Chuyển đổi số tại Việt Nam - 4 năm nhìn lại và triển vọng

Thứ ba - 24/09/2024 10:23 758 0
Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và là lựa chọn chiến lược đối với phát triển kinh tế, đang trở thành phong trào, xu thế, lan tỏa cả bề rộng và thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của cả xã hội.
Công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đã quyết liệt, bài bản, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở, bám sát thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân, doanh nghiệp (DN) ủng hộ, tham gia tích cực hơn. Niềm tin của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và DN được củng cố và nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới.
1

Những kết quả đáng khích lệ

Sớm bắt nhịp đồng hành cùng xu hướng chuyển đổi số (CĐS) trên thế giới, công cuộc CĐS ở Việt Nam được bắt đầu từ Nghị quyết số 36-NQ/ TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; được củng cố trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đặc biệt được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, (KTS) xã hội số (XHS), Chiến lược quốc gia về dữ liệu số và Đề án 06, cùng nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ có liên quan tới vấn đề này.

Dưới đây là kết quả chuyển đổi số nổi bật theo các lát cắt cụ thể:

Thể chế số

Giai đoạn từ năm 2020 đến nay đã có: 2 Luật của Quốc hội, 14 Nghị định của Chính phủ, 2 Chỉ thị, 2 Công điện, 7 Nghị quyết, 25 Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ được ban hành phục vụ thúc đẩy CĐS. Đặc biệt, trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi).

Hạ tầng số

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính liên tục được phát triển và đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc.

Số Bộ, ngành, địa phương đã triển khai Trung tâm dữ liệu (TTDL) phục vụ CĐS theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM) đạt 71,43%. Việt Nam có 9 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 TTDL trên toàn quốc, với tổng số 571 nghìn máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý.

Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 104,08 Mbps, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 41 và cao hơn trung bình thế giới là 87,79 Mbps.

Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore, Thái Lan, Malaysia ở khu vực Đông Nam Á. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 44,92 Mbps, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 57 và thấp hơn trung bình thế giới là 48,47 Mbps, Việt Nam xếp vị trí thứ 4 tại khu vực, sau Singapore, Brunei và Malaysia. Tốc độ mạng của Việt Nam năm 2023 tăng từ 15 - 30% so với năm 2022, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận và sử dụng các dịch vụ yêu cầu tốc độ cao, các nội dung truyền thông đa phương tiện.

Nhân lực số

Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số; khoảng 168 trường đại học và 520 trường nghề có đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), với tổng số tốt nghiệp đạt trên 84 nghìn, với khoảng 50 nghìn đại học, khoảng 34.000 cao đẳng, trung cấp; tổng số chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 100.000 mỗi năm.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chủ trì tổ chức 60 khóa học về CĐS trên Nền tảng MOOCS cho 305.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động (NLĐ) của các cơ quan nhà nước (CQNN); 20 khóa phổ cập kỹ năng số cho người dân với 23 triệu lượt người truy cập học trên Nền tảng; 02 khóa tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ); Hỗ trợ 11 Bộ, ngành và 43 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS. Các Bộ, ngành, địa phương đã sử dụng nền tảng do Bộ TT&TT hỗ trợ để tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 140.000 CBCCVC và NLĐ.

Tính đến tháng 11/2023, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 80,7 nghìn Tổ CNSCĐ và gần 379.000 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố; 54/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.

Nền tảng số

Bộ TT&TT đã ban hành Chương trình phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia gồm 38 nền tảng (8 cho Chính phủ số; 12 cho KTS; 11 cho XHS và 07 nền tảng đa mục tiêu). Mỗi nền tảng số do một Bộ, ngành chủ trì. Tới nay đã đánh giá, công bố 8 nền tảng số quốc gia với tổng lượng người dùng thường xuyên vào khoảng 150 triệu người dùng/tháng.

Bộ TT&TT đã ban hành các hướng dẫn cụ thể để triển khai, nhấn mạnh vai trò tham gia của 4 bên. Trong đó, Bộ, ngành có vai trò chủ trì phát triển hoặc đặt hàng triển khai các nền tảng số; DN chủ động phát triển nền tảng số hoặc phát triển theo đặt hàng của Bộ, ngành chủ trì; địa phương đóng vai trò thúc đẩy sử dụng; Bộ TT&TT đồng hành cùng các Bộ, ngành xây dựng tiêu chí, đánh giá và thúc đẩy sử dụng.

Bộ TT&TT xác định 10 nhóm nền tảng số dùng chung để tập trung thúc đẩy 5 ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm: (1) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (2) Du lịch; (3) Nông nghiệp; (4) Logistics và (5) Dệt may.
2

An toàn, an ninh mạng

Tính đến tháng 11/2023, tổng số hệ thống thông tin (HTTT) của cả nước là gần 3,2 nghìn hệ thống, trong đó số HTTT được phê duyệt cấp độ là hơn 2.000 hệ thống, đạt tỷ lệ 65%, tăng 10,2% so với năm 2022 (tuy vậy, phần lớn trong đó chưa được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ đã phê duyệt). Tổng các trang, cổng thông tin điện tử (TTĐT) của CQNN được đánh giá an toàn thông tin (ATTT) và gán nhãn tín nhiệm mạng là khoảng 3,8 nghìn website (trong đó: hơn 500 website thuộc các Bộ, ngành và hơn 3,2 nghìn thuộc 59 tỉnh/thành phố) đã được kiểm duyệt và đạt chứng nhận. Tỷ lệ CQNN được gán nhãn là 86% (Bộ, ngành đạt 70% (21/30), tỉnh/thành phố đạt 93,7% (59/63)).

Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma) là 456,7 nghìn địa chỉ, giảm 4,7% so với cùng năm 2022 (479,1 nghìn địa chỉ).

Chính phủ số

Về tình hình triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia:

CSDL quốc gia về dân cư: Lưu thông tin của khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99% dân số Việt Nam; kết nối với 15 bộ, ngành; 63/63 địa phương; 04 DN.

CSDL quốc gia về đăng ký DN: Kết nối với 13 Bộ, ngành và 63/63 địa phương với khoảng 41 triệu giao dịch; lưu trữ dữ liệu của hơn 1,6 triệu DN (khoảng 900.000 DN đang hoạt động) và hơn 200.000 đơn vị trực thuộc DN; lưu trữ thông tin đăng ký của khoảng 2,4 triệu hộ kinh doanh, trong đó: hơn 260.000 hộ kinh doanh được chuẩn hóa dữ liệu, lưu trữ khoảng 30.000 hợp tác xã và đơn vị trực thuộc. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử đạt 92,58%.
 
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về kết quả CĐS của Việt Nam. Chỉ số CPĐT năm 2022 xếp hạng 86/193. Chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132. Chỉ số Bưu chính năm 2023 đạt cấp độ 6/10, xếp hạng 47/172.

CSDL quốc gia về bảo hiểm: Kết nối, chia sẻ dữ liệu với 09 Bộ, ngành và một số kết nối, chia sẻ dữ liệu có phạm vi quốc gia; quản lý khoảng 32 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm; khoảng 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); khoảng 88,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); đã xác thực hơn 93,7 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó: khoảng 84,7 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm 96% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội). Đồng thời, hệ thống BHXH Việt Nam đã đồng bộ hơn 132 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư.

CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Hoàn thành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 50.000 người dùng, cụ thể: khoảng 18.000 tài khoản của công chức tư pháp - hộ tịch, khoảng 32.000 tài khoản của lãnh đạo và văn thư UBND cấp xã.

Tính đến tháng 11/2023, hệ thống đã có khoảng 48 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, khoảng 12,3 triệu dữ liệu kết hôn, khoảng 10,5 triệu dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, khoảng 8,2 triệu dữ liệu khai tử, khoảng 293.000 trường hợp nhận cha mẹ con, khoảng 20,5 nghìn trường hợp đăng ký giám hộ, khoảng 16,6 nghìn trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi, khoảng 889,4 nghìn dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

CSDL đất đai quốc gia:

Tại Trung ương đã xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 04 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm: (1) CSDL về thống kê, kiểm kê đất đai; (2) CSDL về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (3) CSDL về giá đất; (4) CSDL về điều tra, đánh giá đất đai.

Tại địa phương: 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai.

CSDL quốc gia về tài chính: Bộ Tài chính đã xây dựng, hoàn thiện 13 CSDL chuyên ngành phục vụ Đề án xây dựng CSDL quốc gia về tài chính.

CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức: Kết nối, đồng bộ dữ liệu với 96 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương (33 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành phố), trong đó: 70 Bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu (đạt 100%) (gồm 13 Bộ, ngành và 57 địa phương), các đơn vị còn lại đang tiếp tục đồng bộ dữ liệu về bảo đảm đủ số liệu của giai đoạn 1. Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về CSDL quốc gia đến thời điểm này là gần 2,3 triệu hồ sơ, trong đó: Bộ, ngành là gần 218.000 hồ sơ (đạt 80,3%), địa phương là hơn 2 triệu hồ sơ (đạt 99%).

Dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Năm 2023, 100% Bộ, ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương để triển khai DVCTT theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; triển khai 81% TTHC là DVCTT, trong đó 48,5% TTHC được triển khai là DVCTT toàn trình. Tính đến tháng 12/2023, có 49/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và 13/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.

Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 38,5%; trung bình hàng ngày có khoảng 76.000 hồ sơ DVCTT.
 
3

Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG)

Tính đến hết tháng 11/2023, có hơn 6,8 triệu tài khoản đăng ký, hơn 119 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 29 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, hơn 20,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7,1 nghìn tỷ đồng. Đến nay, Cổng đã kết nối, tích hợp với 150 HTTT, CSDL của các cơ quan, đơn vị; công khai hơn 6,3 nghìn TTHC, trong đó đã tích hợp, cung cấp gần 4,6 nghìn DVCTT; có hơn 11,2 triệu tài khoản (tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ); hơn 269,1 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ); hơn 35,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 9,5 nghìn tỷ đồng (tăng gần 2,6 lần so với cùng kỳ).

Bộ Chỉ số phục vụ người dân và DN trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công tiếp tục được triển khai hiệu quả. Việc cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử ở Bộ, ngành đạt 22,8% (tăng 11% so với năm 2022), ở địa phương đạt gần 43% (tăng 31,4% so với năm 2022); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ, ngành đạt 28,9%, tại địa phương đạt 37,3%, tuy nhiên, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa vẫn còn thấp (9%). Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã thực hiện công khai các kết quả đánh giá của Bộ, ngành, địa phương trên Cổng DVCQG để người dân, DN theo dõi, giám sát, đánh giá.

Đối với 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022, VPCP thường xuyên đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Cổng DVCQG;...

HTTT báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

VPCP tiếp tục đẩy mạnh kết nối, tích hợp dữ liệu từ các Bộ, ngành, địa phương về Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai thử nghiệm kết nối, chia sẻ dữ liệu với một số địa phương về một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tiếp tục xây dựng, phát triển HTTT và cập nhật vào kho dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã kết nối, liên thông với các HTTT, CSDL quốc gia, chuyên ngành của 16 Bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương với trên 40 chỉ tiêu thông tin trực tuyến, trên 300 chỉ tiêu dữ liệu; hình thành 4 nhóm chỉ số; cập nhật trên 1.000 tệp dữ liệu và trên 18 nghìn bài phát biểu vào các chuyên mục Kho dữ liệu tổng hợp, Kho dữ liệu nội dung, đồng thời triển khai giải pháp lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu theo mô hình Kho dữ liệu (DataWarehouse); đã xây dựng các ấn phẩm Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ (Infographic).

Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được sử dụng, vận hành và phát huy hiệu quả, kết nối với các điểm cầu trực tuyến tại Bộ, ngành, địa phương; trung tâm chỉ huy, trung tâm phục vụ hành chính công, cửa khẩu biên giới, hồ đập thủy điện; xây dựng các kịch bản và phục vụ lãnh đạo Chính phủ họp, chỉ đạo, điều hành trực tuyến tới thực địa để ứng phó các sự cố, tình huống khẩn cấp, phòng chống thiên tai.

Trục liên thông văn bản quốc gia: Tính đến tháng 11/2023, đã có trên 8,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục trong năm 2023 (tăng 1,2 lần so với cùng kỳ); lũy kế đến tháng 11/2023 có hơn 28,2 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục, trung bình mỗi tháng có khoảng 700.000 văn bản gửi, nhận. 98% các cơ quan đã gửi, nhận văn bản điện tử và 80% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân.

HTTT phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Năm 2023 (tính đến tháng 11), đã phục vụ 21 hội nghị, phiên họp Chính phủ và xử lý 486 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Tổng số đã phục vụ 86 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và xử lý gần 2.000 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 654.000 hồ sơ, tài liệu giấy).

Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số

(EMC): Đến tháng 12/2023, Hệ thống EMC kết nối, thu thập dữ liệu của hơn 1.000 Cổng/ trang TTĐT của CQNN và 83 HTTT giải quyết TTHC cấp Bộ, cấp tỉnh phục vụ giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ cung cấp và sử dụng DVCTT, dựa trên dữ liệu sinh ra từ máy, tự động, tức thời, không biết nói dối. Hàng ngày, Hệ thống EMC thu nhận hơn 6 triệu tương tác của tổ chức, cá nhân trên các Cổng/trang TTĐT, Cổng dịch vụ công của CQNN.

Bộ TT&TT đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp và nhiều Bộ, ngành, địa phương xây dựng, thử nghiệm mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và Trợ lý ảo Việt Nam. Trong đó, tập trung vào xây dựng 3 trợ lý ảo: (1) Trợ lý ảo hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho ngành Lập pháp và Tư pháp; (2) Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức; (3) Trợ lý ảo hỗ trợ người dân về các vấn đề pháp lý.

Kinh tế số

Kinh tế số của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần tăng GDP.

Tính đến tháng 12/2023, số lượt DN nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS (SMEdx) là khoảng 1,1 triệu (+55,6% so với năm 2022); số lượng DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx: 197.000 (+157% so với năm 2022).

Tính đến tháng 12/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 5,5 tỷ hóa đơn; trong đó, có hơn 1,6 tỷ hóa đơn có mã, gần 4 tỷ hóa đơn không mã. Đến tháng 12/2023, đã có hơn 36,4 nghìn DN, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là khoảng 58 triệu hóa đơn.

Xã hội số

Việt Nam có khoảng 78 triệu người dùng Internet, trong đó có 161,6 triệu thuê bao di động, tương đương mỗi người có khoảng 1,5 chiếc điện thoại. Thời gian sử dụng Internet trung bình là 06 giờ 23 phút/ngày, giảm 4% so với năm 2022. Thời gian xem TV và các nội dung video streaming giảm 4,8% còn 2 giờ 39 phút/ngày. Thời gian dành cho các mạng xã hội là 2 giờ 32 phút/ngày.

Đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu Thẻ căn cước công dân gắn chip; Đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận). Có 34 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử cao nhất cả nước. Ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: sổ sức khỏe điện tử; giấy phép lái xe; ví điện tử; kê khai, đăng ký, nộp thuế; thông tin sổ BHXH và nhiều tiện ích khác.

Trên 77,4% người trưởng thành Việt Nam đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2022. Các giao dịch thanh toán được thực hiện trên môi trường mạng đã tăng 66,5% về số lượng, tăng khoảng 4% về giá trị; giao dịch qua điện thoại di động tăng khoảng 63% về lượng và 8,8% về giá trị, giao dịch qua mã QR tăng 124,1% về số lượng và 16,1% về giá trị. Mặc dù mới chính thức triển khai từ cuối tháng 3/2021, tính đến tháng 6/2023, đã có gần 27 triệu tài khoản điện tử được mở thông qua hình thức eKYC...

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác CĐS quốc gia và triển khai Đề án 06 tiếp tục được triển khai quyết liệt cả về hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, về phát triển KTS, XHS, cũng như CSDL quốc gia, chuyên ngành và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, cung cấp DVCTT cho người dân, DN để tăng cường công tác quản lý thuế và phát triển thương mại điện tử (TMĐT).

Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai. CSDL quốc gia dân cư đã được kết nối, chia sẻ với 18 Bộ, cơ quan và 63 địa phương. DVCTT triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả; thực hiện tái cấu trúc quy trình đối với các dịch vụ công thiết yếu và cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử, từng bước tái sử dụng dữ liệu số hóa giúp tiết giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho người dân, DN. Năm 2024, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08% (tăng thêm 20% từ mức tỷ lệ của năm 2020).

Có thể thấy, với quy mô dân số gần 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực châu Á, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn trong việc CĐS. Đây là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào CĐS.

Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) năm 2020 của Liên Hợp Quốc, năm 2021, doanh thu của các DN số ở Việt Nam tăng trưởng gần 10%. Xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam đã tăng 3 bậc so với năm 2016.

Theo kết quả khảo sát 400 DN về “Thực trạng chuyển đổi số trong DN trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, cho thấy, các DN Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu như: quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.

Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã buộc các DN phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến. Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các DN ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ,...

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều DN Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số DN đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch COVID-19 và xấp xỉ 19% số DN đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.

Đồng thời, khảo sát trên cũng cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận DN Việt Nam đối với quá trình CĐS. Có tới 98% số DN kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện CĐS, trong đó lớn nhất là khả năng giúp DN giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giảm các giấy tờ (61,4%); làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%). Trong năm 2020, giá trị của một số công ty công nghệ trong nước tăng khoảng 200% trên Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, bao gồm Công ty Cổ phần Thế giới Số (Digiworld), nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường; Công ty Viễn Liên, DN thiết bị viễn thông - tăng lần lượt 252,1% và 189,4%. (Ngân hàng Thế giới, 2021).
Chuyển đổi số phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy người lãnh đạo, từ chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả và đòi hỏi phải có hệ thống khung pháp lý được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các mô hình, dịch vụ mới.

Nhìn chung, 4 năm qua, công cuộc CĐS ở nước ta đã đạt được 5 kết quả nổi bật trong thời gian qua:

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. Giai đoạn 2021-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành 43 Quyết định, 14 Chỉ thị, 4 Công điện và các Bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn CĐS và triển khai Đề án 06. Tổ chức 9 phiên họp Ủy ban Quốc gia về CĐS và 40 phiên họp của Đề án 06.

Hai là, nhận thức và các thể chế, cơ chế chính sách về CĐS quốc gia ngày càng được củng cố tích cực và hoàn thiện

Nhận thức về CĐS ngày càng thấm sâu và lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu; Công cuộc CĐS nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể như thanh niên, sinh viên, công đoàn, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh.

Về tổng thể, khuôn khổ pháp lý ngày càng tạo thuận lợi cho CĐS quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực. Giai đoạn 2021-2024, Quốc hội đã ban hành nhiều luật liên quan (Luật Viễn thông, Luật GDĐT, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu). Chính phủ đã ban hành 19 Nghị định. Các Bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 45 Thông tư.

Hai là, Chính phủ số tiếp tục có bước phát triển. Cung cấp DVCTT cho người dân, DN được đẩy mạnh (đã có 16,4 triệu tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp 4.543/6.325 TTHC, 43/53 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06).
 
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành xây dựng chính phủ số, KTS đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về CPĐT và phát triển KTS;

Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng CĐS, gồm: (1) Chuyển đổi nhận thức; (2) Kiến tạo thể chế; (3) Phát triển hạ tầng số; (4) Phát triển nền tảng số; (5) Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; (6) Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số;

Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” ngày 01/10/2021, xác định tăng trưởng xanh thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. Tăng trưởng xanh dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, CĐS, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.

Ba là, KTS, XHS tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Sản phẩm số của DN Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm số tăng từ 113,5 tỷ USD năm 2021 lên 117,3 tỷ USD năm 2023; 6 tháng năm 2024 đạt 64,9 tỷ USD, tăng 23%. Doanh thu phần mềm và dịch vụ CNTT tăng khá (năm 2023: 13 tỷ USD; 6 tháng 2024: 6 tỷ USD); xuất khẩu năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD; 6 tháng 2024 đạt gần 3 tỷ USD.

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam, cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển, trí tuệ nhân tạo...

Số hóa các ngành kinh tế, công tác CĐS trong quản lý, đầu tư xây dựng, sản xuất được triển khai mạnh mẽ. Doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên 20,5 tỷ USD năm 2023. Hàng trăm sản phẩm OCOP đã được bán thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, tạo sinh kế và thu nhập cao cho người nông dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%. Hiện có 9,13 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, trong đó 72% khách hàng tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Hệ thống thuế điện tử được xây dựng đồng bộ từ đăng ký thuế đến khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử và triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc (xử lý 8,8 tỷ hóa đơn).

CĐS phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, như đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển trực tuyến trong giáo dục; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, khai tử...; trong BHXH (trong cao điểm COVID-19, trong 1 tháng, đã chi trả 31.836 tỷ đồng cho trên 13,3 triệu lượt NLĐ qua hệ thống điện tử); 63/63 địa phương thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho 1,96 triệu người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng.

Bốn là, hạ tầng số, nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Các CSDL quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các CSDL mang tính nền tảng như: Dân cư, thuế, bảo hiểm, DN, giáo dục và đào tạo... đã đi vào vận hành ổn định, mang lại hiệu quả tích cực.

Năm là, xếp hạng và vị thế quốc tế về CĐS liên tục được cải thiện

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về kết quả CĐS của Việt Nam. Chỉ số CPĐT năm 2022 xếp hạng 86/193. Chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132. Chỉ số Bưu chính năm 2023 đạt cấp độ 6/10, xếp hạng 47/172.

Báo cáo của Google đánh giá tốc độ tăng trưởng KTS Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Chiến lược phát triển KTS và XHS đặt ra mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2025 tối thiểu 20%, năm 2030 tối thiểu 30%. Thực tế ước tính tỷ trọng này năm 2021 ước đạt 11,91%, năm 2022 ước đạt 14,26%, năm 2023 ước đạt 16,5%, trong đó tỷ trọng kinh tế số lõi ICT chiếm hơn 60%, kinh tế số ngành, lĩnh vực chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 40%.

Tốc độ phát triển KTS của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tốc độ tăng trưởng KTS trong từng ngành, lĩnh vực của Việt Nam so với năm 2022 đạt được kết quả ấn tượng: du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19% đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á, TMĐT tăng 11%. Sau hơn 4 năm phát động CĐS, tỷ lệ cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, DN có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số 100%.

Trong lĩnh vực ngân hàng, hiện nay mỗi ngày có từ 20 - 25 triệu giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính, xử lý bình quân 830 nghìn tỷ. Tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam từ 2019 - 2023 là khoảng 25% mỗi năm; riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số toàn sàn bán lẻ trực tuyến đạt trên 129.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023...
4

Những bài học, tồn tại và giải pháp cần có

Bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn những hạn chế, bất cập, cần khắc phục kịp thời trong thời gian tới: CĐS đòi hỏi trình độ cao cả về kỹ thuật, nhân lực, cũng như đầu tư lớn về tài chính. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn đi sau thế giới về mặt công nghệ, chưa làm chủ được các công nghệ lõi của CĐS, các hệ thống nền tảng cơ bản. CĐS phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy người lãnh đạo, từ chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả và đòi hỏi phải có hệ thống khung pháp lý được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các mô hình, dịch vụ mới.

Trong khi đó, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chưa kịp thời, đồng bộ; Nhiều nhiệm vụ theo Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về CĐS và Đề án 06 chưa hoàn thành theo tiến độ; Việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa kịp thời. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS.

Phát triển KTS chưa tương xứng với tiềm năng, đầu tư còn dàn trải; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng manh mún, cát cứ thông tin; hạ tầng số, nền tảng số của nhiều cơ quan đầu tư thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ thông tin; vẫn còn nhiều thôn, bản chưa có đường cáp quang; nhiều điểm lõm sóng, lõm điện.

Công tác an ninh mạng, ATTT ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, tấn công mạng, nhất là mã độc tống tiền và lừa đảo qua mạng tăng mạnh trong thời gian qua; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC còn chậm; chất lượng cung cấp DVCTT chưa cao; nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều, nhất là nhân lực trình độ cao và nhân lực trong các ngành kinh tế mới nổi.

Phát triển KTS chưa tương xứng với tiềm năng, đầu tư còn dàn trải chưa bảo đảm kế hoạch đặt ra, khó hoàn thành mục tiêu đến năm 2025; Ngoài ra, mức hưởng thụ công nghệ của người dân vẫn còn hạn chế có sự chênh lệch giữa các vùng, miền và các nhóm đối tượng, nhất là vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và nhóm người khuyết tật, người già, người có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả điều tra 53 DTTS của Tổng cục Thống kê thực hiện gần đây cho thấy hiện có 10,3% số hộ gia đình DTTS có sử dụng máy vi tính. Tỷ lệ đồng bào sử dụng điện thoại, trong đó có điện thoại thông minh tập trung ở các dân tộc có thu nhập ở nhóm cao.

Nhiều chương trình, đề án, dự án của Nhà nước hầu như chỉ tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội, mà chưa chú trọng đầu tư đúng mức vào các ứng dụng CNTT dành riêng, phù hợp với trình độ, nhận thức, ngôn ngữ, tập quán của đồng bào DTTS. Chưa kể, việc cài đặt các chương trình, ứng dụng và cách sử dụng cũng không hề đơn giản với người khuyết tật, người già...

Thực tiễn CĐS 4 năm qua cũng cho phép rút ra các bài học kinh nghiệm quan trọng, như:

Thứ nhất, yếu tố quan trọng nhất để CĐS quốc gia thành công là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng DN; phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ ưu tiên, rõ thời gian, rõ kết quả để dễ kiểm tra, dễ giám sát, đánh giá, dễ khen thưởng, kỷ luật phù hợp. Phải tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, “làm việc nào dứt việc đó”, tăng cường phối hợp, bám sát thực tế, phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Đặc biệt, người đứng đầu phải vào cuộc; phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải,

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, mạnh dạn thí điểm các mô hình mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy mạnh mẽ phương thức đối tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư.

Thứ ba, phải luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; luôn cầu thị, lắng nghe phản ánh của người dân, DN; phải nói thật, làm thật, để người dân, DN được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Định hướng CĐS thời gian tới của Việt Nam sẽ tập trung vào 5 trọng tâm gồm: (i) Phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; (ii) Ưu tiên nguồn lực cho CĐS; (iii) Phát triển hạ tầng số toàn diện nhưng phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; (iv) Quản lý, điều hành số hóa, thông minh; (v) Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho CĐS theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thủ tục phiền hà, sách nhiễu, xóa xin cho và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% DVCTT toàn trình trên tổng số TTHC có đủ điều kiện cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 40% dân số trưởng thành sử dụng DVCTT; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết TTHC; Đến năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết TTHC được gắn định danh cá nhân.

Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ về thúc đẩy số hóa các ngành kinh tế tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về CĐS ban hành kèm theo Quyết định số 58/QĐ-UBQGCĐS ngày 19/4/2024, trong đó: hoàn thiện thể chế, chính sách; tổ chức các Phiên họp, hội nghị thúc đẩy số hóa ngành, lĩnh vực; trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch số hóa ngành, lĩnh vực và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt.

Sớm hoàn thành triển khai 30 DVCTT thiết yếu (10/53 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022, Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 và 20 dịch vụ công ưu tiên theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024), nhất là tích hợp, công bố nhóm TTHC đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSD về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với HTTT giải quyết TTHC cấp tỉnh.

Khẩn trương tập trung xử lý dứt điểm các nhiệm vụ chậm, quá hạn, tồn đọng được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình CĐS quốc gia và Đề án 06.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Tổng cục Thống kê công bố theo thẩm quyền số liệu tỷ trọng kinh tế số trong GDP hằng năm. Tập trung xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2026-2030 theo tinh thần hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước; phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho CĐS và Đề án 06 ổn định trong giai đoạn 2026- 2030.
5

Các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; xây dựng CSDL của ngành, địa phương và kết nối với CSDL quốc gia; xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng TTDL quốc gia; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xác định lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng VNeID, nhất là hoàn thành lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn... để người dân trên cả nước được sử dụng, thụ hưởng, hoàn thành trước 31/12/2024;

Đồng thời, đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền theo quy định; sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật giải quyết triệt để việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC liên quan đến quản lý dân cư; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước theo Luật Căn cước năm 2023 và rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung dữ liệu của HTTT do Bộ, ngành quản lý với CSDL quốc gia về dân cư để phục vụ triển khai cấp căn cước từ ngày 01/7/2024 theo quy định của Luật Căn cước; sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm quản lý toàn diện và xác định một đầu mối quản lý nhà nước chung về hoạt động TMĐT và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số trong nước và xuyên biên giới, cắt giảm TTHC, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các tiện ích thanh toán điện tử và tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý thuế; rà soát, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện số hóa, làm giàu CSDL của mỗi Bộ, ngành về hoạt động kinh doanh TMĐT và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số trong nước và xuyên biên giới. Trên cơ sở đó, giao Bộ Công Thương xây dựng và vận hành CSDL dùng chung về TMĐT.

Đặc biệt, điều quan trọng nhất, quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải thống nhất nhận thức và hành động, phát huy tính tiên phong, nêu gương, đi đầu tiên phong, gương mẫu thúc đẩy chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, “đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm rồi phải xác định trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa”; Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không bàn lùi, chỉ bàn làm; phân công công việc “rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả” và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tăng cường phối hợp và kỷ luật kỷ cương hành chính, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.

Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, để thúc đẩy CĐS, phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy phát triển KTS, XHS, công dân số; tăng cường đầu tư hạ tầng số quốc gia thông suốt, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận tiện; nâng cấp an ninh mạng, ATTT, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa; tăng cường xây dựng văn hóa số, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới; triển khai CĐS, đảm bảo Đề án 06 đồng bộ, hiệu quả tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, 100% DVCTT thiết yếu cho người dân, tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, tiết giảm chi phí; Bảo đảm nguồn lực cho CĐS quốc gia, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, đào tạo nhân lực số cho CĐS và các ngành kinh tế mới nổi, chú trọng đào tạo kĩ năng số gắn với nhu cầu thị trường; Huy động sự tham gia của các DN trong nước trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng số, các HTTT, CSDL phục vụ CĐS, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN, nhà đầu tư, lấy người dân, DN làm trung tâm, làm chủ thể trong CĐS quốc gia, mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho người dân, DN, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
 
Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng,
phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;
2. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách
chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
3. Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc
gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
4. Thông báo số 316/TB-VPCP Kết luận Hội nghị sơ kết một năm thực hiện chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế;
5. Nghị quyết số 65/NQ-CP ngày 07/5/2024 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024
6. https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-7-22/Ket-qua-noi-bat-trong-chuyen-doi-so-
thoi-gian-quaj44mhv.aspx;
7. Liên Hợp Quốc (2021). Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT năm 2020.
8. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (2020). Kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”.
9. World Bank. (2021). Taking Stock: Digital Vietnam - The Path to;
10. https://nhandan.vn/bao-dam-quyen-tiep-can-cong-nghe-so-cho-nguoi-dan-post822233.html.
 

Tác giả: TS. Nguyễn Minh Phong

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây