Hội Tin học Việt Nam hãy “lĩnh ấn” tiên phong

Chủ nhật - 08/01/2023 10:10 480 0
Phát biểu chỉ đạo Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028 của Hội Tin học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Hội Tin học Việt Nam giữ lấy sứ mệnh, giá trị cốt lõi ban đầu, đồng thời hãy khởi đầu một chặng đường mới, “lĩnh ấn” tiên phong trong cuộc cách mạng số.

 
1
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028.


Ngày 06/01, tại Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Dự Đại hội có ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam; ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam;...

Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Tin học Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh cả về tổ chức và nội dung các hoạt động. Nhiều hội viên của Hội đã tích cực hoạt động, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Hội Tin học Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị trí xã hội nghề nghiệp của mình. Ban chấp hành nhiệm kỳ VIII đã hoàn thành đa số mục tiêu theo các Chương trình hành động cụ thể từng năm. Tuy nhiên, còn một số mục tiêu vẫn chưa thực hiện được.

Trong giai đoạn phát triển mới (2023 - 2028), với phương châm “Đoàn kết - Hợp tác - Hội nhập và Phát triển”, Hội Tin học Việt Nam kiên quyết thực hiện và giải quyết các nhiệm vụ còn tồn tại và các góp ý được nhất trí cao tại Đại hội IX; hoàn thiện công tác tổ chức và chuyên nghiệp hoá các hoạt động của Hội; xây dựng, hoàn thiện định hướng phát triển công tác, hoạt động hội. Thúc đẩy và lôi cuốn sự tham gia hoạt động hội của các Ủy viên Ban chấp hành, các Ủy viên Hội đồng Trung ương và khai thác các thế mạnh của toàn thể các hội viên, các thành viên Hội Tin học Việt Nam.

Mỗi thế hệ phải kể được câu chuyện mình

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Hội Tin học Việt Nam hãy nhớ cái gốc của mình. “Chúng ta nhớ về người chủ tịch đầu tiên, Chủ tịch sáng lập Hội Tin học Việt Nam - GS.TS khoa học Phan Đình Diệu. Nhớ về mục tiêu ban đầu của Hội là tập hợp lực lượng để góp phần đẩy mạnh các hoạt động về CNTT-TT phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ tại Việt Nam. Nhớ về phương châm hoạt động của Hội là “Đoàn kết - Hợp tác vì sự phát triển CNTT-TT Việt Nam”.

Bộ trưởng khẳng định, “bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào muốn đi xa thì cũng phải nhớ lấy và giữ lấy sứ mệnh ban đầu, giá trị cốt lõi ban đầu. Mỗi thế hệ đều phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai và kể được câu chuyện của thế hệ mình. Nhưng không quên sứ mệnh ban đầu”.

Hội Tin học Việt Nam hãy khởi đầu chặng đường mới

Chia sẻ về lĩnh vực công nghệ số, Bộ trưởng cho biết, lần đầu tiên, công nghệ đã có thể số hóa được hầu hết thế giới thực, tạo ra vô hạn dữ liệu số và có khả năng truyền đưa, lưu trữ và xử lý dữ liệu rất lớn. Công nghệ số xử lý được cái không có ngữ nghĩa để sinh ra tri thức mới, giá trị mới và tạo ra sự phát triển. Xử lý dữ liệu số vô hạn và vô nghĩa để sinh ra giá trị mới thì giá trị mới sẽ là vô hạn. Đây thực sự là sự phát triển mới của nhân loại.
 
2
Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam phát biểu khai mạc Đại hội.

Theo Bộ trưởng, công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo sẽ thâm nhập vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi tổ chức và mọi việc. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là cơ khí hóa, điện khí hóa và tự động hóa là máy móc thay lao động chân tay. Còn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với cơ bản của nó là công nghệ số thì máy móc bắt đầu thay lao động trí óc, nó giúp cho mọi tổ chức thông minh hơn.

Bộ trưởng cho rằng, 10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang Make in Viet Nam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới số trở thành động lực cơ bản của phát triển.

Bộ trưởng mong muốn Hội Tin học Việt Nam hãy mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của mình. Đó là trang về công nghệ số, về chuyển đổi số. Hãy khởi đầu chặng đường mới, chặng đường: Đoàn kết - Hợp tác vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số.

Tại Đại hội, Bộ trưởng cũng đã gợi ý một số nội dung để Hội Tin học Việt Nam tham khảo đưa vào chương nghị sự của mình.

Năm 2022 là năm Bộ TT&TT tập trung làm chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực, để dẫn dắt một giai đoạn phát triển mới. Một số chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, các chiến lược còn lại đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Đó là: Chiến lược Bưu chính số; Chiến lược Hạ tầng số; Chiến lược Chính phủ số; Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số; Chiến lược An toàn, an ninh mạng; Chiến lược Dữ liệu số; Chiến lược Công nghiệp công nghệ số.

Năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số trên bình diện quốc gia. Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân, toàn diện với việc tất cả các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nghị quyết và chương trình về chuyển đổi số. 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số chưa từng có. Make in Viet Nam đã trở thành tự hào Việt Nam. Các giao dịch về kết nối và chia sẻ dữ liệu tăng gần 5 lần. Các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, bản đã được thành lập và đi vào hoạt động, có thể đến từng hộ gia đình để hỗ trợ chuyển đổi số.
 
3
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu.

Năm 2022 cũng là năm các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, đi làm chuyển đổi số cho các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật. Có cái thì chuyển đổi số Việt Nam trước rồi ra nước ngoài. Có cái lại chuyển đổi số nước ngoài rồi trở về Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

 Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu số quốc gia. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp Bộ, ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối, chia sẻ; là an toàn dữ liệu; là xây dựng trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.

Năm 2023 là năm thực hiện các chiến lược đã được ban hành. Bộ TT&TT sẽ ban hành các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược.

Năm 2023, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau. Để thế giới biết đến Việt Nam thì không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến.

Hội Tin học Việt Nam hãy “lĩnh ấn” tiên phong

Ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây Việt Nam đã lỡ nhịp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này mà lại lỡ nhịp thì ước mơ trở thành nước phát triển có thu nhập cao lại phải đợi 50 năn, 100 năm nữa. Trước đây thì còn có thể nói do chiến tranh, bây giờ thì không làm được là có tội với lịch sử, với con cháu.

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ tạo cơ hội cho một số ít nước bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển, nhưng không phải tất cả. Việt Nam phải đi đầu trong cuộc cách mạng số này để thay đổi thứ hạng, để trở thành nước phát triển. Với lực lượng rộng khắp các tỉnh thành, với hoạt động phong phú, phủ rộng mọi đối tượng, Hội Tin học Việt Nam hãy “lĩnh ấn” tiên phong.
 
4
Bộ trưởng trao bằng khen và tặng hoa chúc mừng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Trong chương trình Đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Bằng khen của Bô trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho 02 tập thể là Hội Tin học TP HCM, Công ty Cổ phần Truyền thông và máy tính Thánh Gióng và 01 cá nhân là ông Nguyễn Tri Huy - Hội tin học Khánh Hòa.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác và tâm huyết của các hội viên Hội Tin học Việt Nam, các Hội Tin học thành viên, nguyện cống hiến trí tuệ, tài năng, nỗ lực trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về CNTT-TT nhằm góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT trong sự nghiệp toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh./.

Tác giả: Doãn Mạnh

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây