Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
GIS tiết lộ thông tin sâu hơn về dữ liệu để phát triển đô thị
Thứ sáu - 03/11/2023 09:597510
Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là một hệ thống số có chức năng thu thập, lưu trữ, thao tác, phân tích, truy vấn, truy xuất các dữ liệu không gian để phục vụ cho nhiều mục đích trong đó có xây dựng, vận hành các đô thị thông minh, thành phố thông minh (ĐTTM/TPTM).
Tuy nhiên để khai thác, sử dụng hiệu quả công cụ số này, các yếu tố nào cần tập trung, ưu tiên thực hiện? Đâu là giải pháp cho những vấn đề mới phát triển?.
Quản lý, phát triển đô thị không thể thiếu GIS
Trả lời cho những vấn đề nêu trên, ThS. Nguyễn Việt Dũng, Viện Quy hoạch môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng cho rằng, chúng ta cần phải có chiến lược môi trường nền, đảm bảo các nền được vận hành thông qua các nền tảng khác nhau: Cơ sở dữ liệu (CSDL) không gian hợp nhất, tiêu chuẩn hóa, sự hợp tác phát triển hệ thống.
Hơn nữa, GIS cần được triển khai thực hiện, áp dụng xuyên suốt trong quá trình lập đồ án quy hoạch đô thị và hỗ trợ phân tích, bởi lẽ khi có phân tích mới tạo ra việc đánh giá hiện trạng các thuộc tính căn bản của việc xây dựng (địa hình, mô hình số độ cao, thủy hệ, giao thông, cấp điện, cấp nước…
“Nếu làm tốt điều này, GIS giúp chúng ta xác định các kịch bản phát triển không gian, sử dụng đất theo hướng phát triển bền vững; tăng khả năng khai thác nhanh phục vụ tốt cho công tác quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch, giảm thiểu việc tra cứu hồ sơ quy hoạch theo phương pháp truyền thống”, ThS. Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ThS. Nguyễn Việt Dũng, hiện nay, mặc dù chúng ta đã sử dụng công nghệ GIS trong ngành xây dựng, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn, vì chúng ta vẫn chưa xây dựng, hoàn thiện, ban hành ra các văn bản hướng dẫn về quy cách, thể hiện hồ sơ quy hoạch hoặc các hướng dẫn cách thức thể hiện bản vẽ quy hoạch trên phần mềm CAD (sản phẩm vẫn còn hồ sơ giấy in, đóng dấu), chưa đáp ứng đồng bộ về các yêu cầu dữ liệu số để cun cấp vào hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu địa lý.
Do vậy, ThS. Nguyễn Việt Dũng cho rằng, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng khung dữ liệu GIS cho lĩnh vực quy hoạch đô thị, xây dựng.
Cùng với đó, chúng ta cần đẩy mạnh việc xây dựng các hệ thống quản lý thông tin xây dựng, đô thị và công khai thông tin đồ án quy hoạch và cần tạo ra cơ chế vận hành, cập nhật liên tục trên hệ thống GIS.
Muốn làm tốt điều này, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hoặc yêu cầu các chương trình đào tạo đại học cần có những chuyển đổi để đưa các kiến thức chuyên sâu của GIS vào giảng dạy cho sinh viên, coi đây là một điều kiện cần hoàn thiện, kiến thức trang bị không thể thiếu.
“Đặc biệt, việc ứng dụng GIS vào phát triển ĐTTM/TPTM cần phải thu hút các nguồn lực trong, ngoài nước để tối ưu hóa chi phí; kế thừa các thành tựu nghiên cứu, mô hình phát triển từ các quốc gia thành công trên thế giới”, ThS. Nguyễn Việt Dũng lưu ý.
GIS tiết lộ thông tin chi tiết sâu hơn về dữ liệu
Ở quan điểm khác, khi nói về các yếu tố đảm bảo kiểm soát năng động và hiệu quả các hoạt động xây dựng, vận hành ĐTTM/TPTM, đại diện Hội Tin học Xây dựng Việt Nam (VITACE) cho rằng, ngành xây dựng muốn phát triển toàn diện cần thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi số (CĐS), trong đó có việc ứng dụng các nền tảng, công nghệ số tiên tiến, nhất là nền tảng GIS.
GIS giúp tối ưu các dữ liệu, nhất là đối với các thông tin về địa lý; thu thập quản lý, phân tích các dữ liệu thành hình ảnh trực quan bằng cách sử dụng bản đồ và ảnh 3D. Hơn nữa, với khả năng, ưu điểm này, GIS tiết lộ thông tin chi tiết sâu hơn về dữ liệu.
“Chúng ta có thể biết rõ, hiểu về các mẫu cấu trúc, mối quan hệ và tình huống, từ đó giúp người dùng đưa ra quyết định thông minh hơn”, đại diện VITACE nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện VITACE, điểm mạnh khác của GIS so với các công nghệ khác còn là khả năng gắn kết các thông tin kể cả yếu tố không gian phục vụ phân tích và truy cập theo yêu cầu.
Với điểm mạnh này, GIS ra đời vốn được hội tụ, tích hợp nhiều loại hình công nghệ (đồ họa trên máy tính, bản đồ trợ giúp bằng máy tính, viễn thám…) và sẽ luôn phù hợp để ứng dụng đối với các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, sử dụng đất, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, các cơ quan đo đạc bản đồ.
Nói về kết quả thực khi thực hiện hiệu quả việc sử dụng GIS, đại diện VITACE cho biết nổi bật có tỉnh Bình Dương và Bắc Ninh chính là những điển hình để nhiều địa phương khác có thể áp dụng, thực hiện.
Theo đó, Bình Dương đã triển khai ứng dụng GIS thông qua Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành xây dựng”, từ đó, khởi tạo thành công hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành xây dựng ở các lĩnh vực (Kiến trúc; quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật; phát triển đô thị; nhà ở, bất động sản; hoạt động xây dựng; kinh tế vật liệu xây dựng…).
Ngoài kết quả trên, đến nay, Bình Dương là địa phương có thế mạnh về nguồn dữ liệu lĩnh vực công nghệ vệ tinh, viễn thám, từ đó tạo nguồn dữ liệu tham chiếu định về giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng.
“Bình Dương cũng đã ứng dụng GIS 3D và các mô hình thành phố 3D trong công tác quản lý đô thị và các hoạt động xây dựng, đông thời, triển khai áp dụng mô hình cập nhật dữ liệu GIS ngành xây dựng theo quy trình nghiệp vụ”, đại diện VITACE cho biết.
Cũng có những kết quả tích cực như Bình Dương, Bắc Ninh những năm qua đã tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh, điều này góp phần giảm thiểu tình trạng manh mún, phân mảnh ứng dụng và cát cứ dữ liệu.
Như vậy có thể nói, với những quan điểm và giải pháp nêu trên, GIS muốn phát triển, tạo hiệu quả, lâu dài trở thành công cụ số hữu hiệu gia tăng dữ liệu cho ngành xây dựng thì điều cần chính là ngành xây dựng và các địa phương cần chủ động, quyết tâm hơn để thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số (CĐS) trong công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị.
Đồng thời, cần ứng dụng rộng rãi GIS và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, từ đó giúp ngành xây dựng cần kiến tạo một mô hình chia sẻ dữ liệu không gian địa lý trong tổ chức và bên ngoài tổ chức một cách nhất quán, từ đó từng bước thực hiện xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu đô thị kết nối liên thông từ Trung ương tới địa phương./.