Chữ ký số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số

Thứ ba - 22/10/2024 16:22 81 0
Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong giao dịch điện tử giữa cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước thông qua các dịch vụ như kê khai thuế điện tử, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử…
Một số thách thức

Sự hiệu quả và tính ưu việt của chữ ký số (CKS) được thể hiện rõ ràng qua việc đảm bảo tính an toàn, bảo mật cho các cá nhân, tổ chức khi dùng. Đồng thời, CKS làm gia tăng khả năng bảo vệ dữ liệu trong các giao dịch nội địa cũng như quốc tế, góp phần thúc đẩy mở rộng nền kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước, quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị, lợi ích to lớn được tạo ra, sự phát triển của các loại hình, lĩnh vực, cung cấp dịch vụ chứng thực CKS vẫn còn một số hạn chế đã được nhận định trong "Báo cáo khảo sát đánh giá chất lượng dịch vụ các tổ chức chứng thực chữ ký số công cộng CA-Index 2023" như: Số lượng các nhà cung cấp dịch vụ nhiều nhưng phạm vi cung cấp dịch vụ còn ít (chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm) và điều hạn chế này dẫn đến một số hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và chất lượng dịch vụ chưa cao.

Bên cạnh đó, một số nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng (CA) còn chưa tuân thủ yêu cầu nghiệp vụ về việc cung cấp dịch vụ (rút ngắn quy trình, thủ tục, hồ sơ cung cấp dịch vụ); chưa làm đúng quy định về kiểm tra tính xác thực thông tin khách hàng khi làm hồ sơ hợp đồng dịch vụ; chưa gửi thông tin chứng thư số cho khách hàng xác nhận trước khi cấp, dẫn; chưa hỗ trợ kịp thời và đảm bảo chất lượng đến khách hàng; còn tình trạng sử dụng hệ thống đại lý không đảm bảo và công tác quản lý các đại lý còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng mạo danh, giả danh nhà cung cấp còn nhiều…
1
Các CA cần đảm bảo đồng bộ dữ liệu của các khách hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

Cần có các chính sách điều chỉnh phù hợp, kịp thời

Với một số điểm còn hạn chế này, theo các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực ứng dụng CKS, thời gian tới cần có thêm các phương án, giải pháp cùng các chính sách quản lý phù hợp, chặt chẽ hơn.

Cụ thể cần có các chính sách điều chỉnh phù hợp, kịp thời để đảm bảo các tổ chức chứng thực CKS vận hành theo đúng quy định pháp luật, thúc đẩy cạnh tranh công bằng và cải thiện chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Cùng với đó, các CA cần đảm bảo đồng bộ dữ liệu của các khách hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ chứng thực CKS công cộng, bao gồm việc đồng bộ và hậu kiểm thông tin của các thuê bao chính chủ, hạn chế giả mạo thông tin khách hàng.

Hơn nữa, các CA cũng cần hoàn thiện hệ thống, đường dây hỗ trợ kỹ thuật khách hàng 24/7; đảm bảo sử dụng các công nghệ phù hợp cho từng CA và xu hướng của thị trường; đảm bảo tính đa dạng của nhiều loại hình, dịch vụ; gia tăng hơn nữa những trải nghiệm, thụ hưởng dịch vụ của khách hàng…

Đặc biệt, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý cần xây dựng các bộ tiêu chí của CA cộng cộng từ đó đối chiếu áp dụng và gắn liền với việc đối chiếu, thống kê, so sánh kết quả đạt được ở mỗi giai đoạn thực tế.

Và các CA cần phối hợp chặt chẽ cùng các cấp chính quyền các địa phương để cùng nhau thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ chứng thực CKS công cộng; các cấp chính quyền, các tổ chức cung cấp dịch vụ cũng cần tích cực hơn trong việc hỗ trợ tài chính để mua các công cụ và phần mềm liên quan đến sử dụng dịch vụ CKS công cộng luôn được đảm bảo, an toàn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có các chính sách quản lý và biện pháp kiểm soát cụ thể để phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi lạm dụng CA công cộng…

Với mục tiêu này, năm 2023, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT hợp tác của đơn vị tư vấn (công ty Viet Analytics) xây dựng Bộ chỉ số CA-Index (Certificate Authority-Index). Mục đích của Bộ chỉ số này nhằm tổng hợp từ việc thăm dò mức độ hài lòng của khách hàng; đánh giá của bên ứng dụng; rà soát, đánh giá của chuyên gia, nhóm nghiên cứu để đưa ra đánh giá chi tiết về chất lượng dịch vụ của các tổ chức CA công cộng.

Đây là căn cứ hỗ trợ việc đề xuất các phương án, chính sách quản lý hoạt động chứng thực CKS phù hợp, cũng như nguồn tài liệu tham khảo tin cậy để khách hàng mới có thể tìm kiếm, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng.

Như vậy có thể nói những lợi ích mà dịch vụ chứng thực CKS công cộng đang tạo ra là rất lớn, phù hợp với xu thế phát triển trong môi trường số, nhất là trong công cuộc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số hiện nay. Với việc thực hiện các đề xuất trên của các chuyên gia, dịch vụ chứng thực CKS công cộng sẽ trở thành công cụ số phổ biến được sử dụng rộng rãi tin dùng, an toàn, yên tâm./.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây