Bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản khai thác và sử dụng dữ liệu phát triển KT-XH

Thứ sáu - 17/05/2024 16:08 240 0
Việt Nam đang tận dụng mọi thuận lợi, gắn với quyết tâm cao trong phát triển kinh tế đất nước theo hướng, mô hình về một nền kinh tế số vận hành dựa trên công nghệ số, thương mại điện tử.
Tăng cường đặt hàng cho các DN công nghệ số từ nguồn ngân sách nhà nước

Ông Trần Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT đưa ra những phân tích, cùng đề xuất giải pháp để tập trung phát triển kinh tế số tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT tháng 5/2024.

Theo đó, ông Trần Quang Hưng cho biết, hiện nay, lực lượng lao động ngành công nghiệp CNTT Việt Nam khá đông đảo, với trên 1,5 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp (DN); 168 trường đại học và 520 trường nghề có đào tạo về CNTT, điện tử viễn thông.

Hơn nữa, ngành ICT cũng là ngành kỹ thuật có số chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất, thu hút được nhiều sinh viên tuyển sinh, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh xấp xỉ 100.000 (có những trường tuyển sinh năm 2023 trên 10.000 sinh viên).

Với những lợi thế này, theo ông Trần Quang Hưng, để thúc đẩy phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, địa phương cần: Đẩy mạnh việc tăng cường đặt hàng cho các DN công nghệ số từ nguồn ngân sách nhà nước; triển khai các giải pháp phát triển DN công nghệ số theo kế hoạch đã được phê duyệt nhằm đảm bảo có tối thiểu 1 doanh nghiệp công nghệ số/2.000 dân; thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong nước và quốc tế để tiếp tục phát triển các khu CNTT tập trung, tạo ra một môi trường cộng hưởng sáng tạo, phát triển cộng đồng.
1

Về phía các DN cần: Đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp CĐS; tích cực phát triển các công cụ và giải pháp tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong các sản phẩm, dịch vụ; tham gia các dự án CĐS, số hóa kinh tế ngành, lĩnh vực.

“Đối với Bộ TT&TT trong thời gian tới, sớm nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 quy định về khu CNTT tập trung để tạo điều kiện phát triển các khu CNTT tập trung; nghiên cứu xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số; chỉ đạo tập trung công tác đào tạo các nhóm ngành mới (vi mạch, AI, dữ liệu)...”, ông Trần Quang Hưng nêu đề xuất.

Đối với lĩnh vực dữ liệu số, hiện nay, Phó Vụ trưởng Trần Quang Hưng cho biết, tính đến hết Quý I/2024 đã có: 10 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) theo quy định (đạt tỷ lệ 73%, tăng 08% so với năm 2023); có 10 bộ, ngành và 41 địa phương ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở (đạt tỷ lệ 59%, tăng 07% so với năm 2023); tổng số CSDL thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau hiện nay là 2398 CSDL, tăng 311 (14,5%) CSDL so với năm 2023.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ cho người dân, DN tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu.

“Đặc biệt, chỉ số thành phần về độ phủ dữ liệu mở tăng vượt bậc với thứ hạng 81 trên thế giới, tăng 41 bậc (từ vị trí 122) và thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, tăng 3 bậc (từ vị trí 9)”, ông Trần Quang Hưng cho biết.

Và để gia tăng các hiệu quả hơn nữa trong hiện tại và tương lai, ông Trần Quang Hưng đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần: Đảm bảo xây dựng từ 3 - 5 bộ dữ liệu (dataset) chất lượng cao; xây dựng 5 kịch bản khai thác và sử dụng dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên dữ liệu; thực hiện kết nối liên thông, tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử với các hệ thống dịch vụ công; thực hiện công tác bảo vệ dữ liệu, bảo đảm an ninh dữ liệu...

Yêu cầu cũng đặt ra đối với các DN công nghệ tăng cường hỗ trợ, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng các CSDL dùng chung hiệu quả, chất lượng và bảo đảm dự phòng trong mọi tình huống; phát triển các dịch vụ bảo mật dữ liệu dựa trên đám mây để cải thiện hiệu quả mức độ bảo mật dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ TT&TT cần sớm hoàn thiện, xây dựng ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các danh mục lưu trữ, kết nối và chia sẻ dữ liệu, quy định về dữ liệu phi danh tính để thúc đẩy lưu chuyển dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, xây dựng bộ công cụ đánh giá về mức độ trưởng thành của dữ liệu; đánh giá hàng năm về chất lượng dữ liệu mở của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng Khung quản trị dữ liệu, kiến trúc dữ liệu và các mục từ điển dữ liệu và bổ sung vào Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam những phiên bản tiếp theo; lựa chọn một địa phương để xây dựng mô hình mẫu để triển khai nhân rộng.

Ứng dụng số giúp giải quyết các bài toán trong các ngành, lĩnh vực

Cũng như hai nội dung cần ưu tiên, tập trung triển khai như trên, đối với việc số hóa các ngành kinh tế, ông Trần Quang Hưng cho rằng: Cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp số (có đầy đủ, hoàn thiện hệ thống CSDL về nông nghiệp); Thương mại, công nghiệp (bổ sung thêm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh trên không gian mạng); Du lịch (đảm bảo có các nền tảng số và nền tảng quản trị, kinh doanh du lịch); Giao thông vận tải (đẩy mạnh việc kết nối dữ liệu số đối với các cảng biển)….

Trong việc triển khai các nhiệm vụ quan trọng này, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung: Xây dựng các bộ dữ liệu đa dạng; xây dựng các bài toán, kịch bản khai thác, sử dụng dữ liệu và các ứng dụng số (use cases); đặt hàng xây dựng các ứng dụng số dựa trên bộ dữ liệu…

Đối với DN cần phát triển các ứng dụng số, giải quyết các bài toán trong các ngành, lĩnh vực; phát huy thế mạnh làm chủ công nghệ 5G, công nghệ lõi AI, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), cung cấp hạ tầng tính toán, hạ tầng công nghệ AI, LLM như dịch vụ.

Lĩnh vực quản trị số đến nay đã có 42/63 địa phương triển khai và đưa vào vận hành các Trung tâm điều hành thông minh (IOC); tỷ lệ các thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình là 48,5%; các công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải các bài toán quản trị số đã được áp dụng (trợ lý ảo...).

Để phát huy hơn các giá trị mong muốn, các bộ, ngành, địa phương, DN cần: Chuẩn hóa dữ liệu, đưa các trợ lý ảo trong các ngành, lĩnh vực vào khai thác; xây dựng các kịch bản điều hành thông minh, xử lý các khiếu nại của người dân dựa trên dữ liệu; đẩy mạnh DVCTT toàn trình đến người dân và DN.

Đối với Bộ TT&TT, đẩy mạnh triển khai thí điểm ở các bộ, ngành, địa phương, nhân rộng các nền tảng AI, trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức trong xây dựng văn bản pháp luật, thực thi công vụ; hỗ trợ người dân về các vấn đề pháp lý và các trợ lý ảo khác; hoàn thiện mô hình điều hành dựa trên dữ liệu qua IOC để phổ biến cho các địa phương.

“Bộ TT&TT sớm hoàn thiện mô hình DVCTT để hướng dẫn và nhân rộng cho các bộ, ngành, địa phương; xây dựng và ban hành các nguyên tắc sử dụng dữ liệu có trách nhiệm, hướng dẫn về an toàn khi ứng dụng AI trong khu vực công…”, ông Trần Quang Hưng đề xuất.

Về mô hình DVCTT, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục chuyển đổi số Quốc gia - Bộ TT&TT cho biết Bộ TT&TT sẽ lựa chọn mô hình thành công về DVCTT toàn trình tại 1 tỉnh, mô hình thành công về IOC tại 1 tỉnh, mô hình thành công về CĐS cấp bộ ngành tại 1 bộ, ngành để nhân rộng trong thời gian tới./.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây