Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng phải đi đôi với chuyển đổi số
Thứ sáu - 15/11/2024 10:57820
Bảo vệ trẻ em phải đi đôi với chuyển đổi số. Điều này bao gồm việc tích hợp an toàn trực tuyến vào cơ sở hạ tầng công nghệ và chương trình giáo dục, bồi dưỡng khả năng phục hồi của trẻ em cả trực tuyến và ngoại tuyến.
Cung cấp Internet cho trẻ em cũng như cung cấp nước cho cộng đồng, phải an toàn và sạch
Trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng xã hội (MXH) đang tác động mạnh mẽ đến việc trẻ tiếp xúc với các nội dung trực tuyến. Một trong những ứng dụng đáng lo ngại của AI là khả năng tạo ra "hàng giả sâu" (deepfake), là những video hoặc hình ảnh giả mạo được tạo ra bằng công nghệ AI, làm cho người xem khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Điều này khiến việc phát hiện các nạn nhân bị lạm dụng hoặc bóc lột trở nên khó khăn hơn, vì hình ảnh hoặc video giả có thể được sử dụng để thao túng, lừa đảo hoặc che giấu các hành vi tội phạm.
Bên cạnh đó, AI còn có thể tạo ra các nội dung kích động hoặc khuyến khích hành vi xấu, đặc biệt là khi sử dụng trong môi trường MXH, nơi trẻ em và thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận.
Các hình thức bóc lột, lừa đảo, hoặc bắt cóc có thể diễn ra nhanh chóng và kín đáo hơn nhờ vào sự phát triển của công nghệ này, khiến trẻ em dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Các thuật toán của MXH thường xuyên đẩy những nội dung có hại đến người dùng trẻ tuổi, trong khi vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu vẫn chưa được giải quyết đầy đủ. Nền tảng MXH cũng được thiết kế để khuyến khích người dùng tương tác, có thể gây nghiện và khiến trẻ em dễ bị tổn thương hơn.
TS. Melvyn Zhang, chuyên gia tư vấn tại Viện Sức khỏe Tâm thần (IMH) của Singapore, cho biết nghiên cứu về sức khỏe tinh thần thanh thiếu niên quốc gia (National Youth Mental Health Study) của IMH công bố vào tháng 9/2024 cho thấy khoảng 1/5 thanh thiếu niên đã từng bị bắt nạt trên mạng thông qua những tin nhắn ác ý, hung hãn hoặc thô lỗ. Những trẻ từng bị bắt nạt như vậy có nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm, lo lắng hoặc căng thẳng nghiêm trọng.
Tại sự kiện “Kết nối an toàn” (Safe Connections) do tổ chức Safe Online tổ chức vào tháng 7 vừa qua ở Geneva, Marija Manojlovic, Giám đốc điều hành của tổ chức Safe Online, một tổ chức tại Vương quốc Anh chuyên cung cấp các dịch vụ và chương trình giáo dục nhằm bảo vệ trẻ em (BVTE) khỏi các nguy cơ trên môi trường trực tuyến, đã nói rằng: “Khi chúng ta cung cấp nước cho các cộng đồng ở vùng sâu vùng xa, nước cần phải lọc an toàn và sạch sẽ. Chúng ta cần cung cấp khả năng kết nối cho trẻ em theo cách tương tự - an toàn và trao quyền”.
Safe Connections là sự kiện quy tụ các chuyên gia về kết nối và những người thực hiện an toàn trực tuyến cho trẻ em, đặt sự an toàn và hạnh phúc của trẻ em làm trọng tâm của chương trình kết nối.
Các chuyên gia cho rằng kết nối mọi trẻ em với Internet là điều quan trọng nhưng việc đảm bảo an toàn cho các em trên mạng cũng quan trọng không kém. Trẻ em phải được học tập, phát triển trong thế giới số mà không phải đối mặt với những tác hại trực tuyến.
Thế giới số đã khuếch đại những thách thức hiện có như bạo lực tình dục, khiến trẻ em phải đối mặt với những mối nguy hiểm mới và những rủi ro chưa từng có về bóc lột và lạm dụng tình dục.
TS. Najat Malla, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về chương trình Chống bạo lực đối với trẻ em (Violence against Children) đã nêu bật những rủi ro nghiêm trọng mà trẻ em phải đối mặt trên mạng.
Bà nhấn mạnh rằng “kết nối mọi trường học với Internet là điều cần thiết để thu hẹp khoảng cách số nhưng khi ngày càng có nhiều trẻ em lên mạng, chúng ta phải đảm bảo các em có thể làm điều đó một cách an toàn”.
“Trong thời đại AI và deepfake, những rủi ro và mối đe dọa mà trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt trên mạng ngày càng trở nên phức tạp và thường xuyên. Việc bảo vệ và trao quyền cho thanh thiếu niên thực hiện các quyền của mình trong thế giới số chưa bao giờ quan trọng hơn thế”, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) Doreen Bogdan-Martin cho biết, nhấn mạnh những rủi ro do các xu hướng công nghệ mới nhất như Generative AI và Extended Reality (XR) gây ra. Ví dụ, Gen AI đang tăng cường tạo và lan truyền tài liệu lạm dụng trẻ em trực tuyến, làm mờ ranh giới giữa hình ảnh "thật" và "tổng hợp".
“BVTE phải đi đôi với chuyển đổi số. Điều này bao gồm việc tích hợp an toàn trực tuyến vào cơ sở hạ tầng công nghệ và chương trình giáo dục, bồi dưỡng khả năng phục hồi của trẻ em cả trực tuyến và ngoại tuyến”, bà Sheema SenGupta, Giám đốc BVTE, UNICEF cho biết khi bàn luận về các giải pháp đưa ra chiến lược thực tế nhằm tối đa hóa lợi ích của việc kết nối trong cuộc sống của trẻ em trong khi đảm bảo không gian số không có rủi ro và bạo lực.
Đảm bảo an toàn cho trẻ cần được cân nhắc vào quá trình lập kế hoạch và cung cấp vòng đời kết nối
Việc BVTE trên môi trường mạng cần sự phối hợp của nhiều yếu tố, từ chiến lược, nguồn lực và phương pháp thực hành tốt nhất để xây dựng khung chính sách và quy định hiệu quả, thiết kế chương trình, công cụ công nghệ và thực tiễn ngành.
Theo đó, việc đảm bảo an toàn cho trẻ em cần được cân nhắc vào quá trình lập kế hoạch và cung cấp vòng đời kết nối - nghĩa là toàn bộ quá trình mà trẻ em sẽ trải qua khi sử dụng công nghệ và các nền tảng trực tuyến. Như vậy, điều này sẽ bao gồm việc tích hợp các tính năng an toàn khi bắt đầu sử dụng các công cụ số và nền tảng số cũng như thiết lập khung pháp lý đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về BVTE.
Christina Young, một chuyên gia có ảnh hưởng trong lĩnh vực phúc lợi trẻ em, đã có hơn một thập kỷ cống hiến cho sự phát triển của trẻ em và gia đình. Bà cũng là Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa Lạm dụng Trẻ em (The Center for the Prevention of Child Maltreatment). Bà Christina Young cho rằng với sự gia tăng nhanh chóng trong việc sử dụng Internet ở trẻ em, mối nguy hiểm của việc khai thác trực tuyến đã tăng lên một cách đáng báo động.
Theo đó, khả năng truy cập Internet của trẻ em gần như trở nên phổ biến, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Học tập từ xa, chơi game trực tuyến và MXH hiện trở nên không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, nghĩa là ngày càng có nhiều trẻ em, thậm chí cả trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo, thường xuyên lên mạng, thường không được giám sát và không được bảo vệ. Thực tế mới này đòi hỏi sự xem xét không chỉ an toàn về thể chất cho con em mình mà còn cả những nguy hiểm mà chúng đang phải đối mặt trên mạng.
Theo chuyên gia Christina Young, BVTE khỏi những nguy cơ trên môi trường trực tuyến là trách nhiệm chung. Bà cho biết để làm được điều này, có một số bước quan trọng mà chúng ta có thể thực hiện. Theo đó, đầu tiên, cần thúc đẩy sự thay đổi qua việc vận động lập pháp. Luật pháp cần yêu cầu có sự đồng ý của phụ huynh và áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về độ tuổi khi truy cập nội dung trực tuyến. Việc liên hệ với các nhà lập pháp và kêu gọi các đạo luật BVTE trực tuyến là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, giáo dục cộng đồng cũng đóng vai trò thiết yếu. Các bậc phụ huynh, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cần nhận thức được mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ trực tuyến. Giáo dục về cài đặt quyền riêng tư, kiểm soát nội dung và khuyến khích đối thoại mở giữa cha mẹ và con cái sẽ giúp các gia đình tạo ra môi trường trực tuyến an toàn hơn cho trẻ em.
Cuối cùng là tận dụng các nguồn lực có sẵn từ các tổ chức và cơ quan có liên quan. Nhiều tổ chức cung cấp các tài nguyên và cơ chế báo cáo để giúp ngăn ngừa lạm dụng trẻ em trực tuyến.
Theo chuyên gia Christina Young, BVTE đòi hỏi những bước đi chủ động từ mọi thành phần trong cộng đồng. Bằng cách luôn cảnh giác và cập nhật thông tin, chúng ta có thể xây dựng một môi trường trực tuyến an toàn hơn và giúp con cái điều hướng thế giới kỹ thuật số một cách linh hoạt và bảo mật./.