Tình hình triển khai Ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An

Thứ tư - 15/08/2018 10:00 841 0
Trong một xã hội thông tin, các cá nhân và tổ chức giao tiếp, trao đổi thông qua môi trường mạng. Với ưu điểm thuận tiện và nhanh chóng, trao đổi thông tin trên Internet ngày càng được mở rộng và trở thành một phương thức hỗ trợ trao đổi, giao tiếp không chỉ giữa các cá nhân, tổ chức mà còn trong cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với công dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trao đổi thông tin trên Internet đặt ra các vấn đề về đảm bảo an toàn thông tin cần được cân nhắc như vấn đề xác thực người giao dịch, bí mật thông tin, tính toàn vẹn của thông tin và chống chối bỏ đối với những hành động đã thực hiện trong quá trình trao đổi thông tin.
   Chính vì những vấn đề đặt ra đối với những giao dịch trên Internet nói chung và văn bản điện tử được sử dụng trong quá trình trao đổi nói riêng nên việc tinh giảm giấy tờ trong cơ quan nhà nước, tăng cường trao đổi văn bản điện tử, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy việc áp dụng chữ ký số trong các cơ quan hành chính nhà nước là điều cần thiết trong giai đoạn này, nhằm tằng cường khả năng bảo mật an toàn an ninh thông tin các tài liệu khi trao đổi trên môi trường mạng….

Tính pháp lý của CKS

   Về pháp lý, liên quan đến sử dụng chữ ký số đã có các văn bản pháp lý quan trọng:  Luật Giao dịch điện tử của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Số 51/2005/QH11; Các Nghị định của Chính phủ: Số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 106/2011/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 02 năm 2007 Quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Thông tư 08/2016/TT-BQP Quy định về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;

   Riêng tỉnh Nghệ An đã ban hành các văn bản quan trọng: Quyết định số 65/2016/QĐ-UBND ngày 27/10/2016 về quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 05/02/2018 về việc ban hành quy chế gửi, nhận, quản lý văn bản điện tử trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

   Theo các văn bản này, văn bản điện tử đã được ký bằng chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp có giá trị pháp lý như văn bản giấy thông thường. Theo quy định của UBND tỉnh (tại Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 05/02/2018), kể từ ngày 01/04/2018, các văn bản điện tử chuyển nhận trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh Nghệ An phải được ký số. Cũng theo quy định (tại Điều 6) của quyết định này, tất cả các văn bản của các cơ quan không có tính chất MẬT phải được gửi, nhận hoàn toàn dưới dạng văn bản điện tử. Một số loại văn bản được gửi thêm bản giấy gồm: Văn bản quy phạm pháp luật; Văn bản, hồ sơ, tài liệu có quy định phải gửi bản giấy; Các văn bản có liên quan đến công tác tài chính, nhân sự, khiếu nại tố cáo (không có tính chất MẬT) và các loại văn bản không ban hành hình thức điện tử theo quy định; Văn bản gửi cho cá nhân để thực hiện. Chỉ gửi văn bản giấy khi bên gửi và bên nhận không có đủ điều kiện kỹ thuật cho phép để gửi nhận dưới dạng văn bản điện tử.

Một số kết quả cụ thể trong triển khai CKS trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh Nghệ An

   Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện việc đăng ký, cấp phát, đào tạo chuyển giao sử dụng chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho 100% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và UBND cấp xã thuộc 9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2018 sẽ cấp phát đủ cho 100% UBND cấp xã. VNPT Nghệ An cũng đã thực hiện việc tích hợp tính năng ký số trực tiếp trên phần mềm VNPT-Ioffice. Với tổng số được cấp đưa vào sử dụng cụ thể như sau: Giai đoạn 2015 đến 2017 đã cấp phát  869 chứng thư số, trong đó 106 chứng thư số tập thể và 763 chứng thư số cá nhân, đã thu hồi 01 chứng thư số tập thể và 07 chứng thư số cá nhân. Giai đoạn 2, trong 5 tháng đầu năm 2018 Sở TT&TT đã trình Ban cơ yếu Chính phủ cấp phát 181 chứng thư số tập thể và 416 chứng thư số cá nhân cho cấp xã của 08 huyện gồm: Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Nghi Lộc, Cửa Lò, Thành phố Vinh, Quế Phong. Như vậy, cho đến tháng 5 năm 2018 tổng đã cấp phát 1.200 bộ chứng thư số do Ban cơ yếu Chính phủ cấp, trong đó khối Sở, ngành có 277 chứng thư, 276 chứng thư cho UBND cấp huyện và 647 chứng thư cho UBND cấp xã.
Huong dan CKS
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An triển khai hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho lãnh đạo cấp xã, thị trấn tại UBND huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Viết Huy
   Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn gặp phải một số tồn tại khó khăn nhất định. Đó là: Phần mềm ký số chưa hoạt động ổn định trên các phiên bản của hệ điều hành Windows 10. Không hiển thị hình ảnh chữ ký số trên trình duyệt web, phải sử dụng phần mềm hỗ trợ đọc file PDF (như: Foxit Reader, Acrobat Reader) mới hiển thị đầy đủ thông tin ký số. Chưa hỗ trợ vận hành trên các thiết bị cần tay thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng, …) và chưa hỗ trợ các hệ điều hành như: Android, iOS, Mac OS, … Mặt khác, phần mềm ký số do Cục Chứng thư số và Bảo mật thông tin xây dựng, chia sẻ và hướng dẫn cho các đơn vị sản xuất phần mềm khác tích hợp chức năng ký số vào phần mềm nếu có nhu cầu. Do đó, các chức năng ký số và hiển thị thông tin ký số đang hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật của Cục Chứng thư số và Bảo mật thông tin. Về nhận thức và vai trò điều hành của lãnh đạo: Nhận thức về vai trò của CKS tại một số cơ quan nhà nước còn hạn chế, dẫn đến việc ứng dụng và triển khai CKS có nơi chưa đạt hiệu quả cao. Sự quyết tâm của lãnh đạo một số đơn vị trong chỉ đạo triển khai, ứng dụng CKS chuyên dùng Chính phủ vào công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp điện tử tại cơ quan đơn vị chưa cao.

Định hướng trong thời gian tới

   Đến nay, việc triển khai, ứng dụng CKS tại các cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An đã được thực hiện đầy đủ, tạo nền tảng cho việc xây dựng chính quyền điện tử các cấp. UBND tỉnh Nghệ An đã đưa phần mềm VNPT-ioffice vào ứng dụng đồng bộ các cơ quan quản lý nhà nước trong toàn tỉnh, phần mềm đã tích hợp ký số trực tiếp văn bản nên rất thuận tiện cho việc ứng dụng CKS để gửi, nhận, quản lý, lưu trữ văn bản điện tử; CKS chuyên dùng và CKS công cộng đã xác thực chéo được với nhau đảm bảo tính đồng bộ trong việc giao dịch điện tử giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh đến tháng 9 năm 2018, CKS sẽ được triển khai đến tận cấp xã/phường/thị trấn và yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước ứng dụng hiệu quả CKS.

   Thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ UBND tỉnh giao triển khai dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan nhà nước tỉnh đạt hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND cấp huyện, xã trong toàn tỉnh.

Tác giả: Võ Trọng Phú - Giám đốc Trung tâm CNTT&TT Nghệ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây