Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Ngành Nội vụ triển khai nhiệm vụ năm 2023
Thứ sáu - 30/12/2022 16:404660
Chiều 29/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ đồng chủ trì hội nghị.
Ngành Nội vụ đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm 2022
Với phương châm hành động của năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả”, Bộ Nội vụ luôn bám sát đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với cả hệ thống chính trị quyết tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thông những điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực thi chính sách. Đồng thời, tập trung mạnh mẽ nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ cấp thẩm quyền giao trong năm 2022.
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và ưu tiên hàng đầu nhằm thể thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực Nội vụ để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Theo đó, toàn ngành Nội vụ đã tập trung nguồn lực để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở tham mưu, đề xuất trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước, giữa Trung ương và địa phương.
Nổi bật là Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng, trình Quốc hội khóa XV thông qua 02 Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 06 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 08 Nghị định và 02 Nghị quyết… Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền về phương án, lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa XII; kịp thời đề xuất Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000đ lên 1.800.000đ tăng 20,8%.
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ đã có nhiều đổi mới, từng bước hoàn thiện theo hướng thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả hơn, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật trên các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Nội vụ.
Thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tập trung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm đầu mối trung gian; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; kiên trì mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục thực hiện sắp xếp tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập và thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa đối với các dịch vụ công...
Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP. Số đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ, ngành, địa phương năm 2021 giảm 13,4% so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra trong giai đoạn 2015-2021.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành và giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với địa phương; gắn phân cấp, phân quyền với kiểm tra, kiểm soát quyền lực, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao, đồng thời tiếp tục rà soát, đề xuất các nội dung cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước gắn với các thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, phẩn bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Cải cách hành chính năm 2022 đã có bước tiến mạnh mẽ, tiêu biểu là cải cách thể chế được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả để tạo đột phá chiến lược cho sự phát triển đất nước; phối hợp thực hiện tích cực và có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền số…
Đầu tư toàn diện cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những thành tích ngành Nội vụ đạt được trong năm 2022.
Về nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Nội vụ đầu tư toàn diện cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ, nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức, xây dựng chính quyền địa phương, tập trung cho cấp xã và xây dựng chính quyền đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị nền hành chính các cấp. Tập trung rà soát, đôn đốc, thực hiện quyết liệt phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ, ngành và với chính quyền địa phương nhằm khơi thông các điểm nghẽn và rào cản sự phát triển, phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của các địa phương, gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức, xây dựng chính quyền địa phương, tập trung cho cấp xã và xây dựng chính quyền đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị nền hành chính các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Triển khai đồng bộ, quyết liệt về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; hoàn thành việc sắp xếp bảo đảm mục tiêu, nguyên tắc đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong năm 2023 và 2024. Đẩy mạnh việc thẩm định trình cấp có thẩm quyền thành lập các đơn vị hành chính đô thị gắn nâng cao chất lượng đô thị, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa theo chủ trương của Đảng; xây dựng hệ thống thể chế, chính sách mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ và tập trung phối hợp có trọng tâm, trọng điểm cải cách hành chính, nhất là đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công vụ, công chức và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị, địa phương và hướng mạnh về cơ sở để tập hợp, vận động toàn dân tham gia các phong trào thi đua. Nâng cao hiệu quả công tác nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo…
Đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền tạo sự thống nhất, đồng thuận của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ..