Phải có chiến lược bài bản chuyển đổi số quốc gia

Thứ năm - 14/11/2024 16:47 71 0
Để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
1
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự Diễn đàn Quốc gia phát triến kinh tế số và xã hội số lần thứ II, diễn ra tại Bình Dương vào sáng 14/11 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự Diễn đàn Quốc gia phát triến kinh tế số và xã hội số lần thứ II diễn ra tại Bình Dương vào sáng nay (14/11).

Với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động", diễn đàn là sự kiện quan trọng, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế số, xã hội số.

Diễn đàn hướng tới đẩy mạnh sáng tạo các ứng dụng số Việt Nam và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số để góp phần giải quyết bài toán về nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Tham dự diễn đàn có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế và lãnh đạo một số doanh nghiệp trong và ngoài nước.
2
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, toàn cầu - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.
Lan tỏa sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội

Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số đạt được nhiều kết quả tích cực, lan tỏa sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa; tác động đến từng doanh nghiệp, từng người dân, làm thay đổi quan niệm kinh doanh, thói quen, hành vi tiêu dùng, sinh hoạt, học tập, làm việc; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Từ tháng 10/2024, Việt Nam đã chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G. Đây là cơ hội lớn để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số vào tất cả các ngành, lĩnh vực; ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới hiện đại như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, thực tế ảo, thực tế tăng cường nhằm thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.

Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. Cụ thể, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.

Công nghiệp công nghệ thông tin có bước phát triển, tạo tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực. Với 51.000 doanh nghiệp công nghệ số đã tạo ra 1,5 triệu việc làm; doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỷ USD, tăng 17,8%; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu các sản phẩm công nghệ số 9 tháng ước đạt 100,8 tỷ USD, tăng 18,3%; nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỷ USD…

Số hóa các ngành kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong tối ưu hóa quy trình quản lý, đầu tư, xây dựng, sản xuất, cải thiện hiệu quả kinh doanh, cung cấp dịch vụ khách hàng, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật; thương mại điện tử có bước phát triển mạnh mẽ, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (doanh thu năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 23%; dự kiến năm 2024 đạt 27,7-28 tỷ USD, tăng 36% - cao nhất 10 năm qua); thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp cả nước...

Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hình thành xã hội số, công dân số, nổi bật trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, chi trả an sinh xã hội, tư pháp…; mới đây đã triển khai trên toàn quốc việc tích hợp Sổ sức khỏe điện tử và cung cấp phiếu lý lịch tư pháp trong nền tảng VNeID.
3
Diễn đàn là sự kiện quan trọng, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế số, xã hội số - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.

Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là xu thế tất yếu, khách quan

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả tích cực đạt được của bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được chúng ta phải thắng thắn, nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải tiếp tục được đẩy mạnh tháo gỡ trong thời gian tới.

Nổi lên là, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số nhiệm vụ trọng tâm; kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng; phát triển dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu"; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đạt mục tiêu đề ra; nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội còn nhiều bất cập, chưa thường xuyên, liên tục, trọng tâm, trọng điểm;…

Nhấn mạnh đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã có bài viết rất quan trọng về "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới" – đây là định hướng quan trọng, kim chỉ nam cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, toàn cầu, là sự lựa chọn mang tính chiến lược; vừa có thời cơ thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức. Quan trọng là chúng ta phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững.

Để công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.
4
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thăm gian hàng công nghệ tại diễn đàn - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.
Cụ thể, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động phù hợp điều kiện thực tiễn cùng với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội; xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Triển khai có hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, gắn với chủ đề của năm 2024: "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững". Tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên chính: Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo; quản trị số; phát triển dữ liệu số.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế số, xã hội số, sự tham gia của tất cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, người dân và đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa trên môi trường số, kiến tạo môi trường số văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn; nhất là cho thế hệ trẻ là những con người đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
5
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.

Tăng cường nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia

Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, cơ quan liên quan, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết là đổi mới dư duy, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế số, cơ chế, chính sách ưu đãi, vượt trội thúc đẩy cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và phát triển kinh tế số, xã hội số nói riêng.

Tập trung phát triển công nghệ số, dữ liệu số chất lượng cao; đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực mới, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…; đẩy mạnh tích hợp vào tất cả các hệ thống thông tin, các ứng dụng số, để cộng đồng doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số nhanh nhất, rẻ nhất, tiện lợi nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất.

Thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng các sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam" với giá thành rẻ hơn, tốt hơn, dễ tiếp cận hơn. Sản phẩm "Make in Viet Nam" phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tạo năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm số.

Huy động các nguồn lực cho thúc đẩy nghiên cứu và phát triển; các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân phải tăng cường liên kết, hợp tác để nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, thúc đẩy phát triển nhân lực số, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi và Đề án phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn.
6
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các đại biểu dự diễn đàn - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong muốn thông qua sự kiện này, các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và đại diện bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp nhận được nhiều bài học, kinh nghiệm quý, lan tỏa khát vọng chuyển đổi số quốc gia.

"Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cơ quan, người dân và doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số với phương châm: Rộng hơn - Toàn diện hơn - Nhanh hơn - Chất lượng hơn - Thiết thực hơn", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình bày tỏ.

Diễn đàn sẽ diễn ra tới hết buổi chiều ngày 14/11 với 3 phiên chuyên đề thảo luận. Cụ thể: Phiên chuyên đề 1 có chủ đề "Thúc đẩy ứng dụng cộng nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị; phiên chuyên đề 2 với chủ đề "Ứng dụng công nghệ số - lực đẩy cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo"; phiên chuyên đề 3 với chủ đề "Sáng tạo số, AI và dịch vụ".

Tác giả: Nguyễn Hoàng

Nguồn tin: Báo điện tử Chính phủ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây