Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Yếu tố tạo sự thay đổi về chất của dịch vụ công trực tuyến
Thứ tư - 07/08/2024 15:511810
Từ thực tiễn triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận định có hai yếu tố tạo sự thay đổi về chất trong việc cung cấp DVCTT.
Một số kết quả, khó khăn và vướng mắc
Theo Bộ TT&TT, đến nay, tỷ lệ DVCTT toàn trình đủ điều kiện ước đạt 100%. Hiện có 83/83 bộ, tỉnh đã ban hành danh mục DVCTT toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 81%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 48%.
Hiện nay, toàn quốc có 62/63 địa phương ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng DVCTT (Thanh Hóa do hết hạn áp dụng nên đang xin ý kiến ban hành chính sách mới); 15/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Thành phố Hà Nội ban hành chính sách quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn Thành phố.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, qua thực tiễn triển khai DVCTT toàn trình có một số khó khăn, vướng mắc đối với cả khối bộ ngành và khối tỉnh.
Đối với khối bộ, ngành có hai khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, tỷ lệ DVCTT toàn trình (Số lượng DVCTT toàn trình có phát sinh hồ sơ/ tổng DVC có phát sinh hồ sơ) trung bình đạt 59,68%. Một số bộ, ngành đạt 100% như các Bộ: Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; TT&TT. Tuy nhiên còn một số bộ, ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có DVCTT toàn trình.
Thứ hai, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trung bình đạt 50%. Bộ Công Thương đạt tỷ lệ cao nhất là 79,94%; Bộ Ngoại giao (có 1 DVCTT toàn trình nhưng không phát sinh hồ sơ trực tuyến toàn trình); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (không có DVCTT toàn trình đối với những TTHC có phát sinh hồ sơ).
Đối với khối tỉnh, theo thống kê, tỷ lệ DVCTT toàn trình trung bình đạt 55,38%. Một số địa phương triển khai rất tốt DVCTT toàn trình như Đà Nẵng (95,56%). Còn nhiều địa phương triển khai hạn chế với 28/63 tỉnh mới chỉ triển khai dưới 50% là DVCTT toàn trình (Bà Rịa - Vũng Tàu đạt tỷ lệ thấp nhất 24,2%). Trong khi đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của khối tỉnh còn rất hạn chế, mới đạt 17%. Địa phương đạt khá như TP. Đà Nẵng là 64,94%; địa phương triển khai còn hạn chế như Lạng Sơn là 11,67%.
Với hiện trạng triển khai cung cấp và sử dụng DVCTT đặc biệt là ở khối tỉnh (mới đạt 17% hồ sơ trực tuyến toàn trình), theo Bộ TT&TT, người dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ các DVCTT toàn trình của cơ quan nhà nước. Đối với cán bộ, công chức thì chưa giảm tải công việc khi vẫn phải xử lý nhiều hồ sơ không trực tuyến hoàn toàn, thậm chí còn làm tăng công việc khi phải xử lý song song trên bản giấy và bản điện tử. Một số nơi có tình trạng làm thay, làm hộ DVCTT cho người dân dẫn đến quá tải, tăng thời gian chờ đợi, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), giảm mức độ hài lòng.
Bên cạnh đó, với hiện trạng triển khai nêu trên, nguy cơ đến năm 2025, Việt Nam khó đạt được các mục tiêu về DVCTT đã đặt ra tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT mức độ toàn trình; Tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Bài học kinh nghiệm và giải pháp
Qua những số liệu tổng kết từ thực tiễn triển khai DVCTT thời gian vừa qua, Bộ TT&TT nhận định thói quen ngại thay đổi là một trong các rào cản lớn nhất. Để có thể thuyết phục người dân, doanh nghiệp thay đổi thói quen cần: Chính cơ quan nhà nước phải gương mẫu thay đổi mình; Chất lượng của DVCTT phải tốt như dịch vụ của khu vực tư.
Bộ TT&TT đề nghị UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản giao chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tới cho các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, thành phố ban hành chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. HĐND hoặc UBND tỉnh, thành phố ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.
Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, chỉ đạo triển khai cung cấp DVCTT trên thiết bị di động bảo đảm cho thuận tiện cho người dân truy cập, sử dụng.
Mặt khác cần triển khai kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu bảo đảm tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của các bộ, tỉnh, nhằm tối thiểu hóa thông tin, tài liệu người dân phải cung cấp cho cơ quan nhà nước khi thực hiện TTHC.
Bộ TT&TT cũng đưa ra một số giải pháp đối với việc cung cấp DVCTT. Theo đó, đối với các bộ, ngành, Bộ TT&TT đề nghị chủ động, thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình các TTHC đối với các dịch vụ mà bộ, ngành chưa triển khai.
Đối với các địa phương, Bộ TT&TT đã tổng hợp và khuyến nghị từng địa phương Danh mục chi tiết các TTHC (chưa triển khai trực tuyến) có phát sinh hồ sơ trong năm 2024 để triển khai DVCTT (một phần và toàn trình) và Danh mục chi tiết các DVCTT một phần có phát sinh hồ sơ trong năm 2024 để triển khai DVCTT toàn trình (đăng tải online tại các đường link dưới đây [1]). Danh mục các dịch vụ khuyến nghị cho một địa phương đã có một số địa phương triển khai toàn trình, các địa phương có thể tham khảo để triển khai.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện Đề án “Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của DVCTT giai đọan 2024-2025 và định hướng đến năm 2030” theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Tại Hội nghị sơ kết công tác TT&TT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ TT&TT mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT đã triển khai hệ thống báo cáo kết nối thẳng vào hệ thống CNTT của các bộ, ngành và địa phương để lấy số liệu về DVCTT. Số liệu báo cáo online có mức chính xác cao, trước đây, các tỉnh báo cáo thì người dân sử dụng DVCTT toàn trình là trên 30%, nhưng khi đo trực tuyến thì chỉ được 17%.
Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: “Cùng làm việc trên một nền tảng số, từ Trung ương đến địa phương, là cách tốt nhất để kết nối online, báo cáo online”.
Định hướng công tác năm 2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo: “Năm 2024 là năm DVCTT phải toàn trình và thực chất. DVCTT toàn trình tức là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. DVCTT thực chất thì ít nhất phải có 70% người dân sử dụng. Năm 2023, chúng ta đã làm được một số DVCTT toàn trình và thực chất, thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin và quyết tâm cho chúng ta làm mạnh mẽ trong năm 2024, để kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu chính phủ số ở Việt Nam”./.