Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển"
Thứ hai - 27/02/2023 15:134880
Sáng 27/2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển". Hội thảo diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp với sự có mặt khoảng 250 đại biểu và trực tuyến với đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố.
Các đồng chí: Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Văn Dũng – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị.
Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" được tổ chức nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, các ngành, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hoá Việt Nam trong 80 năm qua.
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa.
Năm 1943 “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã đi vào lịch sử như một bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam 80 năm qua đã cho thấy ý nghĩa và giá trị mang tầm thời đại của văn kiện này.
Với Đề cương về văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên Đảng ta đã trình bày rõ ràng những quan điểm cơ bản của mình về văn hóa; về vị trí của văn hóa trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc; về sự tất yếu phải thực hiện cách mạng tư tưởng văn hóa sau khi cách mạng chính trị thành công và định hướng xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam. Cụ thể, Văn hóa “bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”, thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội; nền tảng kinh tế của một xã hội quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội ấy.
Đảng đã xác định văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa và cách mạng văn hóa. Thức tỉnh và thu hút, tập hợp giới trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam vào sự nghiệp cứu quốc dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng; huy động sức mạnh văn hóa trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Định hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới dựa trên 3 nguyên tắc: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Xác định tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam: Dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung.
Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện một cách sâu sắc và dễ hiểu những quan điểm của Đảng về văn hóa và cách mạng văn hóa ở Việt Nam, trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Những quan điểm đó đã có tác dụng soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn thể dân tộc qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, đóng góp vào thắng lợi chung của cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, những ý nghĩa và giá trị của bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" sẽ vẫn tiếp tục được khẳng định và phát huy.
Đề cương văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Tại Hội thảo, có 2 phiên nội dung, gồm: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Các tham luận đều đã khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trên cả phương diện lý luận và thực tiễn; tổng kết thực tiễn gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là thực tiễn phát triển văn hóa đất nước, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về phát triển văn hóa, con người mới trong lý luận về đường lối Đổi mới của Đảng ta.
Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức rõ hơn vai trò, sự đóng góp của các thành tựu về phát triển văn hoá; về đầu tư cho văn hoá cũng là đầu tư cho phát triển; trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án phát triển bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và môi trường, với sự ưu tiên khi thực thi trọng trách gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, di sản văn hoá của đất nước. Hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong huy động, phân bổ các nguồn lực từ cả nhà nước và xã hội.
Chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển. Hoàn thiện thể chế, phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong huy động và phân bổ hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển văn hóa…
Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về phát triển văn hóa, con người mới
Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về phát triển văn hóa, con người mới trong lý luận về đường lối Đổi mới của Đảng ta; xây dựng, triển khai hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với các đặc trưng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của bối cảnh mới, nền tảng phát triển mới và nhận thức mới.
Xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án phát triển bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và môi trường, với sự ưu tiên khi thực thi trọng trách gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, di sản văn hoá của đất nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người. Ban hành những quy định, chính sách, mô hình quản lý mới thúc đẩy các hoạt động văn hóa – nghệ thuật phát triển tích cực và lành mạnh, phù hợp với điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển đồng bộ mọi phương diện văn hoá quốc gia.
Quyết tâm đột phá nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong huy động, phân bổ các nguồn lực từ cả Nhà nước và xã hội, nhất là về các cơ chế phân cấp, phân quyền, hợp tác công – tư, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật…
Tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đội ngũ những người làm công tác văn hoá; khuyến khích, động viên, đãi ngộ và tôn vinh, xây dựng cơ chế mở, linh hoạt về tuyển dụng, tiền lương, tạo điều kiện để đội ngũ này phát huy tài năng, sức sáng tạo, cống hiến vào sự nghiệp phát triển văn hóa, con người.
Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển. Hoàn thiện thể chế, phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong huy động và phân bổ hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển văn hóa. Xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong phát triển văn hoá. Quan tâm toàn diện đến cả chủ thể quản lý, chủ thể sáng tạo, chủ thể thực hành, chủ thể truyền bá văn hóa cùng với phát huy vai trò của nhân dân với tư cách là trung tâm của sự sáng tạo và hưởng thụ văn hoá…