Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số
Thứ sáu - 26/07/2024 16:315210
Ngày 24/7, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cho các nội dung trong dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số.
Ngày 08/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15, bổ sung dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Ngày 26/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo dự án Luật. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Luật và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ xin ý kiến đóng góp từ 03/7/2024.
Theo đó, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số có bố cục gồm 06 chương, 90 điều.
Việc ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Thay thế các nội dung về công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT trong Luật Công nghệ thông tin bằng các nội dung của Luật Công nghiệp công nghệ số. Thúc đẩy thông minh hóa các ngành công nghiệp qua việc đưa công nghệ số thâm nhập, hội tụ vào các ngành, lĩnh vực thay đổi phương thức làm việc, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng về thông minh hoá.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý đối với nội dung các dự thảo luật do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo. Các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành văn bản Luật; cho rằng đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Các đại biểu cũng góp ý những nội dung cụ thể đối với từng điều, chương trong dự thảo Luật, nhằm để các điều luật được thực hiện chặt chẽ, thống nhất và phù hợp thực tế trong nước và quốc tế./.