Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Bộ TT&TT làm việc với các Sở TT&TT về kiến nghị, đề xuất phát triển ngành TT&TT
Thứ sáu - 29/12/2023 15:075200
Sáng ngày 28/12/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức buổi làm việc với Giám đốc các Sở TT&TT, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin các Bộ, Ngành và một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc.
Cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương và đại diện Lãnh đạo Đài truyền hình VTV, TTXVN, VOV; đại diện các doanh nghiệp Viettel, VNPT; đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản; lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, để chuẩn bị cho buổi làm giữa Bộ và các Sở, ngành doanh nghiệp, từ ngày 10/12 đến 17/12, hệ thống của Văn phòng Bộ TT&TT đã tiếp nhận 336 kiến nghị, có 31 kiến nghị chưa được trả lời, 13 kiến nghị đã được trả lời nhưng sẽ tiếp tục được làm rõ tại buổi làm việc.
Thứ trưởng nhấn mạnh về một số nội dung trọng tâm thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT cần trao đổi, thảo luận. Trong đó, trọng tâm là chuyển đổi số gồm cả chuyển đổi số ngành, lĩnh vực như chuyển đổi số báo chí, xuất bản. Thứ trưởng cũng đề cập một số nội dung liên quan tới tài chính, đơn giá, định mức, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp cho CNTT.
Về nội dung sửa đổi văn bản hướng dẫn xác định giá trị phần mềm sẽ ban hành trong tháng 1/2024, Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT sẽ có văn bản xin ý kiến 63 Sở TT&TT và các doanh nghiệp lần cuối trước khi ban hành.
Dịch vụ công là yếu tố quan trọng đẩy nhanh phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số
Tại Hội nghị, đại diện một số Sở TT&TT như Thái Nguyên, Điện Biên, Đà Nẵng, Bình Dương… đã chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại địa phương mình.
Đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng và Bình Dương cho biết, việc tối ưu hóa quá trình và đẩy nhanh thực hiện dịch vụ công tại địa phương là phải thực hiện ISO điện tử, xây dựng được kho dữ liệu dịch vụ công để đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời giảm bớt các thủ tục rườm rà. Ngoài ra, để thực hiện dịch vụ công được toàn trình và thực chất, nên thay sổ đỏ gốc bằng sổ đỏ điện tử và có sự tham gia của của các đơn vị liên quan và các tổ công nghệ số cộng đồng để người dân hiểu và có thể làm tốt được dịch vụ công trực tuyến.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nghiên cứu, thành lập đội hỗ trợ, kết nối với các Bộ, ngành để có thể hỗ trợ các tỉnh yếu trong thực hiện dịch vụ công. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc bắt buộc kết nối một cửa của tỉnh với Bộ TT&TT để có số liệu chính thức công bố, cũng như việc giảm giá thực hiện dịch vụ công tối thiểu và đưa nội dung này vào trạng thái bắt buộc để năm 2024 dịch vụ công trực tuyến của Việt nam là toàn trình và thực chất.
Theo Bộ trưởng, hiện nay đã có một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình được thực hiện bởi người dân ở mức 95% trong năm 2023. Điều đó tạo niềm tin àm dịch vụ công trực tuyến toàn trình thực chất trong năm 2024 để kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử, để Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn chính phủ số.
Ngoài việc giải đáp kiến nghị của một số Sở TT&TT, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn chỉ rõ một số đầu việc mà Bộ, các Sở, doanh nghiệp và các đơn vị cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Về định mức kinh tế kỹ thuật, có 3 văn bản phải hoàn thành trong quý I và đầu quý II năm 2024. Bộ trưởng giao các Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương chỉ đạo việc này.
Về bản quyền báo chí, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm làm việc với các đơn vị liên quan và sắp xếp làm việc với Bộ Công an để có hình thức xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, báo chí đã rất khó khăn và trong luật đã xác định báo chí là sản phẩm được bảo vệ bản quyền. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ/CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP cũng lần đần đầu tiên có quy định về bảo vệ bản quyền báo chí.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm tiếp tục có các buổi làm việc về nội dung hội đồng quản lý cơ quan báo chí, đây là vấn đề quan trọng, vì báo chí thực hiện công tác tư tưởng, đồng thuần xã hội. Đối với việc đo lường báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì làm việc với một số đài truyền hình lớn.
Về vấn đề tự chủ một phần của báo chí, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và chỉ đạo các đơn vị thực hiện.
Về nền tảng số trong nước đã triển khai 2 năm, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá để xem xét việc hỗ trợ trong quý I năm 2024.
Đối với đề nghị của Đà Nẵng về việc tắt sóng 2G, dự kiến vào tháng 6/2024, sớm hơn so với cả nước, Bộ trưởng giao các nhà mạng có công văn đồng ý trong ngày 28/12 và xem xét trợ giá cho smartphone ở mức cơ bản. Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo các nhà mạng phối hợp, làm tốt việc này.
Đối với các ý kiến của các doanh nghiệp viễn thông về phát triển hạ tầng, Bộ trưởng cho biết: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số là một trong những hạ tầng quan trọng của một địa phương, chẳng khác gì hạ tầng giao thông, đường xá, chỉ khác là hạ tầng viễn thông, hạ tầng số địa phương không phải bỏ tiền. Nếu không hỗ trợ phát triển hạ tầng số thì địa phương không phát triển được. Phát triển kinh tế số phải dựa trên hạ tầng số. Hạ tầng số do doanh nghiệp hăng hái làm thì địa phương phải hỗ trợ, coi như việc của mình để cùng nhau làm./.