Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo đầu tư cho hạ tầng BCVT, an toàn thông tin

Thứ ba - 16/04/2024 15:20 327 0
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, an toàn thông tin (ATTT) tăng cường đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đảm bảo ATTT.
1
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu lĩnh vực bưu chính, viễn thông, ATTT cần đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm ATTT.
Mạng bưu chính đảm bảo dòng chảy vật chất

Đối với lĩnh vực bưu chính, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chất lượng dịch vụ bưu chính thời gian gần đây giảm. Thương mại điện tử vẫn tăng trưởng với mức cao, tiếp tục là một trong những nước cao nhất trong khu vực ASEAN, nhưng chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng lại chưa đạt.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Bưu chính tiến hành đo lường, công bố chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp (DN) bưu chính và phải làm thường kỳ, có thể nghiên cứu công bố hàng quý hay hàng tháng.

“Nếu không đo, không công bố công khai thì các DN sẽ không cố gắng. Đo lường và công bố chất lượng là một trong những công cụ quản lý nhà nước rất hiệu quả, không chỉ riêng lĩnh bưu chính mà các lĩnh vực khác cũng cần phải làm”.

Vụ Bưu chính cũng cần yêu cầu DN bưu chính đầu tư vào mạng lưới, công cụ quản lý, chất lượng lao động để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bộ TT&TT đã ban bố một chiến lược quốc gia về hạ tầng TT&TT, trong đó đã xác định mạng bưu chính là hạ tầng quan trọng, đảm bảo dòng chảy vật chất, bên cạnh dòng chảy dữ liệu. “Vụ Bưu chính làm rõ nội hàm về hạ tầng bưu chính và hướng dẫn các DN bưu chính thực hiện đầu tư”, Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định: “CĐS bao nhiêu thì bưu chính càng quan trọng bấy nhiêu. Theo đó, DN bưu chính cần phải quan tâm đến hạ tầng, kho bãi, phương tiện vận chuyển, có thể tiến tới mua máy bay. Đây là lực lượng đảm bảo dòng chảy vật chất”.

Lĩnh vực hiện có khoảng hơn 800 DN hoạt động bưu chính. Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cũng là việc quan trọng, Bộ trưởng yêu cầu “Vụ Bưu chính làm rõ các tiêu chí về cạnh tranh lành mạnh giống như việc báo chí nêu rõ thế nào là dấu hiệu báo hóa tạp chí, hay báo hóa mạng xã hội, trang tin tổng hợp và công bố dấu hiệu đó để toàn dân giám sát. Sau đó, Vụ Bưu chính thực hiện giám sát thị trường và xử lý các hành vi không lành mạnh”.

Chú trọng nâng cao chất lượng 4G

Về chất lượng mạng lưới viễn thông, Bộ trưởng cho rằng chất lượng mạng lưới, dịch vụ di động đang trở thành vấn đề rất nóng. Các nhà mạng qua thời gian khá dài chưa thông qua được chiến lược nên không đầu tư.

“Các nhà mạng vừa phải đầu tư thêm cho mạng 4G vừa đầu tư mới 5G thì mới đảm bảo được chất lượng. 5G được nói nhiều, nhưng thực sự tại Việt Nam thì phải đến năm 2030 dung lượng chủ yếu vẫn là 4G, nhanh thì năm 2029, lưu lượng và thuê bao 5G mới vượt 4G”.

Mạng 4G đang là mạng chính của Việt Nam nhưng không có tần số thấp để phủ sóng, Bộ trưởng nêu yêu cầu xem xét đấu thầu tần số 700MHz để triển khai đảm bảo chất lượng cho mạng 4G.

Bộ TT&TT cũng sẽ tiến hành đo lường, chất lượng mạng lưới và công bố công khai hàng tháng. Cục Viễn thông thực hiện việc này bài bản, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, nghiên cứu ban hành kế hoạch về nâng cao chất lượng mạng di động Việt Nam với việc học hỏi kinh nghiệm các nước để quý II năm 2024 ban hành.

Năm 2024 là năm thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng yêu cầu: “Các nhà mạng vừa dùng 5G để nâng cao chất lượng dịch vụ di động, nhưng cũng dùng 5G để triển khai những dịch vụ mới, nhất là cho các khu công nghiệp, nhà máy. Nhà mạng làm nền tảng và hợp tác với các DN công nghệ số để cung cấp các ứng dụng số mới. Đây là bài học rất lớn của Úc”.

“Cục Viễn thông nghiên cứu các mô hình kinh doanh mới trên thế giới, có khuyến nghị áp dụng vào Việt Nam một cách chính thức. Cục Viễn thông không chỉ quản lý về kỹ thuật mà còn đề xuất các mô hình kinh doanh, chia sẻ hạ tầng trong lĩnh vực viễn thông”, Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng cũng lưu ý đầu tư vào hạ tầng số, trong đó có trung tâm dữ liệu (TTDL) và đám mây (cloud). Theo nhận định của Bộ trưởng, “Các DN vừa qua đã tích cực đầu tư, đã xuất hiện những TTDL mới, hiện đại nhưng đầu tư TTDL lớn mà chỉ cung cấp dịch vụ cho thuê vị trí (colocation) tới 80 - 90%. Điều này không khác gì cho thuê nhà. Các DN làm TTDL phải phát triển, cho thuê các dịch vụ cloud.

Cùng với đó, Cục Viễn thông cũng sớm ban hành các yêu cầu về các TTDL, đặc biệt là các TTDL xanh vì TTDL tiêu tốn nhiều năng lượng trong khi ngành cần phải chuyển đổi xanh.

Cũng về lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng yêu cầu Cục Tần số Vô tuyến điện và Tập đoàn VNPT cần sớm trình phương án phóng vệ tinh mới lên không gian vì vệ tinh Vinasat-1, 2 đã hết thời hạn. “Có một số khó khăn, Bộ TT&TT sẽ có hỗ trợ tối đa để tạo điều kiện cho VNPT tháo gỡ khi hiện đã có hướng giải quyyết. Việc phóng vệ tinh của Việt Nam là để bảo đảm an ninh quốc gia".

Một nội dung nữa người đứng đầu ngành TT&TT lưu ý là lĩnh vực phải xử lý triệt để SIM rác. Từ 15/4, nếu phát hiện SIM rác thì DN viễn thông chịu trách nhiệm toàn bộ. Bộ TT&TT có thể dừng các nhà mạng phát triển thuê bao nếu như phát hiện SIM rác. "Câu chuyện xử lý SIM rác đã làm hết, giờ chỉ còn chuyện các nhà mạng thực hiện. Bộ TT&TT sẽ xử lý mạnh".

Củng cố hệ thống ATTT

Về ATTT mạng là điểm nóng thời gian qua, Bộ trưởng cho biết các cuộc tấn công gần đây cảnh báo về những rủi ro, thiệt hại có thể lớn đến mức nào khi tổ chức, DN bị tấn công.

"Vừa qua là đợt tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền. Ba cuộc tấn công, mỗi tuần 1 cuộc rất đều đặn, mà dữ liệu đều bị mã hóa hết. Đây cũng là dịp rất tốt để nhìn lại hệ thống ATTT của chúng ta, cũng là dịp để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, tất cả các DN, tổ chức về ATTT, an ninh mạng”.

Trước đây, theo Bộ trưởng, việc ATTT nói nhiều nhưng “nước đổ lá khoai” vì cứ tưởng chuyện ở đâu đâu. Năm 2018, Vietnam Airlines bị tấn công không mất tiền nhưng gây xôn xao, có tác động rất lớn, giúp thay đổi nhận thức của nhiều người Việt Nam về ATTT.

Sau những vụ tấn công vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng có chỉ thị về nâng cao ATTT. “Các Bộ, ngành, địa phương, các DN, các đơn vị trong Ngành phải quán triệt Chỉ thị này. Cục ATTT đã ban hành ngay các hướng dẫn để thực hiện, đặc biệt chú ý đến khả năng chống chịu, phục hồi hệ thống vì chúng ta sẽ khó tránh khỏi bị tấn công, quan trọng là khả năng phục hồi”.

“Đầu tư về CĐS, CNTT bao giờ cũng phải kèm theo cấu hình về an toàn, an ninh mạng, và với chi phí ít nhất 10%”, Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng yêu cầu Cục ATTT nhanh chóng đầu tư nâng cấp hệ thống cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cập nhật, hiện đại, công nghệ mới nhất và như một hệ thống mẫu quốc gia. Trung tâm có hai chức năng quan trọng vừa giám sát thông tin trên không gian mạng, bảo vệ chế độ và vừa giám sát tấn công mạng, hỗ trợ khi bị tấn công, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Đây là yêu cầu số một của Bộ trưởng với Cục ATTT. Cùng với đó là các lực lượng ATTT trên toàn quốc phải trở thành 1 khối thống nhất, 1 mạng lưới.

“Mong các đơn vị trong Ngành tăng cường làm đến tận cùng, không va chạm thì quản lý nhà nước sẽ không lên tay được”, Bộ trưởng cho biết.

Phát triển kinh tế ngành, hộ gia đình

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã lưu ý các nội dung công tác không để chậm, muộn. Các đơn vị liên quan cần có kế hoạch hành động để nâng cao vùng phủ sóng vùng sâu xa. Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) phổ cập mỗi hộ cá nhân có một tên miền để kinh doanh trên mạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: không để các công tác bị chậm, muộn.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ chủ đề CĐS là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
3
Thứ trưởng Phạm Đức Long: DN công nghệ số tham gia đồng hành dẫn dắt đi cùng các bộ, ngành để thúc đẩy kinh tế ngành.
Theo đó, Thứ trưởng Phạm Đức Long lưu ý CĐS kinh tế ngành là sử dụng các ứng dụng số để phát triển kinh tế ngành. CĐS kinh tế ngành liên quan đến sử dụng trợ lý ảo để hỗ trợ quản trị. “DN công nghệ số tham gia đồng hành dẫn dắt, đi cùng các bộ, ngành để thúc đẩy kinh tế ngành, xây dựng ứng dụng số, đưa các tiện ích số vào sử dụng mới CĐS được”.

Thứ trưởng cũng lưu ý: “Cần tạo ra các gói cước trả trước cho chữ ký số (CKS) giống như thuê bao di động, để thúc đẩy người dân sử dụng nhiều. CKS phát triển mới phát triển được dịch vụ số”./.

Tác giả: Hoàng Linh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây