Hình thành trung tâm đào tạo và ứng dụng AI tại Việt Nam

Thứ năm - 20/06/2024 10:01 449 0
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định các lĩnh vực như khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, và các ngành công nghiệp chip, bán dẫn sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin

Ngày 19/6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Tọa đàm và gặp mặt báo chí Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh quan điểm “tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin” và khẳng định điều này sẽ nhằm đảm bảo truyền tải đầy đủ và kịp thời các hoạt động, chính sách của Bộ đến công chúng, đồng thời lắng nghe và tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các nhà báo để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển kinh tế xã hội.
1
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh quan điểm “tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin”.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong gần 100 năm qua, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện. Nội dung báo chí hiện nay đã bao quát tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế xã hội, thể hiện sự phát triển vững mạnh của nền báo chí nước nhà. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các hình thức báo chí ngày càng trở nên phong phú.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, cho biết tình hình thế giới từ đầu năm 2024 đến nay tiếp tục biến động phức tạp, bất ổn và khó lường, với nhiều yếu tố thay đổi nhanh chóng ngoài khả năng dự báo của các quốc gia và tổ chức quốc tế. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng lớn đối với hàng hóa Việt Nam cả trong và ngoài nước, cũng như trong việc thu hút đầu tư FDI, phát triển khoa học công nghệ, ĐMST và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới theo xu hướng toàn cầu về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sản xuất chip, bán dẫn.

Những thách thức này đặt ra áp lực lớn đối với các bộ, cơ quan, trong đó có Bộ KH&ĐT, với vai trò là cơ quan tổng hợp và tham mưu chiến lược về phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Các giải pháp và chính sách điều hành đòi hỏi phải chủ động và kịp thời ứng phó với biến động của môi trường kinh tế vĩ mô bên ngoài, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả để không bị "tụt lại phía sau" trong các xu thế lớn toàn cầu.

Xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh, thu hút các dự án giá trị gia tăng cao trong KHCN và ĐMST

Bộ KH&ĐT xác định rằng trong khó khăn và thách thức luôn tồn tại cơ hội. Nếu chớp được thời cơ và khai thác được cơ hội, thì thách thức sẽ trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước. Các lĩnh vực như khoa học công nghệ, ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, và các ngành công nghiệp chip, bán dẫn sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành cầu nối cho DN khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và ĐMST trên cả nước.

“Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục tập trung tham mưu cho Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh, quy định về chuyển đổi xanh và cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (sandbox)”, ông Nguyễn Đức Tâm nói, đồng thời cho biết Bộ cũng sẽ nghiên cứu xây dựng các chính sách quy mô lớn, phù hợp và khả thi để hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN "đầu đàn", thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong các ngành như chip, bán dẫn, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đối với tăng trưởng xanh (TTX), theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về TTX và kế hoạch hành động quốc gia về TTX. Bộ KH&ĐT đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất về việc cho phép xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

“Chúng tôi xác định rằng hệ thống ngành kinh tế xanh và tiêu chí phân loại xanh phải được xây dựng dưới hình thức quy phạm pháp luật để đảm bảo áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế và các ngành”, ông Lê Việt Anh nói.

Hệ thống ngành kinh tế xanh được xây dựng trên cơ sở tham khảo hướng dẫn của liên minh ASEAN. Bởi vì, theo ông Lê Việt Anh, “chúng ta phải xác định hệ thống ngành kinh tế xanh bám sát các tiêu chuẩn quốc tế”.
2
Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan báo chí.
Phát triển kinh tế xanh, ứng dụng KHCN, ĐMST đang là những vấn đề trọng tâm quốc gia. Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan tham mưu về phát triển kinh tế xã hội đã triển khai nhiều giải pháp, hành động thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên KHCN và ĐMST. Bộ cũng rất chú trọng trong việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thu hút các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao trong các lĩnh vực KHCN và ĐMST.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, cho biết: “Với nhiệm vụ là một cơ quan kết nối, NIC luôn thúc đẩy các hoạt động hợp tác, hình thành các cơ chế liên kết giữa Nhà nước, DN, viện nghiên cứu, trường đại học để phát triển hệ sinh thái, ĐMST hoàn chỉnh cho Việt Nam”.

Theo ông Hoài, bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, NIC đang tích cực phối hợp với các DN, các chuyên gia ĐMST Việt Nam trên thế giới để hình thành trung tâm đào tạo và ứng dụng AI tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hàng nghìn chuyên gia AI tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời ươm tạo 500 DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ AI nhằm tận dụng nguồn lực công nghệ có chất lượng của Việt Nam.

“Đây sẽ là lĩnh vực công nghệ có khả năng tạo các đột phá lớn trong tương lai, giúp Việt Nam tham gia vào thị trường KHCN toàn cầu”, ông Hoài nói.

Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan báo chí. “Bộ mong muốn chia sẻ thông tin và những công việc mà Bộ đã, đang và sẽ thực hiện để công chúng và xã hội hiểu rõ hơn về hoạt động và thành quả của Bộ. Đồng thời, Bộ cũng mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các nhà báo”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

“Khi các nhà báo đặt câu hỏi, đó không chỉ là một câu hỏi mà còn là yêu cầu và kỳ vọng của xã hội gửi gắm vào câu hỏi đó của nhà báo. Điều này giúp Bộ định hướng và cải thiện các chính sách cũng như công tác của mình”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết./.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây