Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Ngành TT&TT 78 năm và hành trình cùng đất nước chuyển đổi số
Thứ sáu - 18/08/2023 16:016200
Ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã và đang kế thừa, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ đi trước với truyền thống Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghìa tình để góp phần xây dựng nên một đất nước Việt Nam với khát vọng hùng cường, thịnh vượng và phồn vinh, hạnh phúc.
Trong những ngày tháng 8 lịch sử và kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) (28/8/1945 - 28/8/2023), ngày 17/8/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức gặp mặt cán bộ hưu trí qua các thời kỳ tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng đã tham dự buổi gặp mặt.
Tham dự buổi gặp mặt còn có các lãnh đạo, cán bộ hưu trí qua các thời kỳ của Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT), Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí lớn của ngành TT&TT, các doanh nghiệp công nghệ, những người có đóng góp lớn lao để cùng viết nên những trang sử hào hùng của ngành TT&TT.
Những dấu ấn công tác trong 7 tháng đầu năm 2023
Mở đầu buổi gặp mặt, thông tin đến các lãnh đạo, cán bộ hưu trí của Ngành qua các thời kỳ về sự phát triển của Ngành trong 7 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết Luật Giao dịch điện tử do Bộ TT&TT chủ trì xây dựng và đã được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2023. Luật Viễn thông sửa đổi trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023. Các luật dự kiến xây dựng, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất gồm các luật Báo chí, Xuất bản, Bưu chính, Chính phủ số/Chuyển đổi số (CĐS).
Điểm lại sự phát triển của 10 lĩnh vực do Bộ TT&TT quản lý và chỉ đạo trong 7 tháng, Thứ trưởng cho biết lĩnh vực bưu chính có doanh thu tăng 8% (đạt 32.900 tỷ đồng), tăng gấp hơn 2 lần tăng trưởng GDP. Sản lượng tăng 14% (đạt 1.250 triệu bưu gửi). Bưu gửi bình quân đầu người là 13. Trong thời gian tới, sẽ tăng lên 24.
Lĩnh vực viễn thông 7 tháng phát triển 912.000 thuê bao FTTH; phát triển 2,2 triệu thuê bao smartphone; tỷ lệ người sử dụng Internet Việt Nam đạt 78,6% (bình quân thế giới 65,7%). Lĩnh vực đã phủ sóng hơn 2.000 thôn/bản, tỷ lệ dân số được phủ sóng di động đạt 99,7% (bình quân thế giới 88,7%). Trong thời gian tới, lĩnh vực cấp phát tần số để thương mại hoá 5G; Phát triển các IDC/Cloud hiện đại, ngang tầm khu vực.
Lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS) có sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình mới. Chỉ số CĐS Quốc gia (DTI) đạt 0,71 (tăng 16,4%). Số lượng giao dịch qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu QG (NDXP) là 360 triệu. Tổ công nghệ số cộng đồng được triển khai để đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn từng người dân CĐS.
Lĩnh vực chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình đủ điều kiện đạt trên 90%, tiêu biểu, Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 02 dự án đầu tư có tổng mức vốn đầu tư gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng DVC của tỉnh.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia được đẩy mạnh phát triển và kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ DVC trực tuyến và CĐS quốc gia (tiêu biểu là các CSDL Quốc gia về dân cư, đăng ký DN, cán bộ công chức, bảo hiểm, đất đai…).
Lĩnh vực kinh tế số, tỷ trọng KTS 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,96%, tăng 12,26% so cùng kỳ, gấp 03 lần tăng trưởng GDP. Tỷ lệ người dân đã nộp hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử VNeID đến tháng 6/2023 là 42,6 triệu hồ sơ và đã kích hoạt 22,1 triệu tài khoản, tăng 8,7 lần so với cuối năm 2022.
Lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) có sứ mệnh tạo lập niềm tin số và bảo vệ người dân trên không gian mạng. Lĩnh vực có không gian mới là đảm bảo an toàn số ở mức cơ bản cho người dân trên không gian mạng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng; xây dựng nền công nghiệp ATTT mạng giống như công nghiệp quốc phòng; làm chủ Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, thông tin mạng Việt Nam.
Lĩnh vực công nghiệp công nghệ số nổi bật với việc hoàn thành thiết kế và sản xuất sẵn sàng cho thương mại thiết bị 5G loại 8T8R; Đã hình thành 02 khu CNTT tập trung tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp CNTT: Khu công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và Khu FPT Complex. Bộ đã tổ chức 6 đoàn xúc tiến thương mại cho DN ICT đến thị trường các nước Nhật Bản, Úc, New Zealand, Singapore, Anh,... kết nối được với hơn 300 DN nước ngoài.
Lĩnh vực báo chí có sứ mệnh tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Lĩnh vực có không gian mới là chuyển đổi từ báo chí truyền thống sang báo chí đa phương tiện, xây dựng và sử dụng các nền tảng số dùng chung và chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh doanh, phân phối nội dung trên không gian mạng. Truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp. Cùng nhau bảo vệ lợi ích của báo chí nước nhà trên môi trường số.
Lĩnh vực xuất bản có doanh thu toàn ngành tăng 10%. Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam 21/4 đã được tổ chức thành công với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn diễn ra tại nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành, góp phần quan trọng thúc đẩy xuất bản và văn hoá đọc phát triển.
Tự hào về sự phát triển của ngành TT&TT
Tại buổi gặp mặt, các nguyên lãnh đạo, cán bộ hưu trí qua các thời kỳ đã bày tỏ niềm vui, xúc động nhân ngày truyền thống của Ngành.
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT đánh giá cao những việc Bộ TT&TT đã làm rất trân trọng và đáng quý. “Qua theo dõi, mừng cho những tiến bộ của Ngành. Bộ TT&TT cố gắng tham mưu cho Đảng và Nhà nước làm những việc mà cuộc sống đang rất cần để đi nhanh, đi tắt đón đầu mà Ngành vẫn luôn thực hiện trong suốt chiều dài phát triển của Ngành”.
Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp bày tỏ tin tưởng vào đội ngũ cán bộ của ngành đã có truyền thống từ các thế hệ đi trước và Ngành dứt khoát đi đầu hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân mong muốn.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết trong thời gian qua, hoạt động của Ngành, Bộ có rất nhiều đổi mới, đặc biệt hiện nay, Bộ TT&TT được Đảng, Nhà nước giao đi đầu về hướng dẫn, tham mưu, chỉ đạo về CĐS. “CĐS không chỉ còn ở mảng kỹ thuật mà đã mở rộng sang lĩnh vực kinh tế, văn hóa, truyền thông và các vấn đề của cuộc sống. Hiện nay ở đâu cũng động chạm về vấn đề công nghệ, kiến thức khoa học. Đây là trách nhiệm nặng nề và theo đó, hoạt động của Bộ sẽ đi nhanh để đưa đất nước sánh vai với các cường quốc 5 châu”.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Kỷ, lĩnh vực xuất bản có nhiều đổi mới. Người dân nay rất quan tâm đến văn hoá đọc, quý sách, đọc sách giờ không chỉ sách giấy mà sách điện tử. Qua sách, báo, dân trí được nâng cao, vì vậy, nâng cao tầm trí tuệ của dân tộc thì dân tộc đó sẽ đi lên được.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&T bày tỏ xúc động khi bước vào Hội trường gặp gỡ các cán bộ một thời cộng sự, cùng tạo nên nền tảng cho phát triển ngành.
Nguyên Thứ trưởng Mai Liêm Trực cũng bày tỏ ấn tượng với Bộ TT&TT, nhất là Bộ rất trân trọng truyền thống. Về công việc, Bộ TT&TT đã, đang làm được rất nhiều việc.
“Ngành đang bước vào giai đoạn phát triển thứ 3 là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, của CĐS, lĩnh vực mà Bộ có vai trò tham mưu lớn cho của Đảng, Nhà nước. Giờ đây, toàn dân nói về CĐS. Việc này không dễ dàng và có sự đóng góp của Bộ cả về kỹ thuật và truyền thông. Nhiều địa phương đã đạt kết quả ấn tượng trong CĐS”, nguyên Thứ trưởng khẳng định.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng, Bộ TT&TT cũng làm rất tốt công tác cán bộ. “Cán bộ của Bộ TT&TT là những người có năng lực, quyết tâm. Rất nhiều cán bộ được cử đi biệt phái, luân chuyển và có nhiều không gian mới, lớn để thử thách. Đội ngũ lãnh đạo Bộ hiện nay cũng rất mạnh”.
Ông Hà Đăng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân, 95 tuổi, 76 năm tuổi Đảng xúc động cho biết “Đi suốt cuộc đời, tôi luôn gắn bó với giới truyền thông - thông tin”. Ông cũng bày tỏ ấn tượng khi các cán bộ hưu trí vẫn làm việc và cống hiến, có thể khẳng định “trí nhưng không hưu, trí vẫn phát triển, vẫn gắn liền với cuộc sống hàng ngày”.
Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết đề xuất Bộ nên tập trung phát triển công nghiệp số. Số hoá mà thiết bị không số hoá thì không toàn diện. Công nghiệp số của Việt Nam gần như là chưa có. Muốn thúc đẩy lên phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Những ngành như điện, nước… việc thu thập dữ liệu còn rất thấp, theo đó, có thiết bị sẽ quản lý các nguồn năng lượng này.
Nghĩa tình của ngành TT&TT
Trước các ý kiến tâm huyết của các cán bộ qua các thời kỳ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Ngành TT&TT quản lý nhà nước 2 lĩnh vực mà nhiều người cho rằng rất khác nhau: Công nghệ số và báo chí. Nếu nói kỹ và nói rộng ra, công nghệ số bao gồm bưu chính, viễn thông, CNTT, và gần đây là công nghệ số, công nghiệp điện tử viễn thông và CNTT. Lĩnh vực báo chí gồm báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, truyền thông và thông tin cơ sở.
“Nhưng cái mà có vẻ nối hai lĩnh vực với nhau chính là CĐS. Nhiều quốc gia nhập hai lĩnh vực này với nhau, về quản lý nhà nước, trong một bộ. Nước ta là một nước theo hướng này”, Bộ trưởng chia sẻ.
Với ý nghĩa này, Bộ trưởng cho biết các cán bộ qua các thời kỳ gặp nhau hôm nay tay bắt mặt mừng là vì thế.
Bộ trưởng cho biết: “Mỗi dịp tháng 8, cùng với nhiều sự kiện kỷ niệm của ngành TT&TT, chúng ta có chung tâm trạng bồi hồi, xúc động, và đều mong muốn đến ngày được gặp mặt nhau, gặp các thế hệ trẻ, các bác, các cô, các chú, các anh, các chị đã từng lao động, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự phát triển của ngành TT&TT. Đây cũng là dịp để ôn lại những câu chuyện cả ngành trong quá khứ, có thêm động lực cho hiện tại và vững tin viết tiếp câu chuyện tương lai”.
Từ năm ngoái, năm 2022, Bộ TT&TT bắt đầu tổ chức gặp mặt cán bộ hưu trí ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Năm nay, tiếp truyền thống đó, tổ chức ở cả 3 miền.
Hôm nay cũng là năm đầu Bộ tổ chức gặp cán bộ hưu trí toàn ngành, bao gồm cả bưu chính, viễn thông, CNTT, công nghệ số, báo chí, xuất bản, thông tin truyền thông, thông tin cơ sở, với sự tham gia của đại diện các cụ, các bác, các cô, các chú, các anh, các chị từng công tác tại hầu hết các cơ quan, đơn vị trong ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tinh thần này cũng được lan tỏa tới 63 Sở TT&TT trên cả nước. Năm nay, cũng sẽ làm năm đầu tiên mà các Sở TT&TT tại 63 tỉnh, thành phố gặp mặt cán bộ hưu trí trong ngành TT&TT trên địa bàn.
Tháng 7 năm nay, Bộ và toàn ngành TT&TT đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang của ngành tại Tây Ninh và cũng là ngành duy nhất hiện nay có 1 nghĩa trang riêng. Năm nào chúng ta cũng tổ chức dâng hương tưởng nhớ.
Năm nay, Ngành cũng có những mất mát lớn. Đồng chí nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Đặng Văn Thân, được gọi với cái tên thân thương là Chú Ba Thân, từ trần, thọ 91 tuổi. Chú Ba Thân sinh năm 1932, là Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa 6, Ủy viên chính thức Trung ương khóa 7, Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện từ năm 1984 đến năm 1997, là hạt nhân đổi mới ngành ta lần thứ nhất, tức là chuyển công nghệ analog (tương tự) sang công nghệ số.
Đồng chí Nguyễn Thành Danh, còn gọi là chú Sáu Đại, người đã được nhận Huân chương Hồ Chí Minh, là Trưởng ban Thông tin liên lạc, Trung ương cục miền Nam, từ trần, thọ 95 tuổi. Cán bộ và ngành đã tổ chức các lễ tang rất trang trọng, chu đáo, thực hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, nghĩa tình của ngành TT&TT.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết năm nay, Bộ TT&TT và TP. HCM đã tổ chức trao bằng Liệt sĩ cho gia đình đồng chí Trang Hồng Vinh sau 70 năm. Đồng chí Trang Hồng Vinh hy sinh năm 1953, cách đây đúng 70 năm.
“Nỗ lực của Bộ TT&TT làm được việc đấy sau 70 năm, cũng là chuyện nghĩa tình, làm lay động lòng người. Hành trình bền bỉ của những người sống với người đã hy sinh. Chúng ta biết ơn Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, biết ơn Chính phủ đã ký quyết định trao bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ Trang Hồng Vinh. Đó cũng là cái rất đặc biệt với ngành chúng ta”.
Các lĩnh vực do Bộ TT&TT quản lý nỗ lực lọt xếp hạng Top 50 thế giới
Bộ trưởng cho biết Ngành TT&TT bây giờ được coi như đôi cánh cho Việt Nam bay lên. Một dân tộc, một quốc gia muốn bay lên, muốn hùng cường thịnh vượng thì phải có sức mạnh tinh thần. Báo chí, truyền thông, xuất bản sẽ khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường và biến nó thành sức mạnh tinh thần. Còn cánh thứ hai là sức mạnh vật chất. Sức mạnh vật chất hiện nay chủ yếu là công nghệ số, đang xác định công nghệ số là động lực chính để Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.
“Câu chuyện của thế hệ hôm nay có được viết nên hay không là do sự nỗ lực của toàn ngành trong hiện tại và đặc biệt là khát vọng của thế hệ hiện tại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng thông tin Bộ TT&TT đặt mục tiêu đến năm 2025, chỉ hơn 2 năm nữa, các lĩnh vực của ngành đều sẽ trong top 50 thế giới. Hiện nay một số lĩnh vực đã trong Top 50 như bưu chính, và đặc biệt là an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đang xếp thứ 25 toàn cầu. Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, Việt Nam đang xếp khoảng thứ 60. Nhưng vẫn còn những lĩnh vực thấp như Chính phủ số xếp thứ 86. Lĩnh vực chưa xếp hạng quốc tế như kinh tế số, nhưng chắc sớm sẽ có xếp hạng.
“Toàn ngành TT&TT, toàn Bộ TT&TT, tất cả chúng tôi cam kết, sẽ cố gắng còn hơn 2 năm nữa, tất cả sẽ quay về Top 50. Nói gì thì nói cuối cùng phải quay về con số. Nếu như kinh tế của chúng ta vào năm 2025, GDP trên đầu người vẫn khoảng 110 hay 120 mà ngành TT&TT trong xếp hạng Top 50 toàn cầu là cố gắng rất lớn của ngành chúng ta”, Bộ trưởng chia sẻ.
Về báo chí, Bộ trưởng cho biết: “Thế giới không xếp hạng, nhưng hiện nay câu chuyện chính của báo chí là thực hiện CĐS để thay đổi cách chúng ta làm báo, vẫn là làm báo nhưng công cụ cần được thay đổi”.
Cuối cùng, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức ngành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ “Sự biết ơn, sự cảm ơn chân thành nhất đến các thế hệ lãnh đạo, cán bộ TT&TT qua các thời kỳ, đã có nhiều đóng góp cho Bộ, cho ngành. Trân trọng gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả các đồng chí cán bộ hưu trí”./.