Nghệ An tăng cường họp trực tuyến, xử lý hồ sơ qua mạng đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành trong phòng chống dịch Covid-19

Thứ ba - 22/09/2020 10:46 416 0
Trong thời gian qua, hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có bước chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động. Bước đầu thúc đẩy công tác cải cách hành chính và đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng.
Hạ tầng mạng LAN, WAN và Internet trong các cơ quan Nhà nước được đầu tư tương đối đầy đủ và kết nối liên thông tất cả các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến huyện và xã đáp ứng được nhu cầu trao đổi dữ liệu, kết nối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa liên thông tỉnh Nghệ An hiện tại đã có 22 sở, ban, ngành và 21 huyện, thành, thị tham gia hệ thống I-Gate. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản trên phần mềm VNPT - Ioffice cho 22/22 đơn vị cấp tỉnh, 21/21 UBND cấp huyện, 460/460 UBND cấp xã. Kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ. Hiện toàn tỉnh có 22 sở, ban, ngành, 21 huyện, thành, thị, các chi cục, đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 460/460 xã, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, Bệnh viện Sản - Nhi đã được cấp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Việc tích hợp chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp đã được VNPT hoàn thiện để có thể ký số trực tiếp trên phần mềm VNPT-Ioffice hoặc trên thiết bị di động. Đến nay Nghệ An đã đạt được một số thành quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước như về hạ tầng, nhân lực, tổ chức bộ máy quản lý, triển khai, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp và tại “Bộ phận một cửa”.

Từ đầu năm đến nay, làm việc qua mạng internet vừa để đảm bảo yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, vừa để đổi mới cách làm việc, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Tỉnh ủy, UBND tỉnh các sở, ngành đã tăng cường đẩy mạnh tổ chức hội nghị trực tuyến để giải quyết công việc, kể cả giữa các sở, ngành với địa phương, giữa cấp huyện với cấp xã. Cùng với đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, cách thức sử dụng để thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân truy cập nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến qua mạng internet. Hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch như: Thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí điện, nước, điện thoại, internet, truyền hình cáp...

4 tháng đầu năm 2020 hệ thống điều hành trực tuyến của tỉnh với 26 bộ thiết bị đầu cuối đã tích hợp đầy đủ màn hình hiển thị, camera, âm thanh... được UBND tỉnh Nghệ An sử dụng phục vụ 20 cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với địa phương tăng gấp đôi số lượng cuộc họp trực tuyến so với cùng kỳ năm 2019.
Hop TT Covid 19
UBND tỉnh họp trực tuyến triển khai phòng chống dịch Covid-19
Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã triển khai kết nối liên thông gửi nhận văn bản trên phần mềm VNPT-IOffice cho 22/22 đơn vị cấp sở, 21/21 UBND cấp huyện, 480/480 UBND cấp xã; Kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ. Tổng số tài khoản người dùng được khai báo: 14.577; Tổng số tài khoản người dùng thường xuyên: 14.010; Tính từ 1/1/2020 đến 30/4/2020, tổng số văn bản đến tiếp nhận trên hệ thống là trên 601.081 văn bản, tổng số văn bản đi phát hành trên hệ thống là trên 79.415 văn bản, tỉ lệ người dùng thường xuyên đạt từ 98%-100%, trung bình tỷ lệ văn bản đến được lãnh đạo xử lý đạt từ 50%-100%, trung bình tỉ lệ văn bản đi được lãnh đạo ký số và phát hành đạt từ 50%-100%. Để đảm bảo an toàn thông tin trong giao dịch điện tử, hiện toàn tỉnh có 22 sở, ban, ngành, 21 huyện, thành, thị, 480 xã và 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành, UBND cấp huyện trong tỉnh (trừ ngành Giáo dục và ngành Y tế năm 2020 mới triển khai) đã được cấp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Việc tích hợp chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp đã được VNPT hoàn thiện để có thể ký số trực tiếp trên phần mềm VNPT-Ioffice. Toàn tỉnh có trên 4.000 chứng thư số tập thể, cá nhân được cấp đưa vào sử dụng.

Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nghệ An đã được đưa vào hoạt động từ ngày 10/01/2017. Hiện tại có 22 sở, ban, ngành và 21 huyện, thành, thị tham gia hệ thống I-Gate. Tính đến ngày 10/3/2020, hệ thống đã cung cấp: 1.821 dịch vụ công trong đó, có 1.155 dịch vụ công mức độ 2; 593 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; đã cung cấp 73 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 
Tính từ ngày 10/12/2019 đến 10/3/2020, hệ thống đã tiếp nhận 62.738 hồ sơ (2.018 hồ sơ tiếp nhận online). Trong đó, có 54.374 hồ sơ đã được giải quyết (có 47.697 hồ sơ giải quyết xong trước hạn và đúng hạn; có 6.677 hồ sơ giải quyết quá hạn theo thời gian quy định). Số hồ sơ đang giải quyết: 8.364 hồ sơ
Lam Online
Chuyên viên Sở TT&TT làm việc online, xử lý hồ sơ trên hệ thống phần mềm VNPT-iOffice
Có thể nói, trong 4 tháng đầu năm 2020 cách thức hoạt động, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh bằng việc tăng cường họp trực tuyến, xử lý hồ sơ qua mạng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian làm việc, đảm bảo an toàn thông tin.

Không chỉ trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết hồ sơ trên nền tảng điện tử đã được UBND tỉnh triển khai từ nhiều năm nay với mục tiêu thực hiện thành công Chính quyền điện tử, thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo VNPT hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc VNPTiOffice, hoàn thiện quy trình xử lý văn bản điện tử, ký số trên các thiết bị di động, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng. Theo đó, việc xử lý văn bản điện tử được thực hiện theo một quy trình đầy đủ, khép kín hoàn toàn trên môi trường mạng, từ khâu tiếp nhận, phối hợp, xử lý, trình duyệt đến ký, phát hành văn bản.

Đến nay, Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện/xã cơ bản đã hoàn toàn xử lý công việc trên môi trường mạng. Một số lãnh đạo đơn vị đã sử dụng thiết bị di động (hiện có 23 cá nhân đã ký số trên thiết bị di động) thực hiện ký số phê duyệt văn bản giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ công việc, đảm công việc thông suốt, hiệu quả, nhanh chóng, đặc biệt bảo đảm kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc ở từng khâu, từng cá nhân tham gia xử lý.

Tới đây, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh. Khi các hệ thống này hoàn thiện và kết nối, chia sẻ với nhau sẽ mang lại nhiều lợi ích, là giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Qua đó, góp phần hiện thực hóa lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tỉnh Nghệ An.

Giải pháp trong thời gian tới Nghệ An tăng cường công tác tuyên truyền đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng vận hành Chính quyền điện tử. Tổ chức công bố, hướng dẫn các cơ quan Nhà nước triển khai các hạng mục theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An. Kểm tra, rà soát sự phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An. Đẩy mạnh triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kết nối thông tin các hệ thống cơ sở dữ liệu này lại với nhau. Ưu tiên trong thực hiện triển khai theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 43 của Chính phủ về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Việc triển khai, xây dựng Chính phủ điện tử đã, đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ tại tỉnh Nghệ An.

Tác giả: Võ Trọng Phú - Giám đốc Trung tâm CNTT&TT Nghệ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây