Việt Nam lần đầu tiên được xếp vào nhóm quốc gia có chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử rất cao

Thứ năm - 19/09/2024 09:24 1.022 0
Theo bảng xếp hạng chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2024 mà Liên Hợp Quốc vừa công bố, Việt Nam tăng 15 bậc so với báo cáo năm 2022 và được xếp vào nhóm các nước có EGDI ở mức “rất cao”.
1
Ảnh minh họa: Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: VGP/Thế Phong).
Ngày 17/9/2024, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã công bố Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (CPĐT) (E-Government Development Index – EGDI) năm 2024. Chủ đề của Báo cáo năm nay là "Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững (Accelerating Digital Transformation for Sustainable Development)" để nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của chuyển đổi số (CĐS), chính phủ số để các quốc gia trên thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo của LHQ cung cấp thông tin về sự phát triển của chính phủ số trên phạm vi toàn cầu, khu vực và quốc gia; giúp cho mỗi quốc gia biết vị trí của mình trong bức tranh chính phủ số trên thế giới, nắm bắt kịp thời các xu thế để có chiến lược đúng đắn phát triển chính phủ số trong tương lai.

Báo cáo EGDI 2024 cho thấy sự phát triển chính phủ số trên toàn thế giới, ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ công và tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, báo cáo EGDI 2024 đã giới thiệu Khung mô hình chính phủ số mới (Digital Government Model Framework) để các quốc gia tham khảo nhằm đẩy nhanh quá trình CĐS để phát triển bền vững.

Khung mô hình chính phủ số của LHQ bao gồm 6 động lực của chính phủ số như: (1) Lãnh đạo số; (2) Tập trung vào dữ liệu; (3) Danh tính số hợp pháp; (4) Tham gia điện tử hiệu quả; (5) Văn hóa số và (6) Hạ tầng số. Ngoài ra, Báo cáo EGDI 2024 cũng cung cấp thông tin về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với quản trị của khu vực công.

Châu Âu dẫn đầu về phát triển CPĐT

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy lần đầu tiên, tỷ lệ các quốc gia thành viên có giá trị chỉ số EGDI “rất cao” chiếm đa số, chiếm tới 39% tổng số quốc gia được đánh giá. Nhìn chung, 71,5% quốc gia thành viên hiện đang đạt mức EGDI cao hoặc rất cao.

Nhờ những cải thiện trong việc cung cấp dịch vụ và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, điểm trung bình EGDI toàn cầu đã tăng lên đáng kể. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ dân số tụt hậu trong quá trình phát triển chính phủ điện tử đã giảm từ 45% năm 2022 xuống còn 22,4% vào năm 2024. Tiến bộ này chủ yếu đến từ những bước phát triển mạnh mẽ ở châu Á và sự cải thiện ổn định ở châu Mỹ, nơi ngày càng nhiều quốc gia gia nhập nhóm EGDI rất cao.

Mặc dù, tất cả các khu vực đều đạt được tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tốc độ phát triển vẫn không đồng đều và sự chênh lệch giữa các khu vực vẫn tồn tại.

Châu Âu tiếp tục dẫn đầu về phát triển CPĐT, trong khi đó, châu Á đang tiến bộ nhanh hơn 4 khu vực còn lại với 53% quốc gia trong khu vực có giá trị EGDI rất cao.

Châu Á đã có những bước tiến mạnh mẽ kể từ năm 2022, với Singapore, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nhật Bản và Bahrain dẫn đầu về phát triển chính phủ kỹ thuật số.

Ở châu Phi, Mauritius và Nam Phi đã vươn lên nhóm chỉ số EGDI cao, đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia trong khu vực này đạt đến mức cao nhất. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia châu Phi vẫn có chỉ số EGDI dưới mức trung bình toàn cầu.

Châu Đại Dương được đặc trưng bởi sự thay đổi đáng kể trong phát triển kỹ thuật số. Úc và New Zealand vẫn là những quốc gia dẫn đầu trong khu vực và toàn cầu, trong khi các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong quá trình phát triển kỹ thuật số.

Khảo sát đã cho thấy những bước tiến đáng kể trong quản trị số đã được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và băng thông rộng. Tuy nhiên, trong khi CĐS thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng, đặc biệt là trong khu vực tư nhân, nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với những rào cản trong việc tận dụng đầy đủ những tiến bộ này để cải thiện dịch vụ công và sự tham gia của công chúng - những thành phần quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

“Khảo sát nhấn mạnh những bước tiến trong chính phủ số, đồng thời giải quyết tình trạng chênh lệch kỹ thuật số kéo dài, đặc biệt là ở những khu vực như châu Phi và châu Đại Dương. Dù sự chênh lệch này có thể không được thu hẹp hoàn toàn vào năm 2030, nhưng những tiến bộ hiện nay đã mở ra những cơ hội đáng kể”, ông Li Junhua, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội, chia sẻ.

“Bằng cách đẩy nhanh nỗ lực và áp dụng các giải pháp sáng tạo, toàn diện, chúng ta có thể đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ sức mạnh chuyển đổi của chính phủ số, giúp nền hành chính công trở nên hiệu quả, kiên cường và công bằng hơn”.
2
Việt Nam xếp 71/193 quốc gia về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam lần đầu tiên được xếp vào nhóm EGDI ở mức “rất cao”

Trong bảng xếp hạng năm 2024, Việt Nam có vị trí thứ 71/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tăng 15 bậc so với năm 2022. Với kết quả này, Việt Nam lần đầu tiên được xếp vào nhóm EGDI ở mức “rất cao” và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của LHQ năm 2003.
3

Cụ thể, về giá trị, Chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2024 đạt 0.7709 điểm, được xếp vào nhóm các nước có EGDI ở mức “rất cao” (có 39,4% các quốc gia được xếp ở nhóm này) và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0.6382), của khu vực châu Á (0.6990), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0.6928).

EGDI được chia làm 04 mức (Rất cao: Chỉ số lớn hơn 0,75; Cao: Chỉ số từ 0,5 đến 0,75; Trung bình: Chỉ số từ 0,25 đến 0,5; Thấp: Nhỏ hơn 0,25).

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt Brunei để vươn lên vị trí thứ 5 trong 11 nước (tăng 01 bậc so với năm 2022); 4 nước có vị trí cao hơn Việt Nam là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đáng chú ý là Singapore tăng 9 bậc và vươn lên xếp thứ 3 trên toàn thế giới; Philippines tăng 16 bậc; Việt Nam tăng 15 bậc; Indonesia tăng 13 bậc; Đông Timor giảm 12 bậc.

Ngoài ra, LHQ đánh giá cao Việt Nam cùng với 3 quốc gia Indonesia, Philippines, Brunei ở khu vực Đông Nam Á có giá trị EGDI chuyển từ nhóm “Cao” lên nhóm “Rất cao”. Trong đó, LHQ đánh giá cao Việt Nam về những nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến. So với 55 quốc gia trong nhóm có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam là một trong năm quốc gia (04 quốc gia khác là Ukraine; Mongolia; Uzbekistan và Philippines) có EGDI ở mức “Rất cao”.
4

Về các chỉ số thành phần, cũng như các năm trước, chỉ số EGDI được tổng hợp từ 3 chỉ số chính: Chỉ số Hạ tầng viễn thông (Telecommunication Infrastructure Index - TII); Chỉ số Nguồn nhân lực (Human Capital Index - HCI); Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (Online Service Index - OSI).

Vị trí xếp hạng về các chỉ số chính trong EDGI của Việt Nam năm 2024 đều có sự tăng trưởng về giá trị và xếp hạng, đặc biệt là về xếp hạng HCI và giá trị TII.

Cụ thể: HCI đạt 0.HLHQLHQLHQLH,7267, xếp thứ 79/193, tăng 36 bậc so với năm 2022; TII đạt 0.8780, xếp thứ 67/193, tăng 7 bậc so với năm 2022; OSI đạt 0,7081, xếp thứ 75/193, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Về giá trị, EGDI tăng trưởng 13,6%, trong đó TII là chỉ số chính tăng trưởng mạnh nhất so với năm 2022 với 25,9%; tiếp đến là OSI với 9,2%; HCI tăng trưởng 5,3%. Trong 3 chỉ số chính, TII của Việt Nam được xếp ở mức “Rất cao”; OSI và HCI được xếp ở mức “Cao”.

Ngoài ra, LHQ còn đánh giá 3 chỉ số phụ bao gồm: (1) Tham gia điện tử (EPI); (2) Dịch vụ trực tuyến địa phương (LOSI, bắt đầu đánh giá, công bố năm 2020); (3) Dữ liệu mở của Chính phủ (OGDI, bắt đầu đánh giá, công bố năm 2020).

Trong đó, OGDI đạt 0.7436, xếp thứ 77/193, tăng 10 bậc so với năm 2022; LOSI (LHQ lựa chọn đánh giá TP. Hồ Chí Minh) đạt 0.6354, xếp hạng 53/152 thành phố (năm 2022 xếp 54/146); EPI đạt 0,6027, xếp hạng 72/193, giữ nguyên so với năm 2022.
5

Với kết quả xếp hạng vượt bậc này, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2024 về xếp hạng CPĐT tăng ít nhất 5 bậc tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; đồng thời thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, nỗ lực của cơ quan Nhà nước các cấp đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để triển khai CĐS quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao thứ hạng chỉ số EGDI, chính phủ số của Việt Nam theo đánh giá của LHQ; từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây