Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh để khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Thứ bảy - 06/05/2023 16:21 624 0
Trong hai ngày 04-05/5/2023, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV làm Trưởng đoàn đã về Nghệ An để khảo sát và làm việc với UBND tỉnh phục vụ thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Cùng đi với đoàn khảo sát về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Võ Trọng Phú, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo Viettel Nghệ An.
Ngày 04/5/2023 Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại các Trạm BTS phục vụ công ích theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tại bản Xẹt 2, xã Châu Thắng huyện Quỳ châu,Trạm BTS, cột cao 42m, phát sóng 3G, 4G do VNPT đầu tư phát triển hạ tầng năm 2022 và tại bản Cóng xã Hạnh Dịch huyện Quế Phong, trạm BTS, cột cao 42m, phát sóng 2G, 4G do tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đầu tư phát triển hạ tầng năm 2022. 
 
1
Trạm BTS cột cao 42m, phát sóng 3G, 4G phục vụ công ích do VNPT đầu tư phát triển tại bản Xẹt 2, xã Châu Thắng, huyện Quỳ châu.
 
2
Trạm BTS cột cao 42m, phát sóng 2G, 4G phục vụ công ích do Viettel đầu tư phát triển tại bản Cóng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.

Sáng ngày 05/5/2023, Đoàn làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Bùi Đình Long, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp viễn thông.
3
Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh báo cáo, Luật Viễn thông năm 2009 được ban hành (thay thế cho Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông) đã tạo ra không gian mới cho viễn thông phát triển, cho phép nhiều thành phần tham gia thị trường viễn thông, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy phát triển thị trường viễn thông phong phú, đa dạng các dịch vụ, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa. Áp dụng một cách đúng đắn, kịp thời Luật Viễn thông và các văn bản thi hành, tỉnh Nghệ An đã đưa thị trường viễn thông của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, từng bước rút ngắn khoảng cách hưởng thụ dịch vụ viễn thông giữa thành thị và nông thôn, miền núi. Về cơ bản, người dân miền núi đã tiếp cận được với các dịch vụ viễn thông cơ bản và một số vùng đã tiếp cận dịch vụ viễn thông nâng cao như truyền hình cáp, truyền hình internet, tiệm cận với khu vực thành thị. Kết quả cụ thể:

Về phát triển hạ tầng viễn thông: Hạ tầng hữu tuyến (cáp quang), đến nay toàn tỉnh có 17.050 km cáp quang đã phủ đến 100% các xã, phường, thị trấn, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ internet băng rộng của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; hệ thống internet cáp đồng đã được thay thế hoàn toàn bằng cáp quang từ năm 2019. Hạ tầng thông tin di động, đã phủ sóng đến 100% các xã, phường, thị trấn; 3.786/3.806 thôn/bản (hiện còn 20/96 thôn, bản chưa có điện chưa được phủ sóng thông tin di động, hoặc có nhưng không ổn định). Phấn đấu đến hết năm 2025, bảo đảm phủ sóng 100% thôn, bản. Hệ thống đài Phát thanh truyền hình tỉnh, huyện, xã từng bước được số hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, vận hành trên môi trường viễn thông, internet đáp ứng yêu cầu hội tụ về công nghệ hiện nay. Các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh cơ bản được vận hành trên nền tảng điện toán đám mây của doanh nghiệp viễn thông trong nước, bảo đảm hoạt động liên tục, hiệu quả, an toàn. Mạng Truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan Đảng và Nhà nước được đưa vào vận hành từ năm 2017, bảo đảm kết nối tới 100% cơ quan Đảng, nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Việc ngầm hóa, chỉnh trang mạng dây cáp viễn thông được triển khai liên tục, quyết liệt từ năm 2016 đến nay, và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc sử dụng chung hạ tầng từng bước được đẩy mạnh.

Về thị trường, dịch vụ viễn thông phát triển nhanh, rộng khắp, cung cấp đa dịch vụ, như: điện thoại, internet cố định; điện thoại, internet di động; truyền hình cáp, truyền hình internet, truyền hình số mặt đất, truyền hình vệ tinh; cho thuê hạ tầng máy chủ,… Đến nay, thuê bao di động đạt 2,7 triệu thuê bao (tỷ lệ 81,7 Tb/100 dân); thuê bao điện thoại cố định đạt gần 20 nghìn thuê bao (tỷ lệ 0,6 thuê bao/100 dân); thuê bao Internet đạt 1,9 triệu thuê bao (tỷ lệ 56,3 thuê bao/100 dân), trong đó thuê bao internet có dây đạt 346 nghìn thuê bao (tỷ lệ 10,3 thuê bao/100 dân), thuê bao truyền hình trả tiền đạt trên 247 nghìn (tỷ lệ 5,8 thuê bao/100 dân). Các dịch vụ viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Về công tác quản lý nhà nước: UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện QLNN, thúc đẩy phát triển viễn thông trên địa bàn tỉnh. Đến nay, việc quản lý nhà nước được triển khai theo đúng định hướng, chiến lược phát triển viễn thông quốc gia, bảo đảm tuân thủ Luật Viễn thông, phù hợp với tình hình cụ thể tại từng địa bàn tỉnh Nghệ An. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, như Quy hoạch bưu chính, viễn thông đến năm 2020; Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (gồm quy hoạch chung, quy hoạch của doanh nghiệp); Đề án số hóa truyền hình mặt đất; các văn bản QPPL quy định về dùng chung hạ tầng; hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trên cơ sở đó tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển.

Về viễn thông công ích theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh tổ chức triển khai đúng quy định, đối tượng thụ hưởng, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ từ Trung ương (riêng chương trình kết nối truyền hình số đã hỗ trợ lắp đặt cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tổng số 78.564 đầu thu truyền hình số mặt đất).

Về công tác thanh, kiểm tra về viễn thông được thực hiện theo Kế hoạch hàng năm (mỗi năm ít nhất một đợt thanh tra); thanh tra đột xuất theo yêu cầu công việc. Qua công tác thanh, kiểm tra đã kịp thời chấn chính hoạt động phát triển viễn thông, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là hạ tầng thông tin di động, quản lý thông tin thuê bao, thúc đầy phát triển hạ tầng vùng sâu, vùng xa...

Tại buổi làm việc, tỉnh Nghệ An kiến nghị một số nội dung đang được đề xuất điều chỉnh trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) như: Cần có quy định chuyển tiếp về việc xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động ở địa phương nhằm bảo đảm sự kế thừa, liên tục, tránh gián đoạn trong tổ chức thực hiện. Đối với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng viễn thông, cần phải quy định rõ trách nhiệm tháo dỡ hạ tầng để bảo đảm an toàn, giải phóng hiện trường khi không còn sử dụng hoặc khi doanh nghiệp ngừng hoạt động. Quá trình hội tụ công nghệ sinh ra nhiều dịch vụ được triển khai trên hạ tầng vật lý của các doanh nghiệp viễn thông và các dịch vụ có khả năng hình thành trong tương lai, vì vậy Luật Viễn thông (sửa đổi) cần có điều khoản để quản lý hiệu quả các dịch vụ này, đồng thời mở ra không gian mới cho các loại hình dịch vụ này phát triển. Dự thảo Luật quy định việc đóng góp Quỹ dịch vụ viễn thông công ích theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông; để bảo đảm bình đẳng trong đóng góp, dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm Doanh nghiệp viễn thông.

Trong những năm qua, hoạt động viễn thông công ích bao gồm việc trang bị đầu thu vệ tinh, máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là các hoạt động cung cấp hàng hóa viễn thông, do đó, trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn nội hàm “cung cấp dịch vụ viễn thông công ích” để bảo đảm bao quát các hoạt động, phù hợp với giải thích từ ngữ.
 
4
Đồng chí Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự chủ động của các doanh nghiệp viễn thông, cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông của tỉnh Nghệ An ngày càng được mở rộng, hiện đại hóa và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 13 năm triển khai thực hiện Luật Viễn thông 2009 cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới. Do đó việc Quốc hội sửa đổi Luật Viễn thông là rất cần thiết, thống nhất đồng bộ với Luật liên quan đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Trao đổi tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã làm rõ các nội dung đoàn công tác quan tâm liên quan đến việc kết nối chia sẻ hạ tầng viễn thông có khó khăn, vướng mắc; quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động; thủ tục cấp phép; kết quả thực hiện cơ sở dữ liệu về dân cư; tắt sóng mạng 2G; quỹ công ích, thực trạng rà soát phòng, chống, xử lý sim rác, tin nhắn rác…
 
5
Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phủ Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc Hội phát biểu kết luận buổi làm việc.

Qua chuyến khảo sát thực tế tại các địa phương và làm việc trực tiếp với UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu kết luận đánh giá cao kết quả Nghệ An đã đạt được trong công tác quản lý, sử dụng hạ tầng viễn thông trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Bộ Thông tin Truyền thông thống nhất chia sẻ về hạ tầng viễn thông trên địa bàn. cần trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng xử lý các văn bản đã hết hiệu lực pháp lý; tiếp tục nghiên cứu giải quyết vướng mắc hạ tầng viễn thông trên đất công,… Liên quan đến những nội dung bổ sung, góp ý của tỉnh Nghệ An, đoàn công tác sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, tổng hợp các nội dung đã trao đổi để phục vụ thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Tác giả: Võ Trọng Phú

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây