Những công nghệ nào có tiềm năng phát triển mạnh nhất trong 10 năm tới?

Thứ hai - 13/02/2023 10:06 960 0
Theo nhận định của các chuyên gia công nghệ trên thế giới thì 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, điện toán lượng tử và thị giác máy tính là những công nghệ có tiềm năng phát triển mạnh nhất trong vòng 10 năm tới. 
Công nghệ 5G được triển khai thương mại đầu tiên tại Hàn Quốc vào tháng 4 năm 2019. Sau gần 4 năm kể từ khi mạng 5G đầu tiên chính thức đi vào hoạt động và cung cấp các dịch vụ mới cho khách hàng, số mạng 5G trên thế giới đã tăng lên nhanh chóng.
 
1
Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), tính đến cuối tháng 12 năm 2022, trên toàn cầu đã có 515 nhà khai thác di động tại 155 quốc gia/vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư vào mạng 5G dưới hình thức thử nghiệm hoặc đang triển khai hoặc đã triển khai trên thực tế. Trong đó, có 243 nhà khai thác di động tại 96 quốc gia/vùng lãnh thổ đã triển khai thương mại các dịch vụ 5G cho khách hàng.

Số thuê bao di động 5G trên toàn cầu cũng đang tăng lên nhanh chóng, báo cáo di động của Ericsson (Ericsson Mobility Report) xuất bản tháng 11/2022 cho thấy, gần 110 triệu thuê bao đã được bổ sung trên toàn cầu trong quý 3/2022, nâng tổng số thuê bao di động 5G toàn cầu tính đến cuối tháng 9 năm 2022 lên khoảng 870 triệu và đạt 1 tỷ thuê bao vào cuối năm 2022. Dự báo đến cuối năm 2028 thế giới sẽ có 5 tỷ thuê bao 5G, chiếm 55% tổng số thuê bao di động.

Các dịch vụ thông tin di động 5G cho phép tạo ra một môi trường di động và kết nối hoàn chỉnh bằng cách cung cấp đa dạng các kịch bản ứng dụng và mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hơn nữa, tốc độ dữ liệu nhanh hơn và độ trễ cực thấp được cung cấp bởi công nghệ 5G sẽ nâng cao trải nghiệm người dùng khi sử dụng các dịch vụ 5G như trò chơi dựa trên điện toán đám mây; trò chơi dựa trên thực tế ảo (VR: Virtual Reality); phát video độ nét cực cao và nhiều ứng dụng cao cấp khác.

Công nghệ di động 5G giúp hỗ trợ kết nối hàng tỷ thiết bị khi thế giới bước vào kỷ nguyên kết nối Internet vạn vật (IoT), dữ liệu được lưu trữ trên hạ tầng điện toán đám mây, giúp giảm chi phí sử dụng và hỗ trợ chuyển đổi số một cách nhanh chóng. Những tính năng vượt trội của 5G được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số, tiến tới hình thành các mô hình chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo hay còn gọi là trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence – viết tắt là AI). Đây là một lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin, bản chất của trí tuệ nhân tạo vẫn do con người làm ra, họ xây dựng các thuật toán, lập trình bằng các công cụ phần mềm công nghệ thông tin, giúp các máy tính có thể tự động xử lý các hành vi thông minh như con người.

Trí tuệ nhân tạo có khả năng tự thích nghi, tự học và tự phát triển, tự đưa ra các lập luận để giải quyết vấn đề, có thể giao tiếp như người…tất cả là do AI được cài một cơ sở dữ liệu lớn, được lập trình trên cơ sở dữ liệu đó và tái lập trình trên cơ sở dữ liệu mới sinh ra. Cứ như vậy cấu trúc của AI luôn luôn thay đổi và thích nghi trong điều kiện và hoàn cảnh mới.

Theo dự báo của Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PwC (Anh), GDP toàn cầu có thể tăng trưởng thêm 14% từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. AI đã xuất hiện trong nhiều ngành, lĩnh vực từ cung cấp dịch vụ mua sắm ảo và ngân hàng trực tuyến đến giảm chi phí đầu tư trong sản xuất và hợp lý hóa chẩn đoán trong chăm sóc sức khỏe. AI đã thúc đẩy hầu hết các ngành công nghiệp phát triển và làm thay đổi cuộc sống của con người.

Ngày nay, AI được coi là một trong những lĩnh vực công nghệ quan trọng hàng đầu, giúp con người giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Lĩnh vực này đang thu hút sự quan tâm rất lớn trên toàn cầu nhờ vào những cải tiến với những tính năng quá hiện đại và nổi trội. AI tiếp tục là một trong những lĩnh vực đang nổi lên cho tất cả các ngành công nghiệp và có mặt ở khắp mọi nơi. Có thể nói, sự ra đời của AI là điều tất yếu và cần thiết trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Điện toán đám mây

Công nghệ điện toán đám mây (Cloud computing)là công nghệ cho phép người dùng truy cập vào bộ nhớ, phần mềm và máy chủ thông qua các thiết bị được kết nối với Internet như điện thoại thông minh, máy tính, thiết bị đeo,…Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lưu trữ và xử lý dữ liệu ở một vị trí tách biệt với người dùng đầu cuối.

Công nghệ điện toán đám mây hiện nay đang là một đề tài phổ biến mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới đã và đang áp dụng. Cơ sở hạ tầng dựa trên nền tảng đám mây giúp lưu trữ dữ liệu dễ dàng và bảo mật.

Hiểu một cách đơn giản, thông thường mỗi tổ chức, doanh nghiệp thường chạy các ứng dụng ngay trên các máy chủ của chính họ. Những máy chủ được đặt ở ngay vị trí của tổ chức, doanh nghiệp đó. Điều này đòi hỏi rất nhiều công sức trong việc bảo dưỡng, bảo trì, tiền bạc và thời gian để giữ cho mọi thứ liên tục được chạy, nâng cấp và đảm bảo.

Nếu các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng mô hình điện toán đám mây, họ sẽ vẫn sử dụng được các ứng dụng y hệt nhưng chúng lại được đặt ở các cụm máy chủ trên Internet. Các tổ chức, doanh nghiệp chỉ việc kết nối qua mạng Internet mà không phải mất chút công sức nào để bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp, chạy máy chủ. Không những thế, các tổ chức, doanh nghiệp còn có thể cho khách hàng của họ sử dụng ứng dụng mà không phải mất công cài đặt.

Google Drive, Dropbox, OneDrive, iCloud,... là những ví dụ điển hình của dịch vụ điện toán đám mây. Người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản và sử dụng dịch vụ miễn phí và trả phí theo nhu cầu của bản thân. Họ lưu trữ các tài liệu lên tài khoản “đám mây” của mình và truy cập vào sử dụng từ bất cứ vị trí nào miễn có kết nối mạng.

Điện toán lượng tử

Điện toán lượng tử (Quantum computing) là một trong các phương pháp xử lý thông tin tiến bộ trong tương lai. Theo đó người ta sẽ sử dụng những nguyên lý của cơ học lượng tử để thực hiện các phép tính phức tạp trong một khoảng thời gian ngắn do nhiều siêu máy tính nhanh nhất trên thế giới thực hiện.

Các nhà khoa học cho rằng, điện toán lượng tử chính là chìa khóa để đi vào một kỷ nguyên công nghệ mới. Các kỹ sư đang chú ý đến một bước đột phá trong điện toán lượng tử. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, các máy tính sẽ lấy năng lượng từ lượng tử để thực hiện các phép tính phức tạp trong thời gian nhanh nhất.

Với khả năng xử lý nhanh gấp hàng triệu lần máy tính thông thường, máy tính lượng tử sẽ giúp con người giải quyết một loạt vấn đề. Các chuyên gia dự đoán điện toán lượng tử sẽ giúp con người giải mã nhiều bí ẩn về sinh học và quá trình tiến hóa, chữa bệnh ung thư và thậm chí thực hiện các bước để đảo ngược biến đổi khí hậu.

Quy mô thị trường điện toán lượng tử toàn cầu đạt mức 10,13 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến ​​sẽ vượt mốc 125 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến ​​là 36,89% trong giai đoạn dự báo 2022 - 2030.

Quy mô thị trường dự kiến ​​và tiềm năng của nó đã thu hút một số công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới làm việc trong lĩnh vực điện toán lượng tử, bao gồm IBM, Microsoft, Google, Alibaba, Nokia, Intel...

Thị giác máy tính

Thị giác máy tính (Computer Vision) là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học máy tính, cho phép máy tính và hệ thống lấy thông tin hữu ích từ hình ảnh kỹ thuật số, video và các đầu vào trực quan khác. Sau đó, công nghệ này thực hiện phân tích, đưa ra đề xuất dựa trên thông tin đó. Nếu AI cho phép máy tính suy nghĩ, thì thị giác máy tính cho phép chúng nhìn, quan sát và hiểu.

Thị giác máy tính hoạt động giống như thị giác của con người. Tuy nhiên, ở thị giác con người, khi nhìn thấy hình ảnh có thể gợi nhớ hoặc tạo nên ký ức, suy nghĩ. Với máy tính, tất cả các hình ảnh đều là một mảng các pixel, các giá trị số đại diện cho các sắc độ của màu đỏ, xanh lá cây và xanh dương.

Thị giác con người có lợi thế trong việc lưu trữ, phân tích bối cảnh. Thị giác máy tính cần được huấn luyện để thực hiện những chức năng này trong thời gian rất ngắn. Một hệ thống ứng dụng thị giác máy tính được đào tạo để kiểm tra sản phẩm có thể phân tích hàng nghìn sản phẩm hoặc quy trình cùng lúc, phát hiện lỗi hoặc những vấn đề mà con người chưa kịp nhận thấy.

Với sự hỗ trợ của công nghệ này, giờ đây máy móc có thể hiểu được môi trường xung quanh một cách trực quan. Một lĩnh vực đã đạt được tiến bộ rõ rệt nhờ những tiến bộ trong công nghệ thị giác máy tính là nhận diện khuôn mặt. Apple đã sử dụng thuật toán nhận diện khuôn mặt để mở khóa iPhone. Facebook sử dụng nhận diện khuôn mặt để phát hiện người dùng trong ảnh bạn đăng lên mạng. Tại Trung Quốc, các trung tâm mua sắm cũng đã cung cấp công nghệ thanh toán qua nhận diện khuôn mặt, giúp khách hàng không cần phải tiếp cận với túi tiền của họ.

Bên cạnh đó, thị giác máy tính đang nhanh chóng trở thành một công cụ không thể thiếu trong y học. Các thuật toán học sâu (Deep learning) đang cho thấy độ chính xác ấn tượng trong việc phân tích hình ảnh y tế. Các bệnh viện và trường đại học đang sử dụng thị giác máy tính để dự đoán các loại ung thư khác nhau bằng cách kiểm tra tia X và chụp cộng hưởng từ (MRI).

Xe tự lái cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị giác máy tính để hiểu được môi trường xung quanh. Các thuật toán học sâu phân tích các nguồn cấp dữ liệu video từ các camera được cài đặt trên xe và phát hiện người, xe hơi, mặt đường và các vật thể khác để giúp chiếc xe di chuyển trong môi trường của nó.

Tác giả: Phan Văn Hòa

Nguồn tin: Báo Nghệ An điện tử

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây