Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo thường kỳ
Thứ sáu - 06/10/2023 10:577840
Ngày 05/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 9/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, người phát ngôn Bộ TT&TT chủ trì họp báo.
Dự Họp báo có đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), lãnh đạo Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục Công nghiệp ICT, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, Trung tâm Internet Việt Nam, Trung tâm Thông tin cùng đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ và các nhà báo, phóng viên đại diện cho các cơ quan thông tấn, báo chí.
Báo cáo tại buổi họp báo cho biết, doanh thu toàn ngành TT&TT tháng 9/2023 ước đạt 367.137 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 9/2023 ước đạt 2.655.661 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.295 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 9/2023 ước đạt 74.097 tỷ đồng.
Năm 2023: Năm dữ liệu số quốc gia
Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến cho biết,sợi chỉ đỏ xuyên suốt của chủ đề Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liêu số để tạo ra giá trị”. Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.
Trong tháng 10/2023, Bộ TT&TT triển khai “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số”. Đây là hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2022 nằm trong chuỗi hoạt động của Tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10 hằng năm. “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” là hoạt động hướng tới lợi ích của người dân. Người dân được thụ hưởng những kết quả thiết thực mà chuyển đổi số mang lại.
Doanh nghiệp (không giới hạn doanh nghiệp trong và ngoài nước) nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; xây dựng nền tảng số phục vụ người dân; cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội; có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
Tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số.
Người dân thụ hưởng những chính sách ưu đãi khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
Đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cho biết, “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” năm 2023 diễn ra từ ngày 01/10 - 31/10/2023, cao điểm trong 10 ngày từ ngày 01/10 đến hết ngày 10/10/2023. Trong “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số”, doanh nghiệp triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số và đăng tải, thông báo công khai trên các Trang/Cổng thông tin điện tử, các ứng dụng (apps) của doanh nghiệp để người dân biết, sử dụng.
Ghi nhận đến nay, “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” năm 2023 đã thu hút hơn 80 doanh nghiệp trong 12 lĩnh vực tham gia. Đặc biệt, có nhiều chương trình ưu đãi đã được doanh nghiệp triển khai hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia từ sớm, trước tháng 10/2023 và có các chương trình ưu đãi kéo dài dư âm của Ngày Chuyển đổi số quốc gia đến sau tháng 10/2023.
Bộ TT&TT tiếp tục nhận thông tin của các doanh nghiệp triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số năm 2023, đồng thời công khai, cập nhật thường xuyên danh sách chính sách ưu đãi tiêu dùng số của các doanh nghiệp gửi về tại Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia https://dx.gov.vn và thông báo toàn dân.
Những kết quả nổi bật của AMRI16
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ TT&TT Triệu Minh Long cho biết, Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị AMRI16 với quy mô lớn nhất từ tước đến này, với sự tham gia của 8 Bộ trưởng, 4 Thứ trưởng và Lãnh đạo cơ quan quản lý thông tin của 10 nước ASEAN, 3 nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), 1 nước quan sát viên (Timor Leste).
Với sáng kiến của Bộ trưởng nước chủ nhà Việt Nam về Chủ đề AMRI 16: “Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng” được các nước đánh giá cao, đây cũng được xem là nội dung trọng tâm của hội nghị. Từ đó tạo ra, nâng cao tri thức và sự thấu hiểu từ thông tin; trách nhiệm của các nền tảng, mạng xã hội trong việc chọn lọc, chia sẻ thông tin hữu ích, góp phần nâng cao tri thức, hiểu biết;
Tại Hội nghị AMRI6, Việt Nam đã khởi xướng soạn thảo Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2035 về Thông tin Truyền thông được các nước ASEAN đóng góp xây dựng và thông qua tại Hội nghị. Đây là lần đầu tiên hợp tác về thông tin của ASEAN có một văn kiện về tầm nhìn, định hướng phát triển và hợp tác của ngành trong hơn 10 năm tới đến 2035, với một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tôn trọng và đảm bảo tính toàn vẹn về Chủ quyền Quốc gia trên Không gian mạng; Nuôi dưỡng Bản sắc ASEAN và cảm nhận thuộc về Cộng đồng; Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các nền tảng xuyên biên giới.
Ngân hàng nhà nước và Bộ TT&TT phối hợp “làm sạch” dữ liệu
Tại buổi họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã trả lời, giải đáp nhiều thắc mắc của đại diện các cơ quan báo chí liên quan đến phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Lê Văn Tuyên cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ TT&TT để thực hiện kế hoạch phối hợp nhiều nội dung triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Ngân hàng nhà nước sẽ làm sạch dữ liệu khách hàng, có thông tin nhận biết khách hàng để góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán.
Tính đến cuối tháng 8/2023 có 27 tổ chức tín dụng đã liên hệ làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán, 42 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng CCCD gắn chip, 7 tổ chức tín dụng liên hệ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hộ để rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo giấy tờ.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán để các tổ chức tín dụng có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh, đồng thời nỗ lực truyền thông qua các chương trình, hội thảo, hội nghị, phối hợp với cơ quan báo chí để giúp người dân sử dụng dịch vụ thanh toán, tài khoản một cách an toàn, hiệu quả.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ TT&TT có phương án để hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo di số điện thoại động.
Thời gian qua, Bộ TT&TT tăng cường xử lý SIM rác hiệu quả, qua đó đã giúp chủ tài khoản đăng ký SIM di động khớp đúng với tài khoản ngân hàng, làm giảm việc giả mạo giấy tờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán - ông Lê Văn Tuyên nhấn mạnh.
Kiến nghị các biện pháp xử lý hàng loạt sai phạm của TikTok tại Việt Nam
Chia sẻ với các cơ quan thông tấn, báo chí, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, nhằm tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm của nền tảng Tik Tok, từ ngày 22/5/2023, Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Đối tượng kiểm tra là 02 pháp nhân của TikTok tại Việt Nam, cụ thể: Văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại thành phố Hồ Chí và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam.
Qua kiểm tra cho thấy, quy trình kiểm duyệt nội dung trên nền tảng TikTok chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cách thức phân phối, đề xuất nội dung dựa trên sự tương tác, sở thích, sự quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền với tốc độ nhanh chóng nếu được nhiều người dùng tương tác, quan tâm.
Nền tảng này cũng không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em; vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên;
Ngoài ra, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cũng cho biết, TikTok vẫn chưa áp dụng chính sách bảo vệ nội dung có bản quyền của người dùng; chưa thông báo đầu mối liên lạc về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan tới Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và công khai trên trang thông tin điện tử của nền tảng TikTok…
Trước những sai phạm của TikTok tại Việt Nam, Đoàn kiểm tra yêu cầu Văn phòng TikTok chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua ứng dụng TikTok; Được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện kết luận kiểm tra và tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam của TikTok Singapore.