Với sự phát triển nhanh chóng của điện toán đám mây (ĐTĐM) và nhu cầu linh hoạt, nhiều tổ chức đã chọn cách kết hợp nhiều nhà cung cấp dịch vụ PaaS (Platform as a Service) như AWS, Azure hay Google Cloud. Nhưng khi số lượng nhà cung cấp tăng lên, sự phức tạp, chi phí và rủi ro bảo mật cũng gia tăng theo cấp số nhân.
Từ đa đám mây đến tối giản: Tư duy đang thay đổi
Ngày nay, nhiều tổ chức không còn cố gắng duy trì cấu trúc đa đám mây phức tạp như trước. Thay vào đó, họ bắt đầu hợp nhất các khối lượng công việc vào một hoặc hai nhà cung cấp chính.
Theo chuyên gia phân tích Andras Cser từ Forrester, việc hợp nhất này không chỉ để giảm technical debt (nợ kỹ thuật) mà còn nhằm tránh tình trạng bị "trói buộc" vào một nhà cung cấp duy nhất (vendor lock-in). Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều quyết định này phát sinh từ tình huống - như sau các thương vụ mua bán, sáp nhập - hơn là từ một chiến lược kiến trúc có tính toán kỹ lưỡng.
Ở chiều ngược lại, một số DN còn đang “hồi hương” một phần khối lượng công việc, đưa chúng từ đám mây trở lại trung tâm dữ liệu (TTDL) tại chỗ vì lý do hiệu năng, bảo mật hoặc tiết kiệm chi phí.
Chi phí vận hành: Nỗi đau âm ỉ
Duy trì các đội ngũ phát triển riêng biệt cho từng nhà cung cấp đám mây là một trong những nguyên nhân chính khiến chi phí đội lên.
Ashley Manraj, CTO (giám đốc công nghệ) của Pvotal, cho biết:
“Kỹ sư thường chỉ thành thạo một hoặc hai nền tảng đám mây. Họ buộc phải tự động hóa bảo mật càng nhiều càng tốt. Muốn hiệu quả, phải tập trung - không thể làm tất cả mọi thứ ở khắp mọi nơi".
Thêm vào đó, việc ước tính chi phí đám mây vẫn là một bài toán khó. Hóa đơn hàng tháng có thể thay đổi thất thường do mô hình tính phí phức tạp, thay đổi liên tục và phụ thuộc vào lưu lượng sử dụng không thể dự đoán.
Steve Cobb, CISO (giám đốc an ninh thông tin) của SecurityScorecard, gọi đây là "cú sốc hóa đơn đám mây". Khi DN mới triển khai ứng dụng, họ không thể lường trước được mô hình lưu lượng truy cập, dẫn đến việc hóa đơn có thể vượt xa kỳ vọng - nhất là khi dữ liệu phải di chuyển qua nhiều vùng đám mây hoặc có cơ chế dự phòng phức tạp.
Có nên quay lại TTDL?
Trong một số trường hợp, câu trả lời là có. Zoom - một trong những tên tuổi lớn - đã chuyển một phần khối lượng công việc về TTDL tại chỗ để đạt hiệu suất ổn định hơn cho các ứng dụng thời gian thực.
John Qian, CISO tại Aviatrix và từng làm việc tại Zoom, cho biết họ sử dụng cả ba nhà cung cấp đám mây lớn để đáp ứng nhu cầu linh hoạt, nhưng dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) quy mô lớn thì được xử lý tại TTDL riêng với GPU (vi xử lý chuyên biệt) tự xây dựng.
Andrew Plato từ Zenaciti bổ sung: “Đừng đưa lên đám mây nếu bạn không cần thiết.”
Containers: Lối thoát linh hoạt
Một trong những cách để giải quyết sự phức tạp trong môi trường đa đám mây là chuyển sang dùng containers (một công nghệ ảo hóa nhẹ, dùng để đóng gói và chạy ứng dụng cùng với tất cả những gì nó cần như thư viện, file cấu hình, môi trường... trong một đơn vị độc lập, di động và nhất quán).
Containers giúp trừu tượng hóa môi trường chạy ứng dụng, cho phép dễ dàng di chuyển khối lượng công việc giữa các đám mây hoặc từ đám mây về on-prem (hạ tầng được triển khai và vận hành ngay tại chỗ). Tuy nhiên, điều đó cũng đòi hỏi đội ngũ phát triển phải hiểu rõ về bảo mật container, bao gồm cấu hình mạng, lưu trữ và truy cập.
Cser từ Forrester nhấn mạnh: “Containers làm cho sự di chuyển trở nên linh hoạt hơn, bởi vì về cơ bản chúng là những đám mây chạy trên nền tảng của các đám mây khác".
Chuẩn hóa chính sách bảo mật
Muốn quản lý hiệu quả bảo mật trong môi trường đa đám mây, DN cần có một tập hợp chính sách bảo mật tập trung, thống nhất và tự động hóa.
Một số công cụ như Terraform hoặc các nền tảng quản lý hạ tầng như mã (Infrastructure as Code - IaC) cho phép triển khai bảo mật một cách nhất quán. Ngoài ra, Cloud Native Application Protection Platforms (CNAPP) đang nổi lên như giải pháp tổng thể để quản lý chính sách bảo mật đa lớp.
Steve Cobb chia sẻ:
“Nếu bạn không có CNAPP hay công cụ tự động hóa, việc triển khai một ứng dụng mới sẽ nhanh chóng vượt tầm kiểm soát về ngân sách, kỹ năng và thời gian”.
Đừng để bảo mật "đi sau"
Một lỗi phổ biến là đội ngũ DevSecOps (phương pháp kết hợp phát triển phần mềm - Dev, bảo mật - Sec) và vận hành - Ops thành một quy trình thống nhất, liên tục và tự động hóa) tiến nhanh hơn khả năng kiểm soát của CISO. Khi đó, CISO không hiểu rõ các rủi ro bảo mật đang được giải quyết là gì, hay liệu các công cụ được đề xuất có phù hợp hay không.
Andrew Plato cho biết:
“Điều này dẫn đến việc mua công cụ theo phong trào thay vì đảm bảo rằng mỗi yêu cầu bảo mật được giải quyết bằng công cụ đúng mục đích".
Ngoài ra, sự khác biệt giữa các nền tảng đám mây ngày càng lớn: từ CPU, serverless đến AI APIs... Điều này càng làm cho việc xây dựng chính sách bảo mật thống nhất trở nên phức tạp.
Các bước gợi ý để cải thiện bảo mật đa đám mây
Dưới đây là một số hành động cụ thể mà DN có thể thực hiện:
Tập trung hóa khối lượng công việc theo chức năng và vị trí địa lý. Điều này giúp tiết kiệm phí lưu chuyển dữ liệu giữa vùng hoặc nhà cung cấp.
Tận dụng tối đa công cụ bảo mật gốc (native security tools) của từng nhà cung cấp trước khi mua thêm công cụ bên ngoài.
Xây dựng TTDL riêng với mô hình đám mây nội bộ (private cloud) nếu có khả năng, để kiểm soát tốt hơn chi phí và bảo mật.
Phân tích rủi ro rõ ràng trước khi chọn công cụ bảo mật. Đừng mua công cụ nếu bạn chưa xác định rõ mối đe dọa cần giải quyết.
Tránh tình trạng "tool sprawl" - việc sử dụng quá nhiều công cụ không đồng bộ sẽ khiến dữ liệu bảo mật bị phân tán và khó kiểm soát.
Bảo mật đa đám mây không phải là cuộc chơi cho mọi người
Cuối cùng, ôi trường đa đám mây hiện đại là con dao hai lưỡi. Nó có thể mang lại sự linh hoạt và khả năng mở rộng, nhưng cũng khiến DN đối mặt với chi phí cao, rủi ro bảo mật phức tạp và thiếu hiệu quả vận hành.
Chìa khóa ở đây không phải là chọn đám mây nào, mà là biết rõ mình cần gì, kiểm soát được khối lượng công việc, thiết kế kiến trúc bảo mật tập trung, và hiểu sâu về các rủi ro thực sự đang tồn tại.
Với chiến lược đúng đắn, đa đám mây không phải là một rối rắm - mà có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh đáng giá.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.csoonline.com/article/4002758/why-multicloud-security-automation-is-essential-but-no-silver-bullet.html
2. https://www.csoonline.com/article/573629/cnapp-buyers-guide-top-tools-compared.html
3. https://www.networkworld.com/article/971200/how-to-reduce-cloud-costs.html./.