Xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà

Thứ năm - 22/12/2022 15:01 376 0
Sáng 21/12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đồng chủ trì hội nghị.
 
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
quang canh
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Năm 2022, ước lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt

Dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, các ngành, các cấp, từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực đồng lòng vào cuộc tìm hướng đi và giải pháp để sớm phục hồi và phát triển du lịch trở lại. Với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19.

Ngay sau khi mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt khách và lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4/2022 đã bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại.

Năm 2022, ước lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022 (mục tiêu đặt ra là 5 triệu lượt khách), trong khi đó khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Theo đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nguyên nhân không đạt mục tiêu khách quốc tế đến Việt Nam là do: Thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế (Cao điểm đón khách du lịch quốc tế thường từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm). Cùng với đó, xung đột Nga - Ucraina đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại với biến chủng mới khiến một số thị trường lớn chững lại. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ‘‘không COVID’’ và đến nay vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế. Mặt khác, một số doanh nghiệp du lịch nhận định xu hướng chọn điểm đến của khách Châu Âu có thay đổi, sau 2 năm dịch COVID-19, chọn những điểm đến gần thay vì tới thị trường xa như Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng triển khai chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam chưa phát huy hiệu quả do thiếu nguồn lực. Do chưa có Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại các thị trường trọng điểm nên việc thu thập, phân tích, cập nhật dữ liệu thị trường chưa thường xuyên, chủ yếu kết hợp với một số chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài và khai thác tài liệu thứ cấp. Nguồn kinh phí hạn chế, khả năng tiếp cận, khai thác kết quả nghiên cứu có giá trị ở khu vực và trên thế giới làm cơ sở cho công tác định hướng thị trường gặp khó khăn...

Hiến kế để thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam

Các đại biểu đề nghị Nhà nước ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam như xem xét, đề xuất áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ. Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam và đi lại trong nước, tăng nguồn thu từ khách du lịch. Xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế.

Tăng cường vai trò cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp hỗ trợ giới thiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tiếp và kết nối lại doanh nghiệp; cập nhật các chính sách của các nước cạnh tranh trong khu vực để có sự điều chỉnh hợp lý trong hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông du lịch. Mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường nguồn khách du lịch của Việt Nam...

Tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực du lịch vùng. Tăng cường hợp tác công tư, phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ liên kết, phát triển du lịch; hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước và một số doanh nghiệp lớn…

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài chính sách giảm giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất đến hết năm 2022. Từ năm 2023 trở đi, điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ (tiếng Anh) của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch; xây dựng kế hoạch đào tạo bổ sung mới…

Doanh thu du lịch Nghệ An năm 2022 đạt 5.602 tỷ đồng
dc trung pb
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thống nhất cao với báo cáo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày, cũng như ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. “Hội nghị được tổ chức hết sức có ý nghĩa khi toàn quốc đang triển khai chương trình phục hồi kinh tế nói chung và phục hồi du lịch nói riêng. Cùng với các địa phương trong cả nước, Nghệ An cũng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, phát triển du lịch” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Năm 2022, Nghệ An đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch Nghệ An. Toàn tỉnh ước đón và phục vụ 6.730.000 lượt khách du lịch, bằng 356% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, khách lưu trú ước đạt 4.412.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 12.343 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch đạt 5.602 tỷ đồng, bằng 502% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, đối với khách du lịch quốc tế thì Nghệ An là “điểm trũng”. Khách du lịch quốc tế đến Nghệ An thấp, cả năm 2022 chỉ có 33.500 lượt khách. Nguyên nhân là do Nghệ An chưa có sản phẩm du lịch nổi bật đối với khách du lịch quốc tế; nguồn nhân lực phục vụ du lịch đối với khách quốc tế chưa đáp ứng nhu cầu; hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển ngành du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xác định ngành du lịch Nghệ An đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tối thiểu 10% vào GRDP của tỉnh. Triển khai chiến lược phát triển du lịch tỉnh một các toàn diện, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc triển khai các hoạt động liên quan phát triển du lịch.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng và tập trung thu hút đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng các điểm du lịch. Tăng cường công tác quảng bá các điểm du lịch của Nghệ An đến du khách. Tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch…

Tỉnh Nghệ An đồng tình với kiến nghị cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương trong công tác quảng bá du lịch; đề nghị cho phép Nghệ An bay một số chuyến bay charter từ Hàn Quốc, Trung Quốc đến sân bay Vinh.

Phát triển du lịch phải chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về phát triển du lịch, dự kiến được trình trong tháng 1/2023 trên tinh thần “Du lịch phải cung cấp các sản phẩm người ta cần chứ không phải là mình có”.

Thủ tướng Chính phủ chia sẻ những khó khăn ngành Du lịch gặp phải khi đại dịch COVID- 19 bùng phát. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa trong phát triển ngành Du lịch. Đồng thời, phải thay đổi tư duy, đổi mới, sáng tạo trong phát triển du lịch; đa dạng hóa thị trường sản phẩm, các chuỗi cung ứng sản phẩm. Cấu trúc lại toàn thể ngành Du lịch.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phát triển ngành Du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền và sự tham gia của người dân. Phát triển du lịch phải có tính đột phá.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công an quan tâm để chống tiêu cực trong việc cấp Visa du lịch. Phát triển Du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển chung các ngành kinh tế; phát triển du lịch nội địa và quốc tế; phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường và thiên nhiên. “Phát triển du lịch phải chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Các chủ thể liên quan trong phát triển du lịch phải quán triệt tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; chiến lược phát triển kinh tế từng năm, trong từng giai đoạn; liên kết phát triển ngành Du lịch với các ngành khác… Xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà.

Rà soát các quy định của pháp luật, chính sách, cơ chế liên quan đến ngành Du lịch. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về con người, cơ sở vật chất, cách thức tổ chức các tour, tuyến du lịch... Các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm du lịch mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, môi trường du lịch. Liên kết các điểm đến du lịch với các quốc gia trong khu vực. Đẩy mạnh chuyển đổi số đối với ngành du lịch để tạo thuận lợi cho du khách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành Du lịch.

Các doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại các sản phẩm, dịch vụ để thích ứng với tình hình mới; luôn luôn làm mới các sản phẩm. Các cơ quan truyền thông chủ động, tăng cường công tác truyền thông về phát triển du lịch.
 Tags: du lịch
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây