Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Thứ ba - 23/04/2024 16:011.1960
Chiều 22/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị.
Giám sát được 100% sản lượng thuỷ sản khai thác, không có sản phẩm thuỷ sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang quán triệt các nội dung trọng tâm về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Theo đó, để đẩy mạnh công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bảo đảm phát triển bền vững ngành thuỷ sản, tại Chỉ thị số 32-CT/TW, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội xác định công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển bền vững ngành thuỷ sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thuỷ sản. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; bảo đảm công cụ, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chấp pháp trên biển. Bảo đảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản trên các vùng biển; giám sát được 100% sản lượng thuỷ sản khai thác trên biển, tại cảng; không có sản phẩm thuỷ sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước Châu Âu và EU, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng"; không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước. Thúc đẩy đàm phán, ký kết phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước...
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các tỉnh, thành: Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Thanh Hóa,... tập trung thảo luận chỉ rõ những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư đạt kết quả cao với mục tiêu trước mắt là tháo gỡ ”thẻ vàng” EC và lâu dài là phát triển ngành thuỷ sản xanh, bền vững.
Quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên địa bàn gắn trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, cán bộ quản lý
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Nghệ An xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách. Làm tốt nhiệm vụ này vừa góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam vừa đảm bảo phát triển ngành thủy sản xanh, bền vững. Từ năm 2019 đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, tỉnh Nghệ An đã tích cực, nghiêm túc triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tính đến ngày 16/4, 2.317/2.564 tàu cá đã được cấp đăng ký (đạt 90,37%); 986tàu cá đã cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm còn hạn là 6 tàu (đạt 90,79%).
Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát các tàu cá hoạt động trên biển. Thông báo các tàu cá bị mất tín hiệu kết nối giám sát hành trình quá 06 giờ trên biển, vượt ranh giới cho phép trên biển cho các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định. Đến nay, 100% tàu cá đang hoạt động khai thác đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (số lượng tàu cá lắp đặt 1.054/1.086 chiếc phải lắp đặt (đạt 97,05%), 32 chiếc còn lại hiện nằm bờ không đi khai thác).
Toàn tỉnh có 04 cảng cá, trong đó có 03 cảng cá là cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản. Công tác giám sát sản lượng thuỷ sản qua cảng đã được Ban Quản lý cảng cá thực hiện theo đúng quy trình và ngày càng nghiêm túc hơn.
Thực hiện Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 04/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, để kiểm soát sản lượng khai thác toàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã vào cuộc tăng cường giám sát tàu cá cập các bến cá tư nhân, thống kê sản lượng để theo dõi, quản lý. Nhờ đó tỷ lệ giám sát sản lượng khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh đã tăng lên, hiện tại giám sát được 42,46% sản lượng khai thác (năm 2023 mới đạt 8%).
UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thị xã ven biển chủ trì xác minh, xử phạt dứt điểm các tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trong năm 2023; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì xác minh xử lý các tàu cá mất kết nối từ đầu năm 2024 đến nay; Sở NN&PTNT xử lý tàu cá “3 không”. Thời gian qua, công tác xử lý lỗi mất kết nối giám sát hành trình đã được triển khai quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng ngư dân. Số trường hợp mất kết nối giảm, thuyền trưởng đã có ý thức về thực hiện duy trì kết nối, thông báo vị trí mất kết nối về Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, xác minh, xử lý đến cùng đối với tàu cá mất kết nối giám sát hành trình, tàu cá khai thác sai vùng... Quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là đội tàu cá “3 không”, tàu cá “nằm bờ” gắn trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, cán bộ quản lý. Thành lập các Đoàn liên ngành tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU.
Phó Bí thư Tỉnh ủy kiến nghị Trung ương nghiên cứu và có các quy định cụ thể về lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh cũng như các chế độ, chính sách cho lực lượng này; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, nạo vét luồng lạch đảm bảo tàu cá hoạt động hiệu quả và an toàn.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao việc cam kết của các địa phương sẽ thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản và Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị về nội dung này, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, để tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản, EC đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị gồm: Hoàn thiện thể chế, kiểm soát đội tàu khai thác, tăng cường thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần vượt qua được thách thức, xử lý vi phạm ở mức độ hợp lý, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, tin tưởng rằng khi nhận thức đầy đủ thì sẽ hành động quyết liệt; về lâu dài cần quan tâm tạo sinh kế phù hợp, bền vững nâng cao được đời sống cho ngư dân; có chính sách bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài trên cơ sở đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam...