Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Thủ tướng: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột, động lực quan trọng phát triển nhanh, bền vững
Thứ sáu - 29/12/2023 09:511.4590
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh chủ đề chuyển đổi số năm 2024: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp, công nghệ thông tin; số hoá các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Chiều 28/12, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức Phiên họp tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
TỐC ĐỘ KINH TẾ SỐ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN NHANH NHẤT ĐÔNG NAM Á
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ năm 2020 - 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75.
Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%.
Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam tăng khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu đến năm 2025, trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành, 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao và 17 mục tiêu cần phải tiếp tục nỗ lực. Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 81%.
Cơ quan nhà nước đã đưa vào vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu quốc gia. Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục cơ sở dữ liệu đạt 64%. Trong giai đoạn 2021-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng di động tại 2.433/2.853 vùng lõm sóng.
Đến hết năm 2023, triển khai 81% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến. Về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 38,3%, ước tính tiết kiệm gần 37 triệu giờ làm việc, tương đương 1.274 tỷ đồng.
Kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần tăng GDP. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt trên 77%, người trưởng thành Việt Nam có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, tăng 51% so năm 2022.
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số; chia sẻ một số bài học kinh nghiệm; nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất, kiến nghị các giải pháp.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ TỔNG THỂ, TOÀN DIỆN, HIỆU QUẢ
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Hoạt động chuyển đổi số trong năm 2023 đã đạt được trên 6 điểm nổi bật, hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thủ tướng trân trọng cảm ơn, đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trong năm 2023; đồng thời yêu cầu thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, yếu kém; đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Nhấn mạnh phương hướng chuyển đổi số năm 2024, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ đề: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp, công nghệ thông tin; số hoá các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Quan điểm chuyển đổi số là phải luôn có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược trong chuyển đổi số. Vì vậy, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, với phương pháp khoa học, bám sát thực tiễn, kế thừa kết quả đạt được, tạo đột phá toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phát triển kinh tế số lấy tri thức và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ yếu, công nghệ số làm động lực cốt lõi và hạ tầng số hiện đại làm nền tảng quan trọng; đẩy nhanh công cuộc cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, mô hình quản trị, văn minh, hiện đại.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế số; xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút tận dụng mọi nguồn lực nhằm phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, ứng dụng số, dữ liệu số đồng bộ, hiện đại, có tính liên thông cao, làm cơ sở cho phát triển thương mại điện tử, dịch vụ số thuận tiện.
Phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn số lượng, tập trung vào 4 ưu tiên chính: công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông; số hoá các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động; quản trị số, đảm bảo cho sự phát triển nhanh; dữ liệu số; khai thác toàn diện, hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 và tổ chức thực hiện hiệu quả. Hoạt động của Uỷ ban và các Ban Chỉ đạo phải thực chất, tránh hình thức.
Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế và chính sách cho chuyển đổi số quốc gia; kiểm tra, giám sát, đo lường việc chuyển đổi số, qua đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn.
Các bộ, ngành tiếp tục xây dựng các lộ trình hoàn thiện các hoạt động chuyển đổi số theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các ngành tổ chức phiên họp chuyên đề theo nhiệm vụ của các ngành.