Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Người dân Nghệ An ứng dụng chuyển đổi số, kết nối bán hàng online
Thứ hai - 03/06/2024 10:332760
Nông dân Nghệ An tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối bạn hàng, tiêu thụ sản phẩm.
Tích cực đưa sản phẩm lên mạng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghề mộc, nên anh Trần Ngọc Huy ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp có niềm đam mê với nghệ thuật điêu khắc gỗ. Tốt nghiệp đại học, ra trường, Huy tiếp tục trang bị cho mình những kiến thức về gỗ thủ công mỹ nghệ. Sau quá trình tìm tòi học hỏi, Huy mở cơ sở chế tác tranh gỗ và nâng cao tay nghề bằng cách nhận chạm, khắc các hình trên gỗ.
Khi đã vững tin với tay nghề của mình, Huy mạnh dạn đầu tư thêm máy móc tiên tiến để sản xuất ra các chi tiết hoa văn trên vật liệu bằng gỗ, vừa giảm được sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, vừa đẩy nhanh quá trình gia công tiến tới sản xuất hàng với số lượng lớn. Sản phẩm bán trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác.
Anh Huy cho biết: Tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu từ rừng, cách đây 5 năm tôi đầu tư mô hình chế biến gỗ thủ công mỹ nghệ. Việc chuyển đổi số được ứng dụng hiệu quả trong việc sáng tạo ra những mẫu mã phù hợp với từng loại sản phẩm và cả bán hàng online. Mở rộng thị trường tiêu thụ trên các nền tảng số giúp doanh nghiệp tiếp cận với tệp khách hàng mới, phù hợp với xu thế tiêu dùng của khách hàng hiện nay…
Về xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, nhiều người không khỏi xuýt xoa trước các mô hình trang trại ở đây.
Gia đình chị Phan Thị Huệ xã Diễn Liên, Diễn Châu quy hoạch làm 4 ha trang trại, trong đó, anh chị đầu tư xây dựng ao nuôi cá, xen trồng hệ thống cây ăn quả như bưởi, mít, cây cảnh và nuôi gia cầm. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó nhờ chị ứng dụng khá hiệu quả các nền tảng công nghệ số để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chị Huệ chia sẻ: Thời điểm chưa có điện thoại thông minh hay mạng xã hội, nông sản xuất bán đều phải tự mang đi chợ hoặc chờ người đến nhà hỏi mua. Những năm trở lại đây, đến mùa thu hoạch cá, gia cầm hay hoa trái trong vườn tôi đều đăng trên Facebook, Zalo, TikTok kèm số điện thoại để mọi người biết đến, ai có nhu cầu có thể liên hệ trước. Từ ngày ứng dụng công nghệ, các nông sản của gia đình tiêu thụ nhanh hơn gấp nhiều lần, có thêm những khách hàng thân thiết mới.
Hơn 2 năm nay, quay livestream trên Facebook, TikTok đã trở thành công việc hàng ngày của gia đình anh Lương Chí Bảo, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Hộ gia đình đồng bào Thái này đã thành công trong việc quảng bá sản phẩm thịt chua trên mạng xã hội. Với trang Facebook mà kênh TikTok có nhiều lượt theo dõi, mỗi lần livestream có hàng trăm “mắt” xem, sản phẩm được tiếp cận nhanh chóng với người tiêu dùng.
Anh Bảo cho biết: “Hàng ngày, gia đình đều làm các món ẩm thực như thịt chua, bò giàng, măng muối... trong đó mẹ tôi là người làm chính, tôi set – up thiết bị để livestream, vừa chế biến, vừa trò chuyện, tương tác với người xem. Nhiều người thấy quy trình làm ngon, sạch sẽ, cách nói chuyện duyên dáng nên đã có thiện cảm và đặt hàng. Sức tiêu thụ của các món ăn này tăng lên từ 2 – 3 lần từ khi áp dụng các công nghệ”.
Hướng đến một nền sản xuất minh bạch, giúp gia tăng lợi nhuận
Còn đối với anh Dương Văn Toàn ở xóm Hồng Tháp, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, với mong muốn phát triển kinh tế gia đình cũng như tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương, năm 2021, anh đã mạnh dạn vay 450 triệu đồng để trồng nấm bào ngư. Đây là mô hình trồng nấm đầu tiên trên địa bàn xã.
Nói về cơ duyên đến với nghề trồng nấm, anh Toàn cho biết, bản thân có đam mê sản phẩm nông nghiệp sạch thường xuyên xem các chương trình nông nghiệp, đọc các báo, tạp chí về mô hình mới, cách làm hay để tích luỹ thêm kinh nghiệm. Đồng thời, trực tiếp đi đến các cơ sở sản xuất nấm để nắm tình hình, sau khi thấy khả thi mới trở về áp dụng tại quê nhà.
Anh Toàn cho biết: Nấm bào ngư sau khi thu hái xong được nhập cho các chợ đầu mối, thương lái, các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Việc trồng nấm bào ngư là hướng đi bền vững khi có đầu ra và thu nhập ổn định, tạo việc làm cho bà con địa phương. Quan trọng hơn, đây là mô hình kinh tế xanh, tận dụng phụ phẩm trong sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.
"Dự định trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tiếp tục vay vốn ngân hàng để mua thêm máy móc, mở rộng xưởng, đặc biệt là mua máy đóng phôi tự động, không làm thủ công như hiện nay, từ đó hy vọng sản lượng ngày càng được nâng lên. Đồng thời, để sản phẩm vươn xa, chúng tôi cũng có kế hoạch đưa sản phẩm lên sàn, bán hàng qua mạng xã hội… giúp gia tăng lợi nhuận sản xuất", anh Toàn chia sẻ
Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp hội, bà con nông dân đang ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)… để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.
Thời gian qua, các cấp hội nông dân đã phối hợp các cấp, các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, kiến thức công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện cho hàng chục ngàn lượt hội viên nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm.
"Hội nông dân các cấp đã chú trọng kết hợp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với hỗ trợ cho vay các nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn chương trình dự án, vốn mô hình để hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mới, tạo sản phẩm theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm cho lao động. Trong năm 2023, các cấp hội hỗ trợ xây dựng mới được 168 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả".
Ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Hội Nông dân tỉnh cùng các địa phương cũng chỉ đạo hỗ trợ 14 cửa hàng kinh doanh nông sản sạch hoạt động có hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, đã tổ chức 415 gian hàng quảng bá, giới thiệu tại Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028 và các lễ hội trọng đại trong năm.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, giới thiệu quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn là cơ hội để hướng đến một nền sản xuất minh bạch, giúp gia tăng lợi nhuận.
Nhằm hỗ trợ cho hội viên, nông dân và các cơ sở sản xuất từng bước tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân các cấp đã tập trung tuyên truyền, phổ biến về chủ trương chính sách trong phát triển kinh tế số; Tập huấn, hướng dẫn phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho hội viên, nông dân.