Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Ứng dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị nông sản Việt
Thứ năm - 15/08/2024 10:372580
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản đóng vai trò then chốt, mở ra cánh cửa cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Tuy vậy, vẫn còn những rào cản trong “câu chuyện công nghệ” mà Việt Nam cần vượt qua để giúp nâng cao giá trị nông sản, khẳng định vị thế và thương hiệu của đất nước trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu.
Ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ vào các khâu như chế biến, bảo quản thực phẩm và giao thương quốc tế do đặc tính của các sản phẩm nông nghiệp có thời hạn sử dụng ngắn ngày.
Nông sản Việt chưa phát huy hết giá trị trên thị trường quốc tế
Theo ông Nguyễn Xuân Bang, Giám đốc Khoa học và Giải pháp Kỹ nghệ, Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, mặc dù Việt Nam đã xuất khẩu một lượng lớn nông sản, ước tính từ 40 - 50 tỷ USD, nhưng phần lớn vẫn là các sản phẩm nông nghiệp thô.
Điều này khiến nông sản Việt chưa phát huy hết giá trị trên thị trường quốc tế. Chẳng hạn, vào mùa vải, sản lượng rất lớn và thời gian tiêu thụ ngắn. Do đó, việc chế biến thành các sản phẩm khác như vải đóng lon để bảo quản và tiêu thụ dài hạn rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu rộng lớn.
Như vậy, một trong những nguyên nhân nằm ở khâu ứng dụng công nghệ để chế biến, bảo quản nông sản. Dù đã có những tiến bộ trong việc đầu tư vào ngành nông nghiệp, nhưng ông Nguyễn Xuân Bang cho rằng việc áp dụng công nghệ vào chế biến và bảo quản nông sản của Việt Nam vẫn còn tồn tại khoảng cách so với các nước khác.
“Cách đây hơn 10 năm, người Thái đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực chế biến rau củ quả. Họ sở hữu những chuyên gia có khả năng đánh giá sản phẩm cụ thể để xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam lúc bấy giờ chưa có đủ cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để làm điều này”, ông Nguyễn Xuân Bang cho biết.
“May mắn là Việt Nam đã hoà nhập với cộng đồng quốc tế như châu Âu, Mỹ, G7 và các nước phát triển khác, và họ thường ưu tiên hỗ trợ trong lĩnh vực nông sản, thậm chí cả bảo hộ. Họ cũng cung cấp công nghệ với mức giá phải chăng hoặc thậm chí miễn phí, miễn là bạn có đầu tư”, ông Nguyễn Xuân Bang nhấn mạnh.
Thuận lợi là như vậy, nhưng bài toán ứng dụng vẫn cần tính toán đến nhiều vấn đề, khía cạnh. DN đứng trước nhiều thách thức như cần đến nguồn vốn đầu tư cao do chi phí mua sắm, lắp đặt máy móc, thiết bị công nghệ cao khá lớn. Bên cạnh đó là những chi phí nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, chi phí đào tạo nhân viên vận hành và bảo trì hệ thống.
Hơn nữa, nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, không có đủ nguồn lực để tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Việc chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển cũng còn nhiều hạn chế.
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) nông sản Foodmap, cho biết từ góc độ kỹ thuật, một trong những yếu tố quan trọng nhất để nâng cao giá trị nông sản là phải có nguồn nhân lực hiểu biết, có khả năng ứng dụng công nghệ cũng như DN có khả năng đầu tư vào công nghệ để chế biến sâu, ứng dụng công nghệ vào từ việc khai thác đến chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Mặc dù Việt Nam đã đầu tư và rút ngắn khoảng cách công nghệ nông nghiệp so với thế giới trong khoảng thời gian 20-30 năm qua, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của Việt Nam đã có sự cải thiện, sản phẩm nông sản của Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường quốc tế và được đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, dù đã có nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu, nhưng việc đào tạo có tính ứng dụng thực tiễn vẫn là một vấn đề.
“Nhiều kỹ sư được đào tạo, nhưng khả năng thực tế của họ còn nhiều hạn chế. Do đó, phương pháp đào tạo cần cải thiện để nâng cao tính thực tiễn”, ông Bang nói. Thực trạng đó khiến việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp vẫn gặp bài toán thiếu hụt các kỹ sư, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ chế biến, bảo quản nông sản.
Sàn TMĐT tập trung vào lĩnh vực nông sản đạt thành công “là điều hiếm hoi trên thế giới”
Việc chế biến nông sản là bước đi quan trọng, chứng minh sự phát triển của nền nông nghiệp và đặc biệt quan trọng trong TMĐT. Chế biến nông sản giúp sản phẩm có thời gian bảo quản lâu hơn, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và cơ hội kinh doanh.
Đặc biệt, trong TMĐT, việc các sản phẩm có thời gian bảo quản lâu giúp DN tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Điều này không chỉ tăng cơ hội bán hàng trong nước mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trước khi đầu tư vào công nghệ, giá bán của sản phẩm nông nghiệp thường ở mức thấp. Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ mới, giá trị của sản phẩm tăng lên và do đó, giá thành cũng tăng theo. Dù vậy, việc tiếp tục đầu tư phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm, phản ánh sự ảnh hưởng của yếu tố kinh tế hơn là công nghệ trong quyết định đầu tư của các nhà sản xuất.
Điều đó cho thấy DN cần giải bài toán về thị trường tiêu thụ hàng nông sản. TMĐT là một phương thức kinh doanh, bán hàng mang lại nhiều thuận lợi cho người bán, giúp họ tiếp cận đến lượng lớn khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ở nước ngoài thông qua các sàn thương mại xuyên biên giới.
Tuy vậy, việc ứng dụng TMĐT vào kinh doanh nông sản, đặc biệt là hàng rau củ, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Là một startup sáng lập nền tảng TMĐT nông sản Foodmap, ông Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết một sàn TMĐT tập trung vào lĩnh vực nông sản đạt được thành công “là điều khá hiếm hoi trên thế giới”.
Theo founder của Foodmap, có một số sàn TMĐT bắt đầu từ việc bán nông sản và sau đó mở rộng ra bán các mặt hàng khác, hoặc có những sàn lớn đã mở rộng thêm mảng nông sản vào danh mục sản phẩm của họ, như Alibaba hoặc Pinduoduo chẳng hạn. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, chưa có nhiều ví dụ về sàn TMĐT chỉ tập trung vào nông sản mà đã đạt được thành công đáng kể.
“Bán nông sản tươi là một bài toán khó khăn đối với ngành nông nghiệp, và ở Việt Nam, vẫn chưa có một giải pháp hoàn hảo nào cho vấn đề này”, ông Phạm Ngọc Anh Tùng nói. “Rõ ràng chúng ta có thể nhập khẩu nho từ Mỹ hoặc bơ từ Mexico, thậm chí bay hàng ngàn dặm để đưa sản phẩm về Việt Nam mà vẫn giữ được độ tươi ngon. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhiều nhà sản xuất nông sản ở Việt Nam có khả năng thực hiện điều này”.
Và theo các chuyên gia, một điều quan trọng nữa là các DN cần tập trung sản xuất những sản phẩm có chất lượng tốt, từ quá trình sản xuất cho đến kinh doanh. Nông sản Việt Nam có tiềm năng và có thể phát triển thành những ngành sản xuất tốt, nhưng chủ các trang trại cần học hỏi và tuân thủ các điều kiện canh tác an toàn. Sản phẩm xuất khẩu cần đảm bảo nguyên liệu đầu vào.
Với tiềm năng và điều kiện thiên nhiên thuận lợi, Việt Nam có thể nâng cao hơn nữa giá trị nông sản và tài nguyên nông nghiệp của mình. Điều này có thể đạt được thông qua việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Đồng thời, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, logistic cũng như nâng cao trình độ kỹ thuật và kiến thức cho người lao động trong ngành nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Việc kết hợp các yếu tố này không dễ dàng nhưng là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Cần sự phối hợp “đồng khởi” của các bên liên quan để nâng cao giá trị nông sản Việt
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng công nghệ vào bảo quản và chế biến nông sản đang trở thành xu hướng không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao và vượt qua khó khăn, theo các chuyên gia, sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, DN, ngân hàng, cơ sở đào tạo và người dân là rất điều cần thiết.
Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các chính sách hỗ trợ và pháp lý thuận lợi để khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu và áp dụng công nghệ vào ngành nông nghiệp, ưu đãi về thuế, lãi suất vay…. Đồng thời, Chính phủ cũng cần đảm bảo việc tạo điều kiện thuận lợi để các DN có thể tiếp cận nguồn vốn thông qua hệ thống ngân hàng.
Đại diện FoodMap cho biết trong suốt 5 năm qua, FoodMap đã hoạt động trong lĩnh vực nông sản và đặc biệt là trong lĩnh vực TMĐT. “Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ các cơ quan nhà nước”, ông Phạm Ngọc Anh Tùng nói. “Ví dụ, khi chúng tôi tổ chức chương trình bán vải ở Bắc Giang hoặc bơ ở Tây Nguyên, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành từ các cơ quan và ban ngành. Điều này là một dấu hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm và ủng hộ đối với lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam”.
Nông nghiệp là một trong những ngành mạnh của Việt Nam, và việc các cơ quan chính phủ quan tâm, hỗ trợ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là một ví dụ điển hình.
Theo ông Tùng, Chương trình OCOP không chỉ khuyến khích sự phát triển và chế biến sâu các sản phẩm nông sản ở địa phương, mà còn giúp tăng cường giá trị thương hiệu của những sản phẩm này. “FoodMap đã bán nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao thông qua nền tảng TMĐT của chúng tôi, giúp sản phẩm tiếp cận với nhiều người hơn”.
Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn cho TMĐT. “Chúng tôi hy vọng rằng sự hỗ trợ này sẽ tiếp tục, vì TMĐT không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mà còn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung”, nhà sáng lập nền tảng FoodMap nói.
Bên cạnh Chính phủ, DN cũng đóng một vai trò chủ đạo trong việc nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản. Sự đầu tư và cam kết của họ là yếu tố quyết định đến thành công của quá trình này. Ngoài ra, DN cũng tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ngân hàng có trách nhiệm cung cấp các gói tài chính hỗ trợ cho các DN nông nghiệp để họ có thể đầu tư vào công nghệ. Việc cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi và điều kiện vay linh hoạt giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho DN.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo cần điều chỉnh chương trình và nâng cao trình độ cho nhân lực ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và quản lý nông nghiệp hiện đại; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ chế biến, bảo quản nông sản.
Ông Nguyễn Xuân Bang, Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, cho rằng cách đây 10-20 năm, việc tiếp cận công nghệ ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực và cơ hội đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình đã có sự cải thiện đáng kể. Ngoài ra, những chuyên gia đã ra nước ngoài học tập và làm việc cũng thường có xu hướng muốn quay về làm việc tại Việt Nam nếu có cơ hội. Điều này cho thấy sự quốc tế hóa trong ngành công nghệ và rào cản đang dần được xóa bỏ.
Cuối cùng, sự tham gia và hỗ trợ từ phía người dân cũng rất quan trọng. Họ cần được tăng cường kiến thức về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp thông qua các chương trình giáo dục và tuyên truyền. Đồng thời, họ cũng cần được hỗ trợ để có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm công nghệ nông nghiệp một cách hiệu quả.
Một thách thức lớn hiện nay là việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản quốc gia. Các DN tư nhân chưa thể xây dựng được những thương hiệu mạnh được công nhận trên toàn thế giới. Các biện pháp quảng bá và tiếp thị thông minh, từ việc sử dụng gói bao bì đẹp mắt đến việc tham gia triển lãm quốc tế và sử dụng mạng xã hội, đều giúp tạo ra sự ấn tượng và tin cậy từ phía người tiêu dùng.
Hơn nữa, việc xây dựng mối quan hệ đối tác ổn định với các nhà phân phối và đối tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
“Với sự phát triển tiếp tục và cam kết của chính phủ cùng DN, chúng ta có thể cải thiện và nâng cao thương hiệu nông sản quốc gia của mình, từ đó tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap, nói./.