Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ
Thứ năm - 11/07/2024 09:005720
Chiều 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Lê Bá Hùng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TT&TT chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh và Tổ công tác giúp việc cho Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Tổ công tác Đề án 06 tỉnh và Tổ giúp việc.
63/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, các Bộ, ngành đã nỗ lực, tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi); Chính phủ thông qua và đề xuất xây dựng 02 Luật, ban hành 10 Nghị định. Các địa phương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số. Hiện nay, 63/63 địa phương đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Các cơ quan nhà nước tiếp tục tạo lập, khai thác sử dụng, vận hành các Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Các CSDL quốc gia thường xuyên được phát triển, tạo lập, chia sẻ, khai thác dữ liệu tốt, hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Điển hình như: Dữ liệu về dân cư, dữ liệu về đất đai, dữ liệu về bảo hiểm, dữ liệu về cán bộ công chức và viên chức.
Về phát triển hạ tầng số tiếp tục được tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh. Hạ tầng cáp quang với trên 1 triệu km được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường trên cả nước; 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Sóng di động 4G đã phủ tới 99,8% dân số tại tất cả các vùng miền của Tổ quốc và 100% các xã, phường trên cả nước. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc…
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đối với các dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); Bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%). Trong 06 tháng đầu năm, có hơn 13,9 triệu hồ sơ thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 7,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4.620 tỷ đồng (tương đương 34,9% giao dịch, 48,6% giá trị thanh toán trực tuyến của cả năm 2023)…
Về triển khai Đề án 06, với 656 nhiệm vụ phải hoàn thành theo lộ trình, đến nay, đã hoàn thành 244 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 122 nhiệm vụ, đang triển khai 238 nhiệm vụ. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Cụ thể có 43/76 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình.
100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 Bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, đồng bộ trên 670 triệu thông tin công dân để làm giàu dữ liệu dân cư, cập nhật thường xuyên “đúng, đủ, sạch, sống”…
Toàn tỉnh Nghệ An đã kích hoạt 1,9 triệu tài khoản định danh, điện tử
Tại Nghệ An, để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án theo chỉ đạo của Tổ công tác Chính phủ, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành 01 Chỉ thị, 07 kế hoạch, 39 quyết định, 40 công văn chỉ đạo, trong đó đề ra các giải pháp với quyết tâm chính trị cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo (12/27 nhiệm vụ hoàn thành; 9/27 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên; 5/27 nhiệm vụ đang triển khai; 01/27 nhiệm vụ chưa hoàn thành).
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã số hóa đạt tỷ lệ 78,91% hồ sơ TTHC và 75,5% kết quả giải quyết TTHC. Số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đạt 45,8%; 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án tiếp nhận, giải quyết trực tuyến đạt 88,41%; toàn tỉnh đã khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu dân cư với 260.085 lượt trong giải quyết TTHC. Toàn tỉnh đã kích hoạt 1,9 triệu tài khoản định danh, điện tử.
Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư tiếp tục được thực hiện quyết liệt, đặc biệt ở những ngành có tác động lớn đến kinh tế - xã hội như: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngành Thuế, Ngành Tư pháp, Ngành TN&MT, Ngành LĐTB&XH... Ngoài ra, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và các hội để làm sạch dữ liệu chuyên ngành, số hoá và cập nhật vào Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 1.749.434 dữ liệu…
Tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Đề án 06. Các cơ quan liên quan đã chuẩn bị báo cáo đầy đủ, kỹ lưỡng, rõ số liệu; công tác chỉ đạo điều hành bài bản hơn, bám sát thực tiễn hơn, hiệu quả hơn, mang lại thiết thực hơn; công tác tổ chức từ Trung ương đến địa phương được triển khai đồng bộ, tích cực, quyết liệt; niềm tin của nhân dân trong chuyển đổi số được củng cố, tăng cường và nâng lên… Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người". Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 thời gian qua cần phải khắc phục.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện lại báo cáo, thống nhất triển khai trong thời gian tới; đồng thời chỉ rõ những nội dung làm được, những nội dung chưa làm được, đơn vị nào làm tốt, đơn vị nào chưa tốt; xác định triển khai chuyển đổi số với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ kết quả”.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số, tức là phát triến kinh tế số và đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, luôn cầu thị, lắng nghe phản ánh của người dân và doanh nghiệp, phải nói thật làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại và không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là người yếu thế, người có công với cách mạng, người già yếu.
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho Bộ, ngành, địa phương mình, đồng thời chia sẻ cơ sở dữ liệu này với các Bộ, ngành, địa phương và tập trung về Cơ sở dữ liệu quốc gia để từ đó yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công việc này. Về nội dung này, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Công an phối hợp triển khai thực hiện.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành được sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết TTHC thông qua chuyển đổi số. Khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng.
Các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số khẩn trương hoàn thành trước ngày 20/7 để chỉ đạo, điều hành triển khai chuyển đổi số hiệu quả.
Cùng với đó, đẩy mạnh số hóa làm giàu dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương, xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử trong bán lẻ, trực tiếp. Rà soát xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Tăng cường đào tạo, tập huấn chuyển đổi số cho các cấp, các ngành, các đồng chí lãnh đạo.
Về dịch vụ công trực tuyến, sớm ban hành triển khai 03 dịch vụ công thiết yếu còn lại, nhất là tích hợp, công bố nhóm TTHC, đăng ký thành lập hộ kinh doanh, đăng ký thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư, người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo; giải quyết TTHC cấp tỉnh…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ, ngành trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 trong thời gian tới.