Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Internet vạn vật tác động đến quá trình chuyển đổi số như thế nào?
Thứ hai - 15/05/2023 10:031.8120
Internet vạn vật (Internet of Things: IoT) đã và đang tác động đến quá trình chuyển đổi số vì nó mở ra các cơ hội đầu tư mới, giảm chi phí vận hành, cải thiện trải nghiệm của khách hàng, tăng năng suất lao động và tăng doanh thu cho các tổ chức, doanh nghiệp.
IoT là gì?
IoT thực chất là một mạng lưới kết nối các thiết bị vật lý, phương tiện, máy móc, tòa nhà và các vật dụng với hệ thống máy tính hoặc các thiết bị khác thông qua mạng Internet. Các thiết bị này bao gồm các đồ gia dụng thông thường như TV, tủ lạnh, máy giặt,…đến các công cụ sử dụng trong các ngành công nghiệp để quản lý và giám sát thiết bị tự động từ xa, kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo trì dự đoán, tối ưu hoá chuỗi cung ứng,...Các thiết bị kết nối có khả năng thu thập, xử lý và truyền tải thông tin qua lại với nhau mà không cần đến sự can thiệp của con người.
Sự ra đời của các con chíp bán dẫn siêu rẻ và sự phổ biến của mạng thông tin vô tuyến đã biến bất kỳ thứ gì, từ thứ nhỏ như viên thuốc đến thứ lớn như máy bay đều trở thành một phần của IoT. Việc kết nối tất cả các thiết bị lại với nhau cùng với sự hỗ trợ của các cảm biến sẽ làm tăng thêm mức độ thông minh của các thiết bị, cho phép chúng truyền dữ liệu theo thời gian thực mà không cần sự tham gia của con người. IoT cũng đang làm cho hệ sinh thái thiết bị xung quanh chúng ta ngày càng trở nên thông minh hơn.
Mặc dù IoT không phải là một xu hướng hoàn toàn mới nhưng các công nghệ IoT ngày càng được các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng trong một số lĩnh vực rộng lớn (chẳng hạn như giao thông vận tải, năng lượng, thành phố thông minh và quốc phòng) như một cách thu thập và sử dụng dữ liệu hiệu quả.
IoT được đánh giá là một công nghệ mới nổi, đã làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ, hành động cũng như cách chúng ta tương tác với nhau. Nó cũng đã thay đổi cách chúng ta làm việc vì nó cho phép giám sát, kiểm soát và tự động hóa trên quy mô rất lớn, đồng thời đã tác động đến quá trình chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2022, trên toàn cầu đã có khoảng 13,15 tỷ thiết bị IoT được kết nối, dự báo con số này sẽ tăng lên gần 2 lần và đạt 25,4 tỷ thiết bị vào năm 2030.
IoT hoạt động như thế nào?
Như đã đề cập ở trên, IoT cho phép các đồ vật và sản phẩm hàng ngày được kết nối trong một mạng thông tin kỹ thuật số, cho phép các cảm biến thu thập thông tin về thiết bị, phần mềm giám sát hiệu suất và thu thập dữ liệu đồng thời cũng cho phép người dùng kiểm soát thiết bị.
Một trong những thành phần quan trọng nhất đặc trưng cho IoT là khả năng kết nối tất cả các thiết bị trong hệ sinh thái IoT với nhau. Hệ sinh thái IoT bao gồm các thiết bị IoT, hệ thống bảo mật, mạng thông tin, cổng kết nối, điện toán đám mây, ứng dụng và người dùng.
Các thiết bị IoT cảm nhận thông tin từ môi trường xung quanh và thu thập chúng dưới dạng dữ liệu được lưu trữ trong các máy chủ đám mây. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng các cảm biến được cấy vào các vật thể như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, thiết bị nhà thông minh, thiết bị xe hơi,…
Sau khi nhận thông tin từ môi trường, các cảm biến IoT sẽ chia sẻ dữ liệu thu thập được với máy chủ đám mây. Kết nối này giữa các cảm biến và máy chủ đám mây có thể được thực hiện thông qua mạng di động, mạng thông tin vệ tinh, Bluetooth, Internet hoặc các tùy chọn kết nối khác.
Sau khi dữ liệu được truyền lên máy chủ đám mây, máy chủ đám mây sẽ chịu trách nhiệm xử lý, phân tích và gửi lại kết quả đầu ra. Độ phức tạp của các quy trình xử lý phụ thuộc vào thông tin nhận được từ môi trường dữ liệu cụ thể, từ các quy trình đơn giản như quá trình kiểm soát nhiệt độ đến quy trình phức tạp liên quan đến an ninh như xác định kẻ đột nhập, trộm cắp.
Ở giai đoạn cuối, đầu ra được truyền đến người dùng, chẳng hạn như thông qua cảnh báo, tin nhắn văn bản, v.v. Ở giai đoạn này, người dùng có thể phải chủ động tương tác với thiết bị IoT hoặc thực hiện hoàn toàn tự động.
Các xu hướng công nghệ hàng đầu giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thông qua IoT
Số hóa đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua, mang lại nhiều cơ hội và nguồn lực hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới. Quá trình số hóa này được kết nối chặt chẽ với những xu hướng công nghệ mới nhất trong IoT giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số:
1. Trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT): Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, sự bùng nổ và kết hợp của IoT và AI đã tạo ra rất nhiều giá trị cho sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp, mà điển hình trong đó là sự ra đời của AIoT.
Chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa AI và IoT. Việc sử dụng công nghệ học máy và các thuật toán nâng cao khác nhau của AI sẽ làm tăng thêm giá trị cho IoT và cải thiện các hoạt động của nó. Sự kết hợp giữa AI và IoT đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cải thiện mức độ tương tác giữa con người và máy móc, thiết bị, tăng cường khả năng quản lý, tối ưu hóa hệ thống phân tích dữ liệu.
Sự kết hợp của AI và IoT làm cho AIoT trở thành một công cụ mạnh mẽ và quan trọng, mang đến nhiều ứng dụng khác nhau như hệ thống cửa hàng thông minh; văn phòng, nhà máy thông minh; giám sát giao thông bằng máy bay không người lái; quản lý hoạt động của phương tiện và xe tự lái…
2. Công nghệ chuỗi khối (blockchain): Là một loại cơ sở dữ liệu, thông tin được lưu trữ trong các khối và liên kết với nhau. Thông tin trong khối, các liên kết sẽ được mã hóa đồng thời có thể mở rộng theo thời gian. Mỗi khi một thông tin hoặc giao dịch mới xảy ra, thông tin cũ sẽ không bị mất đi mà thay vào đó, thông tin mới sẽ được lưu vào một khối mới và lần lượt được nối vào khối cũ để tạo thành một chuỗi mới.
Đây là một công nghệ có khả năng giải quyết các mối lo ngại liên quan đến vấn đề bảo mật trong IoT. Công nghệ này có thể được sử dụng trong nhiều ngành như một nền tảng để lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ một cách an toàn. Hơn nữa, nó cho phép các tổ chức, doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình của họ, quản lý tài liệu kỹ thuật số, theo dõi đơn đặt hàng,...
3. Công nghệ IoT dựa trên kết nối 5G: Thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự xâm nhập của IoT vào cuộc sống con người trong tất cả các lĩnh vực. Những thiết bị cho ngôi nhà thông minh, vòng đeo tay y tế hay những chiếc đồng hồ thông minh đã không còn xa lạ với chúng ta. Trong thời đại siêu kết nối 5G, số lượng các thiết bị IoT được kết nối chắc chắn sẽ tăng lên một cách đáng kể. Công nghệ mạng di động mới này đang tạo ra tác động lớn đến IoT vì nó cho phép kết nối nhanh hơn, an toàn hơn và đáng tin cậy hơn bao giờ hết.
4. Bản sao kỹ thuật số (Digital twins): Bản sao kỹ thuật số là mô hình ảo của một đối tượng vật lý. Bản sao này trải khắp vòng đời của đối tượng và sử dụng dữ liệu theo thời gian thực từ các cảm biến trên đối tượng để mô phỏng hành vi và giám sát hoạt động. Các bản sao kỹ thuật số có thể sao chép nhiều hạng mục ngoài đời thực, từ các thiết bị đơn lẻ trong một nhà máy cho đến phiên bản lắp ráp hoàn chỉnh, chẳng hạn như tua-bin gió và thậm chí toàn bộ các thành phố. Công nghệ bản sao kỹ thuật số cho phép chúng ta giám sát hiệu suất của tài sản, xác định các lỗi tiềm ẩn và đưa ra quyết định sáng suốt hơn về công việc bảo trì.
Bản sao kỹ thuật số dựa vào dữ liệu cảm biến IoT để truyền thông tin từ đối tượng ngoài đời thực vào đối tượng thuộc về thế giới kỹ thuật số. Bản sao kỹ thuật số chủ yếu được sử dụng trong quá trình chuyển đổi số trong một số lĩnh vực như sản xuất, ô tô và chăm sóc sức khỏe.
5. Thiết bị đeo hỗ trợ IoT: Thiết bị đeo hỗ trợ IoT là thiết bị thông minh có thể được đeo như phụ kiện bên ngoài, được nhúng vào quần áo và trang phục, được cấy vào cơ thể hoặc thậm chí được dán hoặc xăm trên da. Các thiết bị này có thể kết nối với Internet để thu thập, gửi dữ liệu và nhận thông tin để đưa ra các quyết định thông minh.
Thiết bị đeo thông minh có thể tương tác với một loạt các thiết bị khác, chẳng hạn như điện thoại thông minh, nhằm mục đích tính toán và giao tiếp. Do tính di động của con người và động vật, các thiết bị đeo thông minh ngày càng trở nên quan trọng vì chúng có thể thu thập và gửi dữ liệu khi đang di chuyển, đồng thời nhận thông tin từ Internet giúp đưa ra quyết định thông minh hơn.
6. Internet of Behavior (IoB): Khái niệm IoB được mở rộng từ IoT. IoB định hướng đến việc sử dụng dữ liệu và thông tin chi tiết làm thay đổi hành vi. Điều đó được hiểu là các thiết bị IoT đang hoạt động là nguồn dữ liệu khổng lồ cho các mô hình IoB.
Sử dụng công nghệ IoB, các tổ chức, doanh nghiệp có thể theo dõi người tiêu dùng và hành vi của họ và sử dụng nguồn dữ liệu này để phát triển hệ thống hạ tầng. IoB có thể thay đổi hành vi thường nhật của một người, như một ứng dụng theo dõi sức khỏe có thể lấy dữ liệu về thói quen hoạt động thể chất, chế độ ăn uống, giấc ngủ, v.v. làm thay đổi hành vi như cung cấp cho người dùng những kế hoạch củng cố sức khỏe.
IoT kích hoạt chuyển đổi số như thế nào?
Chuyển đổi số là một quá trình liên tục giúp các tổ chức tích hợp và tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đạt được sự tăng trưởng dài hạn và phù hợp với ngành công nghiệp đang phát triển với nhịp độ nhanh. Và IoT chính là yếu tố đang ảnh hưởng đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp.
Tất cả dữ liệu có giá trị do thiết bị IoT tạo ra có thể được các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của họ. Ví dụ, chúng có thể được sử dụng để đánh giá nhu cầu của khách hàng và sau đó cung cấp dịch vụ trên cơ sở đó. Hơn nữa, nó có thể tăng tính tương tác với khách hàng, do đó làm tăng sự hài lòng của khách hàng. IoT cũng có thể hỗ trợ nhân viên và giúp các hoạt động có thể được thực hiện ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Nó cũng cho phép thực hiện các công cụ và chiến lược mới.
IoT tác động đến quá trình chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp vì nó mở ra các cơ hội đầu tư mới, giảm chi phí vận hành, cải thiện trải nghiệm của khách hàng, cải thiện năng suất và hiệu quả, cải thiện quá trình ra quyết định, trao quyền cho các mô hình kinh doanh và tăng doanh thu.
IoT đang trở thành tương lai của quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nhau như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an ninh, truyền thông, nông nghiệp, giao thông vận tải và các cơ quan chính phủ.
Như vậy, việc sử dụng IoT trong quá trình chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho các tổ chức, doanh nghiệp muốn duy trì tính cạnh tranh trên thị trường. Chúng giúp các tổ chức, doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn, tiết kiệm chi phí và thu hút nhiều khách hàng hơn. Các giải pháp dựa trên IoT tạo thành một phần không thể thiếu trong mô hình hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp và do đó chúng được xem là một phần không thể thiếu trong chiến lược chuyển đổi số./.