Lãnh đạo trực tiếp tham gia chỉ đạo, cán bộ được phân công phải có trách nhiệm, nhiệt tình, có khả năng kết nối, giải quyết dứt điểm công việc và không cần phải là người thành thạo về công nghệ, nhưng luôn có mong muốn tìm hiểu, học hỏi, triển khai quyết liệt. Tổ chức khảo sát để làm cơ sở đề xuất mô hình triển khai phù hợp với thực tế; kế thừa các ứng dụng đã có và phối hợp với các doanh nghiệp liên quan. Người đứng đầu ở cấp huyện, xã trẻ tuổi là một lợi thế thuận lợi để dễ dàng tiếp cận công nghệ và Đoàn Thanh niên, Hôị Phụ nữ và Trưởng thôn/xóm truyền thông giúp lan tỏa đến người dân nâng cao nhận thức, tự khám phá và tìm tòi các dịch vụ công nghệ số triển khai trên địa bàn xã.
 
1
Ban chủ nhiệm đề tài học tập kinh nghiệm tại Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn - Ảnh Phan Bình Giang
3. Trên cở sở số liệu khảo sát, hướng dẫn của Cục Tin học hóa và kinh nghiệm tham quan thực tế tại các địa phương. Ban Chủ nhiệm đã xây dựng 03 mô hình: Giải pháp chuyển đổi số cấp xã về chính quyền số; Giải pháp chuyển đổi số cấp xã về kinh tế số; Giải pháp chuyển đổi số cấp xã về xã hội số. Từ các chuyên đề để tham mưu kế hoạch triển khai thí điểm do Sở Thông tin và Truyền thông ban hành. Quá trình xây dựng các chuyên đề và kế hoạch thí điểm đã gửi xin ý kiến của các đơn vị: Các Sở: Y tế, GD&ĐT, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An; UBND các huyện: Quỳ Hợp, Anh Sơn, Nghi Lộc; UBND các xã: Minh Hợp, Thành Sơn, Khánh Hợp. Các doanh nghiệp: VNPT Nghệ An, Viettel Nghệ An, Bưu điện tỉnh Nghệ An, Bưu chính Viettel chi nhánh Nghệ An; Chi nhánh MobiFone Nghệ An; Công ty thông tin di động Vietnamobile; Công ty thông tin di động Toàn Cầu – Gmobile; Chi nhánh FPT Nghệ An; Truyền hình cáp Nghệ An. Đặc biệt, Ban chủ nhiệm đã làm việc với Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông xin ý kiến góp ý chuyên đề và kế hoạch thí điểm. Đơn vị này đã cho ý kiến góp ý tại công văn số 819/THH-CPĐT ngày 27/05/2022. Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của các đơn vị: Sở Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo một số UBND cấp huyện, xã; các Sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, CNTT trên địa bàn tỉnh.
 
Ban Chủ nhiệm đề tài đã tham mưu Sở Thông tin và truyền thông ban hành Kế hoạch số 855/KH-STT&TT ngày 01/06/2022 về việc triển khai xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã tại các địa phương: Xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn; xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp; xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc.

4. Ban chủ nhiệm đã thuê dịch vụ Cổng thông tin điện tử cho các xã thí điểm, hoạt động chính thức từ ngày 01/06/2022. Đầu tư trang bị các thiết bị phục vụ xây dựng mô hình, bàn giao cho các xã thí điểm bao gồm: 03 bộ thiết bị wifi; 03 bộ máy tính; 03 bộ máy quét, thực hiện rà soát, tối ưu mạng nội bộ (LAN), bổ sung một số thiết bị CNTT và cài đặt, triển khai hệ thống phòng chống mã độc tập trung của tỉnh tại UBND các xã thí điểm.
 
2
Bàn giao thiết bị cho các xã xây dựng mô hình thí điểm, Ảnh Phan Bình Giang

Hoàn thành tổ chức đào tạo 15/15 lớp với tổng số học viên tham gia được 475/450 học viên. Nội dung đào tạo các lớp gồm: (1) Hướng dẫn sử dụng các phần mềm dùng chung trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh; sử dụng chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ Yếu Chính phủ cấp; (2) Hướng dẫn sử dụng mạng Intertnet, trình duyệt web, các ứng dụng: Facebook, Zalo, Youtube…; (3) Hướng dẫn sử dụng nền tảng giáo dục trực tuyến; (4) Hướng dẫn sử dụng các phần mềm y tế thông minh; (5) Hướng dẫn sử dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử. Để thuận tiện cho công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thí điểm, các xã đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của xã; thành lập được 03 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 32 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn/xóm.
 
3
Đào tạo các ứng dụng tại các xã thí điểm. Ảnh Phan Bình Giang

Về chính quyền số: Triển khai có hiệu quả các phần mềm phần mềm quản lý văn bản và điều hành, ký số văn bản điện tử. Cụ thể số liệu so sánh kết quả sử dụng hệ thống trước và sau khi triển khai mô hình thí điểm như sau:
 
5
 
Các xã đều đã ứng dụng tốt và cập nhật hồ sơ đầy đủ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng, vận hành có hiệu quả Trang thông tin điện tử xã tích hợp với hệ thống Cổng thông tin điện tử của huyện trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An.

Về kinh tế số, xã hội số: Đã triển khai được một số nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế số, xã hội số như: Thiết lập kênh giao tiếp với người dân qua các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Zalo; Tuyên truyền nhận thức cho người dân về tính an toàn, lợi ích khi giao dịch qua các sàn thương mại điện tử; Quảng bá sản phẩm OCOP; Hỗ trợ người dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; Cài đặt, hướng dẫn sử dụng ví điện tử, mobile Money; Ứng dụng hệ thống quản lý nhà trường; Triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã.
 
4
Đào tạo các ứng dụng tại các xã thí điểm. Ảnh Phan Bình Giang

5. Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An phối hợp với Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả thực hiện đề tài. Hội thảo có sự tham dự của: Ban chủ nhiệm đề tài; Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị; Phòng Văn hóa thông tin các huyện; cán bộ chuyên trách CNTT các cơ quan Nhà nước; Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, CNTT trên địa bàn tỉnh. Tại hội thảo Ban chủ nhiệm sẽ cung cấp các thông tin về kết quả đề tài. Đồng thời, tại hội thảo, Ban chủ nhiệm và các địa phương triển khai thí điểm sẽ chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cấp xã và đề xuất triển khai mở rộng trong thời gian tới.

6. Ban chủ nhiệm đề tài đã khảo sát cụ thể được hiện trạng, khả năng và nhu cầu triển khai chuyển đổi theo đúng hiện trạng tại các xã triển khai. Đã hình thành cụ thể các nội dung cần triển khai tại các xã theo 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Bước đầu đạt được các mục tiêu đề ra trong quá trình triển khai thí điểm. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện như: Việc phát triển thương mại điện tử, đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử chưa có kết quả rõ ràng. Các dịch vụ về giáo dục, y tế thông minh tại các xã mặc dù bước đầu đã có kết quả nhưng lợi ích mang lại cho người dân của các dịch vụ này chưa cao.

7. Ban chủ nhiệm đề tài đã rút ra bài học và kinh nghiệm khi triển khai thí điểm tại 3 xã Khánh Hợp, Thành Sơn, Minh Hợp như sau:

Thứ nhất:  Yếu tố con người đóng vai trò quyết định, chuyển đổi số là chuyển đổi về nhận thức. Các xã triển khai thành công đều có sự vào cuộc quyết liệt và thống nhất của người đứng đầu. Đây phải là những người nhiệt tình, có khả năng kết nối, giải quyết dứt điểm công việc, không cần phải là người thành thạo về công nghệ, nhưng luôn có mong muốn tìm hiểu, học hỏi, triển khai quyết liệt.

Thứ hai: Văn bản hóa nhanh, kế hoạch chi tiết, huy động được các đoàn thể tham gia.

Thứ ba: Công nghệ không phải vấn đề, mà mấu chốt là phải tìm ra bài toán để giải quyết một cách bền vững: Trong phạm vi thí điểm, việc hỗ trợ chủ yếu là sử dụng các công nghệ đơn giản, có sẵn để giải quyết vấn đề tại địa phương. Vấn đề quan trọng là tìm ra những bài toán có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến đời sống hàng ngày để giải quyết, mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thì sẽ được đón nhận, lan tỏa, sẽ tiếp tục thành công sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

Thứ tư: Chuyển đổi số ở cấp xã nên bắt đầu tư người trẻ tuổi, đoàn thanh niên: Những người này dễ dàng tiếp cận công nghệ, giúp để triển khai nhanh, tạo lan tỏa và bền vững. Qua đó sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức, tự khám phá và tìm tòi các dịch vụ công nghệ số khác trên thế giới số.

Thứ năm: Huy động được sự tài trợ của các Doanh nghiệp công nghệ số, không chỉ doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin truyền thông mà còn cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác.

8. Từ kết quả thu được qua quá trình triển khai thí điểm tại các xã Khánh Hợp, Thành Sơn, Minh Hợp, để triển khai mở rộng mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Ban chủ nhiệm đề tài đề xuất mô hình chuyển đổi số cấp xã cần tập trung vào các thành phần, nội dung cốt lõi:

- Đối với xây dựng Chính quyền số:

(1) Xây dựng hạ tầng số để đáp ứng cho việc triển khai thuận lợi việc xây dựng Chính quyền số;

(2) Triển khai các ứng dụng phục vụ cho xây dựng Chính quyền số;

(3) Đào tạo, tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ.

- Đối với phát triển Kinh tế số:

(1) Phát triển thương mại điện tử;

(2) Triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt;

(3) Triển khai du lịch/nông nghiệp thông minh.

- Đối với triển khai Xã hội số: Triển khai có điều chỉnh các nội dung:

(1) Triển khai các dịch vụ giáo dục thông minh;

(2) Triển khai các dịch vụ y tế thông minh;

(3) Triển khai các dịch vụ viễn thông, CNTT;

(4) Tuyên truyền, phổ biến quảng bá các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng.

Tác giả: Lê Bá Hùng, Giám đốc Sở TTTT, Chủ nhiệm đề tài

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây