Công nghệ số giúp chính quyền địa phương 2 cấp hiệu quả, phục vụ tốt hơn

Thứ ba - 15/07/2025 16:19 8 0
Trong tiến trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Trung ương, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm bảo đảm bộ máy vận hành thông suốt. 
1
Phường Thủ Đức (TPHCM) đưa robot vào phục vụ hành chính - Ảnh: VGP.
Kinh nghiệm từ địa phương tiên phong

TPHCM là một điển hình cho thấy nếu chuẩn bị bài bản và vận hành đúng hướng, công nghệ có thể trở thành công cụ then chốt giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết, đến nay, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của TPHCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Sau sắp xếp, TPHCM hiện có diện tích tự nhiên hơn 6.772 km², dân số hơn 14 triệu người; số cơ quan chuyên môn giảm từ 21 xuống còn 15, giảm 28,5%; đơn vị hành chính cấp xã còn 168, giảm 61,9%. 

Nhờ sự chuẩn bị từ sớm, xây dựng các kịch bản và tình huống giả định, TPHCM đã vận hành thành công 168 Ủy ban nhân dân phường, xã, đặc khu sau sắp xếp. Hạ tầng công nghệ được bảo đảm, từ hệ thống đường truyền đến nền tảng phục vụ hội nghị trực tuyến, kết nối thành phố với cơ sở. Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận và xử lý phản ánh qua Cổng 1022, cùng hệ thống quản lý văn bản điều hành cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Đặc biệt, Thành phố đã cắt giảm và đơn giản hóa 298 thủ tục hành chính, tiết kiệm được 1.944 ngày làm việc, tương đương hơn 15.500 giờ làm việc.

Theo Sở KH&CN TPHCM, trong 2 tuần đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hệ thống hành chính đã tiếp nhận và xử lý hơn 115.000 hồ sơ, trong đó cấp xã chiếm hơn 71.000 hồ sơ. Tổng đài 1022 xử lý trên 4.200 yêu cầu, hệ thống văn bản điều hành tiếp nhận gần 12.000 văn bản.

Từ thực tế triển khai, TPHCM rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Trước hết, sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ cấp cao nhất, cùng với cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên và hỗ trợ chuyên môn kịp thời từ các bộ, ngành Trung ương là yếu tố then chốt bảo đảm tiến độ và chất lượng triển khai.

Ông Lâm Đình Thắng cho hay, ngay từ khi có chủ trương, Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các địa phương Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Trung tâm Chuyển đổi số để bắt tay triển khai từ tháng 3/2025. Nhờ vậy, TPHCM không bị động khi kế hoạch thay đổi so với mốc dự kiến ban đầu.

Bên cạnh đó, việc chia giai đoạn công việc hợp lý giúp Thành phố tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng số thiết yếu, ưu tiên vận hành các hệ thống cốt lõi, hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số dùng chung. Các doanh nghiệp công nghệ lớn cũng được huy động để hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở.

TPHCM cũng nhanh chóng củng cố nhân sự chuyên trách về chuyển đổi số. Hàng nghìn cán bộ, công chức tại 168 phường, xã mới được tổ chức tập huấn cấp tốc để có thể vận hành hệ thống ngay từ ngày đầu triển khai...

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, TPHCM vẫn đối mặt với không ít thách thức trong quá trình triển khai mô hình hai cấp. Khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn, yêu cầu phải linh hoạt điều chỉnh tình huống phát sinh; cơ sở vật chất tại một số địa phương chưa đồng bộ; tâm lý cán bộ ảnh hưởng do thay đổi địa bàn, vị trí công tác; hạ tầng số chưa đồng đều. 

Về mặt công nghệ, thách thức lớn nhất trong quá trình sáp nhập là việc đồng bộ và hợp nhất cơ sở dữ liệu từ nhiều hệ thống phân mảnh trước đây. Đặc biệt là các dữ liệu chuyên ngành như là hộ tịch, cấp phép kinh doanh, thuế, dân cư…. Việc này rất cần sự kết nối, điều phối của Bộ KH&CN và sự phối hợp của các cơ quan Trung ương, bộ, ngành để thực hiện chuẩn hóa, bảo đảm vận hành ổn định trong thời gian sắp tới.

Thúc đẩy chuẩn hóa, tích hợp dữ liệu toàn quốc

Để hỗ trợ các địa phương trên cả nước, thời gian qua, Bộ KH&CN đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, phiên bản 4.0, trong đó điều chỉnh các hệ thống thông tin theo hướng phù hợp với mô hình tổ chức mới (trung ương, tỉnh, xã), không tổ chức cấp huyện. 

Đồng thời ban hành hướng dẫn triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số, đồng thời kiến tạo hệ thống dữ liệu liên thông giữa cấp xã, cấp tỉnh và Trung ương. Tích hợp, tiếp nhận 100% hồ sơ dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp từ Cổng Dịch vụ công quốc gia; sẵn sàng dừng Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh ngay khi địa phương có yêu cầu và cam kết hoàn thành việc điều chỉnh, tích hợp hệ thống để đảm bảo vận hành ổn định trước ngày 01/7/2025...

Một điểm nổi bật là Bộ KH&CN đã đặt hàng, giao nhiệm vụ các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam để nghiên cứu, phát triển các nền tảng trợ lý ảo chuyên biệt. Cụ thể là 4 trợ lý ảo nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công vụ, hỗ trợ người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, tra cứu thông tin pháp lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. 

Việc đưa trợ lý ảo AI vào sử dụng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp diễn ra thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn.

Trên cơ sở các định hướng chung, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết, Bộ sẽ xây dựng, ban hành Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số, bảo đảm tính kết nối, đồng bộ, liên thông giữa các khối cơ quan (Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội), phù hợp với mô hình chính quyền từ Trung ương đến cấp xã.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung Quyết định số 08/2023/QĐ-TTg để thống nhất mô hình quản lý, đầu tư Mạng truyền số liệu chuyên dùng tập trung từ Trung ương đến xã; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng, triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) bảo đảm kết nối liên thông, khai thác hiệu quả các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bộ cũng sẽ xây dựng Khung theo dõi đánh giá tiến độ, hiệu quả hoạt động chuyển đổi số trong hệ thống chính trị và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tích hợp lên Hệ thống thông tin Nghị quyết 57 của Trung ương.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ, bưu chính giải quyết các vướng mắc của các địa phương về hoàn thiện các hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị, kết nối, phần mềm dùng chung phục vụ hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp.

Về triển khai dịch vụ công trực tuyến, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh, Bộ KH&CN sẽ nghiêm túc triển khai, bảo đảm hiệu quả, thực chất, trong đó rà soát và kiên quyết không để tình trạng yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp với dữ liệu đã có trong các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, hộ tịch, đất đai, bảo hiểm, tránh phát sinh chi phí và thời gian không cần thiết.

Bộ cũng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các địa phương rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa và cung cấp toàn bộ các thủ tục hành chính (dịch vụ công trực tuyến) thuộc phạm vi quản lý thực hiện tại 2 cấp chính quyền địa phương theo mô hình triển khai tập trung, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tác giả: Thu Giang

Nguồn tin: Báo điện tử Chính phủ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây