Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 8 kinh nghiệm để chuyển đổi số hiệu quả
Thứ năm - 25/04/2024 09:303370
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) đã nhấn mạnh 8 kinh nghiệm quý để thúc đẩy CĐS quốc gia tại phiên họp thứ 8 của Uỷ ban ngày 24/4/2024.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam đã bước vào năm thứ 5 thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, trong đó năm 2024 có chủ đề "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế -xã hội nhanh và bền vững".
Bộ trưởng cho biết 4 năm triển khai Chương trình CĐS Quốc gia vừa qua đã mang lại một số kinh nghiệm quý để tìm ra các cách làm hiệu quả.
Thứ nhất vẫn là vấn đề "tiền đâu" và "tiêu được tiền". Trong tháng 5 này, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện quy định về nguồn tiền thường xuyên và Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện Nghị định về "cách tiêu tiền" ra sao cho khả thi và không xảy ra tai nạn.
Thứ hai là thí điểm cho đến nơi, cho thành công rồi “copy” ra cả nước. CĐS thì phải làm 100% mới hiệu quả, nguồn nhân lực để làm cả nước không đủ bởi vậy cần phải tập trung làm thí điểm 1 - 2 tỉnh, 1 - 2 bộ ngành, làm cho đến tận cùng, làm cho đến thành công, cho thuận tiện, dễ làm, làm cho hiệu quả và làm trên nền tảng số rồi từ đó làm nhanh ra khắp cả nước.
Trong quý II này, Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT sẽ tổng kết mô hình thành công về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại 1 tỉnh, mô hình thành công về Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại 1 tỉnh, mô hình thành công về CĐS cấp bộ, ngành tại 1 bộ, ngành để cuối quý II sẽ phổ biến, nhân rộng ra toàn quốc.
“Và khi thí điểm thành công đến giai đoạn nhân rộng ra toàn quốc thì đây là bắt buộc”, Bộ trưởng nói.
Thứ ba, theo Bộ trưởng, thời CNTT thì tất cả các bộ, ngành và các địa phương đều làm phân tán và hầu như không có các hệ thống, nền tảng dùng chung toàn quốc. Vậy nên, các nơi cứ tự làm từ A đến Z nhưng thời CĐS xuất hiện các nền tảng dùng chung toàn quốc gọi là các nền tảng Trung ương, bởi vậy, phải làm rõ cái gì là trung ương, cái gì là địa phương. Trong quý II, Bộ TT&TT sẽ phải làm rõ cái gì là Trung ương, cái gì là địa phương để cho các địa phương yên tâm biết cái này là mình phải làm.
Thứ tư, Bộ trưởng cho biết: “Trong quý II này Bộ TT&TT sẽ phải làm rõ những cái cơ bản nhất của việc CĐS cấp tỉnh, cấp Bộ, ngành làm gì và có hướng dẫn chi tiết, cái gì, làm như thế nào và ai làm và bao giờ xong, cả về CĐS, cả về kinh tế số, cả về dữ liệu số”.
“Nếu chúng ta không thúc đẩy CĐS bằng cách như thế này thì CĐS sẽ chỉ lỗ chỗ một vài nơi và một khi đã khởi động được những cái cơ bản nhất trên toàn quốc thì các bộ, ngành, địa phương sẽ tự tin và tự làm những cái mình làm”.
Thứ năm, trí tuệ nhân tạo (AI) đã vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi và chúng ta phải đưa được một số ứng dụng AI mẫu vào trong các cơ quan nhà nước ngay trong năm nay. Trong quý II, Bộ TT&TT sẽ đưa ra một số ứng dụng AI mẫu để áp dụng rộng rãi.
“Ứng dụng AI thì cần lưu ý, AI càng hẹp thì càng dễ huấn luyện, càng thông minh và càng hiệu quả và AI của mình thì phải nên đưa dữ liệu của mình vào. AI để người khác huấn luyện dựa trên dữ liệu của người khác thì giống như người giúp việc nhưng không rõ lai lịch. Các nền tảng AI của Việt Nam phải tạo công cụ và dữ liệu của mình”.
Thứ sáu, CĐS thì cần hạ tầng CĐS. Trong quý II này Bộ TT&TT phải làm rõ các lớp của hạ tầng CĐS là gì, ai đầu tư và bao giờ xong.
Thứ bảy, về giám sát quản lý online CĐS sẽ diễn ra rất sâu rộng. Nếu không giám sát được thì sẽ không quản lý được nhưng chỉ có thể giám sát được bằng công nghệ. nếu dùng người sẽ không khả thi đối với lượng dữ liệu rất khổng lồ. Việc kết nối online phục vụ quản lý của Bộ TT&TT trực tiếp vào các hệ thống CĐS cấp tỉnh, cấp Bộ ngành để phục vụ quản lý online và đo lường online.
Bộ trưởng cho biết báo cáo giấy thì định kỳ, không thường xuyên và chưa chắc đã là trên hệ thống. Vừa qua, Bộ TT&TT kết nối online vào các loại DVCTT của các bộ ngành, địa phương thì thấy số liệu báo cáo giấy và trực tiếp từ hệ thống chênh nhau rất nhiều.
“Quản lý online chính là quản lý số, là 1 trong 4 trụ cột của kinh tế số mà Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ tám, từ quý II năm 2024, Bộ TT&TT sẽ bắt đầu đưa ra các công thức thành công về CĐS cho các lĩnh vực, các cấp để có thể truyền thông, nhân rộng.
Theo Bộ trưởng, những công thức thành công ngắn gọn, đúng bản chất, dễ hiểu, dễ làm theo sẽ thực sự là công thức sức mạnh mang tính toàn dân, toàn diện. Bộ Công an đã có công thức “đúng, đủ, sạch, sống” khi làm cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư nhưng đây là công thức thực sự đúng với dữ liệu nói chung. Tính lan toả, nâng cao nhận thức của mỗi người Việt Nam là rất lớn.
Bộ trưởng lấy ví dụ, chúng ta nói về CĐS Việt Nam là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chúng ta nói về phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số. Chúng ta nói CĐS là đi từng ngõ, gõ từng nhà hoặc ví dụ về các thành phần cơ bản của CĐS thì phải làm rõ làm gì, làm thế nào, ai làm và bao giờ xong.
Hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để CĐS
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “CĐS là đo lường, đưa Việt Nam đến hùng cường, thịnh vượng và lựa chọn chiến lược của chúng ta như Thủ tướng đã phê duyệt. Qua 4 năm, chúng ta đã tìm ra con đường, cách tiếp cận Việt Nam, đã thay đổi mạnh mẽ và có những kết quả bước đầu nhưng bây giờ là lúc phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tạo ra các kết quả thiết thực hơn và toàn diện hơn cho người dân”.
Theo Bộ trưởng, các nước cũng đang CĐS rất mạnh mẽ. Nếu chúng ta không quyết liệt hơn, không có cách làm sáng tạo hơn thì sẽ là nước đi sau, lùi lại phía sau và giấc mơ về một Việt Nam hùng cường lại sẽ lại tiếp tục là giấc mơ.
Ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS đã ký Quyết định 58/QĐ-UBQGCĐS ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về CĐS.
Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm đẩy mạnh CĐS quốc gia theo hướng hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực, tạo bứt phá phát triển KT-XH của đất nước; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.
Kế hoạch yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về CĐS của các Ủy viên Ủy ban Quốc gia về CĐS, Ban Chỉ đạo CĐS các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc triển khai CĐS; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số./.