Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Kiên quyết cắt giảm TTHC nội bộ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN thực hiện DVCCTT
Thứ năm - 26/09/2024 11:005360
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả 2 trụ cột: Kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Ngày 25/9/2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 434/TB-VPCP thông báo kết luận Hội nghị chuyên đề về "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT" của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS).
45/76 DVCTT thiết yếu đã được triển khai, tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm
Kết luận của Thủ tướng nêu: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện DVCTT được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở.
Nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp DVCTT có nhiều chuyển biến tích cực. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) về giải quyết TTHC tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8/2024.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2024, Chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam xếp hạng 71/193, tăng 15 bậc so với năm 2022.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho số hóa, cung cấp DVCTT được triển khai tích cực. TTHC tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng DVCTT được nâng cao. Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3 nghìn quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 TTHC; đã cung cấp thêm gần 1,8 nghìn DVCTT, đạt 4,4 nghìn DVCTT cung cấp trên Cổng DVC quốc gia, chiếm 70% tổng số TTHC.
Đặc biệt, đã triển khai 45/76 DVCTT thiết yếu; trong đó, 23/25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành tăng 23% (đạt 43,4%), của địa phương tăng 35% (đạt 64,3%) so với năm 2023...
Công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh quan điểm, định hướng 1 “mục tiêu", "2 trụ cột", "3 đột phá", "4 không", "5 đẩy mạnh, tăng cường".
Cụ thể: Bảo đảm thực hiện “1 mục tiêu” cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ và tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, DN trong thực hiện DVCTT, góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, tăng cường phản ứng chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan Nhà nước.
Tập trung triển khai hiệu quả “2 trụ cột”: Kiên quyết cắt giảm TTHC nội bộ và tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN thực hiện DVCTT.
Thực hiện “3 đột phá” trọng tâm: Pháp lý hóa; Số hóa; Tự động hóa.
Hướng đến “4 không”: Không giấy tờ; Không tiền mặt; Không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định; Không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thực hiện “5 đẩy mạnh, tăng cường”: (1) Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm thực thi của các cấp, các ngành được phân cấp; (2) Tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; (3) Tăng cường đầu tư hạ tầng số; (4) Tăng cường đối thoại và xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; (5) Tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Kết quả thực hiện TTHC, cung cấp DVCTT là một trong các tiêu chí đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp quán triệt với khí thế tiến công mạnh mẽ, phát huy tinh thần "1 mục tiêu", "2 trụ cột", "3 đột phá", "4 không", "5 đẩy mạnh, tăng cường".
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải chủ động, tích cực vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập và nguyên nhân đã nêu; lấy kết quả thực hiện TTHC, cung cấp DVCTT là một trong các tiêu chí đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong nhiệm kỳ.
Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định, văn bản quy phạm pháp luật và các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, với tinh thần cái gì thực tiễn đặt ra đòi hỏi, yêu cầu đã chín, đã rõ thì phải sửa đổi, bổ sung, thể chế hóa thành quy định, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức thực hiện, bảo đảm chính sách phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh.
Thủ tướng cũng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa tối đa, kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh các TTHC, quy định kinh doanh; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch để cán bộ không mắc phải những sai phạm; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời góp phần xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa 50% TTHC nội bộ và chi phí tuân thủ TTHC nội bộ; khẩn trương phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các TTHC theo hướng cấp nào làm tốt nhất thì giao, đặc biệt là cấp cơ sở gần dân nhất. Chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, trong đó Bộ TT&TT sớm trình Chính phủ ban hành đầy đủ các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử trong tháng 9/2024; các bộ, ngành rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về TTHC liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo hướng sử dụng hồ sơ hành chính dưới dạng dữ liệu số, hoàn thành trước ngày 15/12/2024.
Tập trung nâng cao chất lượng DVCTT
Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng DVCTT. Cụ thể, cần rà soát, đánh giá lại, đổi mới cung cấp DVCTT, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với môi trường, người dùng, xanh hóa các DVC, hoàn thành trước ngày 15/12/2024; Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, thiết kế, cung cấp các DVCTT trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa tối đa TTHC, tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử, bảo đảm người dân chỉ cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho cơ quan Nhà nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025 là 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình và tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Hoàn thành cung cấp toàn bộ 76/76 DVC thiết yếu theo Đề án 06, trong đó đối với 02 nhóm DVC liên thông điện tử về khai sinh, khai tử, yêu cầu: Bộ Tư pháp khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh và phần mềm DVC liên thông để triển khai thực hiện hiệu quả trong tháng 9/2024.
Đồng thời, sớm có nghiên cứu, đánh giá, mở rộng việc cung cấp DVCTT đối với các dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích để hoàn thiện hệ sinh thái trên môi trường điện tử cho người dân và DN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2024. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp, số hóa, cung cấp các DVC phi địa giới hành chính, hỗ trợ người dân, DN trong CĐS, nhất là các đối tượng yếu thế.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu.
Bộ TT&TT khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ, ngành, địa phương do DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05/6/2024; chỉ đạo, khuyến khích các DN cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng có chính sách miễn, giảm phí sử dụng dịch vụ chữ ký số cá nhân cho người dân để thuận lợi trong việc ký số các giấy tờ, tài liệu khi thực hiện DVCTT, hoàn thành trong năm 2024.
Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng lộ trình, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để hoàn thành việc số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024, đất đai trong năm 2025; đồng thời, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành số hóa thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu hộ tịch, đất đai phục vụ giải quyết TTHC, DVC. Tăng cường đàm phán với các đối tác thương mại của Việt Nam để công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn kèm theo việc trao đổi thông tin, công nhận lẫn nhau đối với dữ liệu, chứng từ thương mại, chứng từ hành chính điện tử, thực hiện cửa khẩu thông minh.
Cùng với đó là tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng CNTT, đáp ứng yêu cầu phục vụ CĐS quốc gia thông suốt, hiệu quả, trong đó: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia theo đúng Nghị quyết 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ; Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng DVC quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, tỉnh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của CĐS. Tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT.
Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện CĐS
Kết luận của Thủ tướng nêu rõ các Bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện CĐS, nhất là việc cung cấp, sử dụng DVCTT trong các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời động viên, khen thưởng các sáng kiến hay, cách làm mới, những tấm gương điển hình tiên tiến. Thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo quy định, trong đó có căn cứ trên kết quả thực hiện CĐS, đặc biệt là việc thực hiện TTHC, cung cấp DVCTT. Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện DVCTT cho người dân, DN.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Đề án "Tuyên truyền, phổ biến về cung cấp và sử dụng hiệu quả DVCTT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trong tháng 10/2024./.