Chuyển đổi số: Động lực tăng trưởng thông minh hơn và xanh hơn

Thứ tư - 22/03/2023 08:49 415 0
Ngày 21/3, Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn” do báo Đầu tư tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà hoạch định chính sách, tổ chức quốc tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như Hiệp Hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp Hội Doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam (Business Sweden), cùng các doanh nghiệp công nghệ tiên phong trong nước và quốc tế như Ericsson, ABB, Lazada, VNPT, TNEX… và đông đảo chuyên gia trong ngành.
640
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Đây là năm thứ 2, Diễn đàn về Chuyển đổi số được báo Đầu tư tổ chức với mong muốn tạo cơ hội cho đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia từ các hiệp hội quốc tế cùng đông đảo doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam và quốc tế, gặp gỡ trao đổi thẳng thắn, thiết thực.

Chuyển đổi số là thời cơ cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh việc 3 nội dung xây dựng gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022 tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) Việt Nam đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp hơn ba lần tăng trưởng GDP dự kiến.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu làm suy giảm tăng trưởng kinh tế; mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh; nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và già hóa dân số. Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số.

Trên thế giới, các chuyên gia đang đánh giá chuyển đổi số như là chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững. Gần đây, khái niệm “Chuyển đổi kép” tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh đã được Liên minh Châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn” là cần thiết, là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra những đánh giá, phân tích và đề xuất những chính sách, giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam hiện nay." - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.
 
2
Toàn cảnh diễn đàn.

Tại diễn đàn, ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen cho biết, chuyển đổi số trong sản xuất đã giúp họ trong việc số hóa dữ liệu và mang lại nhiều lợi ích. Nhờ chuyển đổi số, Nestlé đã và đang tận dụng được các tiềm năng về hiệu suất cũng như các cơ hội phát triển bền vững, trong đó, Nestlé đạt mức giảm phát thải CO2 lên tới 38.000 tấn/năm.

"Chuyển đổi số giúp mang lại những kết quả hữu hình đối với hoạt động của doanh nghiệp như giảm 60% thời gian tạm dừng sản xuất, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hóa các cảm biến thông minh và các dữ liệu đã được số hóa; giảm 50% lượng giấy tiêu thụ trong nhà máy bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng số hóa trong hoạt động; giảm 20% chi phí bảo dưỡng thông qua các cảm biến dự báo và nhờ vào các kỹ thuật viên và cán bộ điều hành tay nghề cao", ông Urs Kloeti chia sẻ.

Tác động của 5G với chuyển đổi số

Tại Diễn đàn, các diễn giả trong và ngoài nước đã thảo luận về tầm quan trọng của 5G đối với tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: Hiện nay, trên thế giới, 5G và hệ sinh thái ứng dụng của nó đang góp phần tích cực đổi mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác nhau và ngày càng trở thành động lực chính cho quá trình chuyển đổi số.
 
3
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT chia sẻ về thúc đẩy 5G tác động đến chuyển đổi số.

Thúc đẩy sự phát triển của 5G sẽ đẩy nhanh quá trình tích hợp, ứng dụng và thương mại hóa các công nghệ cao, công nghệ mới như AI, điện toán đám mây, Big Data, Blockchain, từ đó tạo ra nhiều doanh nghiệp với mô hình kinh doanh mới. Đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi từ quản lý đến phương thức sản xuất, giúp gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh cho các ngành công nghiệp truyền thống. 5G sẽ giúp tăng tốc hiện đại hóa năng lực quản trị, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân như y tế, giáo dục, đồng thời cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ công. - Ông Nguyễn Phong Nhã nhận định.
 
4
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn.

Theo ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, công nghệ 5G sẽ cho phép các ngành công nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số và giảm yêu cầu năng lượng, cũng như lượng carbon thải ra. Ericsson sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm 5G toàn cầu của mình với các khách hàng tại Việt Nam, giúp đảm bảo triển khai dung lượng và phủ sóng thành công, với chú trọng vào hiệu suất mạng ổn định, khả năng mở rộng, tính đơn giản và bảo mật.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về xu hướng chuyển đổi số; Một số thành tựu trong chuyển đổi số trong ba trụ cột của nền kinh tế phát triển bền vững: Sản xuất, Ngân hàng và Thương mại điện tử (E-commerce); Tầm quan trọng của 5G đối với tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo; Những cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; cũng như những bài học kinh nghiệm thực tế từ những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số với mục tiêu tạo đòn bẩy cho chuyển đổi số tăng trưởng thông minh hơn và xanh hơn./.

Tác giả: Thảo Anh

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây