42 kiến nghị của cử tri gửi đến Bộ TT&TT đã được trả lời, xử lý

Thứ sáu - 24/05/2024 16:35 490 0
Chiều 23/5, tại nghị trường Quốc hội, phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 42 kiến nghị của cử tri gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông giữa hai kỳ họp đã được Bộ trả lời, xử lý hoặc có lộ trình xử lý, có thời gian hoàn thành cụ thể.
1
Phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Sau khi thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 42 kiến nghị của cử tri gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông giữa hai kỳ họp đã được Bộ trả lời, xử lý hoặc có lộ trình xử lý, có thời gian hoàn thành cụ thể.
2
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên họp này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đã đề cập đến vấn đề lừa đảo trực tuyến - đây là vấn đề đang diễn ra trên diện rộng, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu như là một hệ lụy của chuyển đổi số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu 6 giải pháp đã thực hiện trong việc rà soát, xử lý và quản lý sim rác thời gian qua.

Thứ nhất, tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Bộ đã chỉ đạo các báo, đài lớn tổ chức các chuyên mục để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, Bộ TT&TT đã sử dụng hệ thống thông tin cơ sở là loa phát thanh phường, xã để thông tin thường xuyên tới bà con.

Thứ hai, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý và triệt phá một số đường dây lừa đảo trực tuyến thời gian qua.

Thứ ba, lừa đảo trực tuyến thường sử dụng điện thoại và giả danh cơ quan nhà nước. Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng đầu tư công nghệ nếu cơ quan nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình.

Trong trường hợp điện thoại cố định không có màn hình thì người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác nhận tên cơ quan nhà nước, nếu không có tên thì người dân không nên tin.

Thứ tư, lừa đảo trực tuyến cũng thông qua số điện thoại không chính chủ hoặc sim rác. Gần 5 năm qua, Bộ đã chỉ đạo rất mạnh mẽ các nhà mạng xử lý sim rác, nhiều chục triệu sim rác đã xử lý.

Từ ngày 15/4/2024 đã cắt toàn bộ những sim thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư cũng như thực hiện xử lý vấn đề sim chính chủ.

Trường hợp Bộ TT&TT phát hiện sim rác, sim không chính chủ sẽ yêu cầu nhà mạng ngừng kinh doanh phát triển thuê bao mới. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ trong vấn đề xử lý sim rác, sim không chính chủ.

Thứ năm, lừa đảo trực tuyến hay lập các trang web giả mạo của cơ quan nhà nước. Bộ TT&TT đã có sáng kiến gắn nhãn xanh cho các trang web của cơ quan nhà nước và các tổ chức đã được xác thực. Người dân khi vào các trang web không thấy có nhãn xanh phải cẩn trọng hơn.

Cuối cùng, Bộ TT&TT đã thiết lập một đầu mối để tiếp nhận phản ánh về các lừa đảo trực tuyến để hỗ trợ người dân.

Tác giả: Bộ Thông tin và Truyền thông

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây