70% nhà giáo dục sử dụng dữ liệu di động cá nhân để chống xâm nhập mạng

Thứ sáu - 24/05/2024 08:24 200 0
Theo Sách trắng mới nhất của Kaspersky, 70% nhà giáo dục lựa chọn sử dụng dữ liệu di động cá nhân thay vì Wi-Fi công cộng như một biện pháp phòng ngừa tấn công mạng. Tuy nhiên, 90% trong số họ tin rằng các thiết bị kỹ thuật số của họ có khả năng bị tấn công trong tương lai.
 
Sách Trắng mới nhất của Kaspersky nhấn mạnh vai trò then chốt của các nhà giáo dục tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) trong việc nâng cao nhận thức về an ninh mạng trong lớp học. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Kaspersky và Phó giáo sư Jiow Hee Jhee của Viện công nghệ Singapore trong 5 tuần liên tiếp với 157 nhà giáo dục trên khắp Ấn Độ, Singapore và Philippines.

Nghiên cứu cho thấy, các nhà giáo dục có thói quen làm sạch không gian mạng sẽ tự tin hơn trong việc hướng dẫn học sinh nhận diện nguồn không đáng tin cậy và xử lý email khả nghi. Sự tự tin này thể hiện rõ ràng ở những nhà giáo dục được trang bị kiến thức nền tảng vững chắc về các biện pháp an ninh mạng hoặc đã tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu từ các chuyên gia.
 
gdm

Trong số các nhà giáo dục được khảo sát, có đến gần 70% người lựa chọn sử dụng dữ liệu di động cá nhân như một biện pháp phòng ngừa xâm nhập mạng thay vì sử dụng mạng Wi-Fi công cộng. Tương tự, họ cũng bày tỏ sự nghi ngờ và thận trọng trước các liên kết và tệp đính kèm không rõ nguồn gốc từ người dùng hoặc trang web lạ.

Tuy nhiên, khi đề cập đến việc sử dụng mật khẩu mạnh và an toàn, 85% người tham gia nghiên cứu thừa nhận khả năng cao mật khẩu của họ sẽ bị ai đó đoán được và bẻ khóa thành công. 90% cũng cho rằng các thiết bị số của họ có nguy cơ bị tấn công trong tương lai.

Bẻ khóa mật khẩu để đánh cắp dữ liệu là mối đe dọa nghiêm trọng trong an ninh mạng trực tuyến, tuy nhiên, gần 90% người tham gia khảo sát cho rằng việc rò rỉ mật khẩu và dữ liệu cá nhân sẽ không là vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn.

Theo đó, mặc dù các nhà giáo dục có kiến thức nhất định về phương pháp tự vệ trước các mối đe dọa an ninh mạng trực tuyến, nhưng kiến thức này không đủ để đảm bảo an toàn tuyệt đối trên không gian mạng hay để họ tự tin truyền đạt các nguyên tắc kiểm tra tình trạng mạng cho học sinh.

Hơn nữa, những nhà giáo dục này vẫn cần được nâng cao nhận thức về các rủi ro và hậu quả từ các cuộc tấn công mạng, cũng như việc dữ liệu bị đánh cắp có thể được sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp hoặc phi pháp, cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Trishia Octaviano, Trưởng phòng các vấn đề học thuật khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Kaspersky cho biết: "Nhà giáo đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng một cộng đồng miễn dịch không gian mạng trên toàn cầu. Với những hiểm họa từ tấn công mạng ngày càng gia tăng, việc các nhà giáo dục được trang bị đầy đủ kiến thức về cách đảm bảo an toàn an ninh mạng và hiểu rõ hậu quả của hành vi thiếu thận trọng trên không gian mạng là điều vô cùng cấp bách".

"Sách Trắng mới nhất của Kaspersky nhấn mạnh vai trò của nhà trường và các tổ chức giáo dục trong việc xác định và thu hẹp khoảng cách kiến thức, nhằm trang bị tốt nhất cho thế hệ tương lai trước các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng gia tăng", Trishia Octaviano cho hay.

Nnhằm nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho thế hệ tương lai, theo Kapersky, các nhà giáo dục cần được trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết để tự tin truyền đạt những kiến thức quan trọng cho học sinh.

Trường học cũng nên triển khai các chương trình giáo dục nhằm khuyến khích các học sinh thực hành các biện pháp an toàn trên không gian mạng. Thông qua hình thức này, nhà trường có thể hoàn thành trách nhiệm hướng dẫn và trao quyền cho học sinh thực hành các biện pháp an ninh mạng hiệu quả.

Ngoài việc được hướng dẫn về các khái niệm an ninh mạng, sự hỗ trợ của cha mẹ ở nhà cũng rất quan trọng. Sự hợp tác này sẽ giúp trẻ em nâng cao khả năng hiểu biết, ghi nhớ lâu hơn và hình thành thói quen thực hành các hành vi an toàn trên không gian mạng về lâu dài./.

Tác giả: Hạnh Tâm

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây