Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Nghệ An: Tăng cường tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên không gian mạng
Thứ tư - 30/08/2023 09:007820
Thời gian qua, lực lượng chức năng thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tải sản trên mạng xã hội, mạng internet, mạng viễn thông. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người dân chưa được tiếp cận, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, mất cảnh giác... nên để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, nổi lên một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo chủ yếu đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam của các đối tượng như: Sử dụng “combo du lịch giá rẻ”; Sử dụng cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; Sử dụng chiêu bài “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; Sử dụng chiêu trò tuyển người mẫu nhí; Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…); Sử dụng SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng; Sử dụng chiêu thức chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; Sử dụng dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; Lấy cắp Telegram OTP; Tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; Sử dụng dịch vụ lấy lại Facebook; Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook; Giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, các cơ quan chức năng, người ảnh hưởng... gọi điện hăm dọa bị hại, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định sau đó chiếm đoạt; Lôi kéo đầu tư, kinh doanh chứng khoán, giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo, dự án bất động sản... với cam kết về các khoản lợi nhuận rất lớn, số tiền đầu tư ít; Tuyển cộng tác viên bán hàng online, nhận việc làm tại nhà, chốt đơn hàng... dẫn dụ nạn nhân nộp tiền và chiếm đoạt; Gửi các đường link giả mạo, giả tin nhắn nhà mạng, quảng cáo các trò chơi giải trí... để đánh cắp thông tin dữ liệu cá nhân, chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sim điện thoại... nhằm thực hiện hành vi lừa đảo bạn bè, người thân; Kết bạn làm quen, gợi ý gửi quà tặng và nhờ bị hại nhận, cất giữ; giả danh nhân viên hải quan, sân bay yêu cầu đóng phí và chiếm đoạt; Dụ dỗ cho vay tiêu dùng, thủ tục đơn giản, nhanh chóng; tuy nhiên để làm thủ tục nhận tiền thì phải đóng các loại phí và bị chiếm đoạt.
Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được kẻ lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, bao gồm: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng… Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ lừa đảo thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã có những cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, nhưng tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn đang có xu hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và toàn xã hội để ngăn chặn loại tội phạm này. Trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng internet, ngày 24/8/2023 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn số 7102/UBND-NC về việc tăng cường tuyên truyền, phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã:
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; triển khai Chiến dịch “hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” do Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông phát động. Trọng tâm là: tăng cường tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị và Nhân dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng internet, từ đó tự trang bị kiến thức, hiểu biết về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng để chủ động cảnh giác, có ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tải sản và tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2. Công an tỉnh:
Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng; kịp thời phát hiện, xử lý các đường dây, ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn (nhất là phương thức, thủ đoạn mới) của tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng để tuyên truyền rộng rãi. Phối hợp các ngành, cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kết quả đấu tranh, bắt giữ các vụ việc, vụ án điển hình của lực lượng Công an các cấp trong đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng nhằm răn đe, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân (giao Công an tỉnh thường xuyên cung cấp các mẫu thông tin, tài liệu, biên tập các bài viết, kịch bản tuyên truyền, poster, infographic, tờ rơi... để phối hợp các ngành, địa phương tuyên truyền rộng rãi trực tiếp tại các điểm tập trung đông người hoặc trên các trang mạng xã hội, internet...).
3. Báo Nghệ An, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh:
Tăng thời lượng, tần suất phát các tin, bài, phóng sự tuyên truyền, xây dựng chuyên trang, chuyên mục để thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, vi phạm trên không gian mạng. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, các trang fanpage, ứng dụng điện tử... hướng đến mục tiêu phủ kín thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet trên mọi hình thức.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông; đề nghị các nhà mạng thường xuyên nhắn tin thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến các thuê bao điện thoại. Đồng thời, cần có giải pháp quyết liệt hơn trong công tác quản lý số điện thoại chính danh, xóa bỏ các thuê bao “rác”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh đối với thuê bao mạng có dấu hiệu nghi vấn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.
5. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An:
Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quản lý chặt việc mở tải khoản, nhất là tài khoản online. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong xác minh, phong tỏa tài khoản theo quy định; tăng cường thực hiện các hình thức tuyên truyền, cảnh báo qua Internet banking cũng như tại các địa điểm giao dịch nhằm nâng cao ý thức và tinh thần cảnh giác cho người dân khi tham gia giao dịch.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:
Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng internet. Thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thông qua các hội nghị tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động an sinh xã hội để cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân biết, cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm. Thực hiện tốt vai trò giám sát, tăng cường nắm tình hình ngay tại địa bàn cơ sở; tăng cường vận động Nhân dân tham gia tố giác tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
7. Đề nghị Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Nông dân tỉnh:
Tăng cường công tác tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, cảnh giác đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng internet. Chỉ đạo các cấp đoàn, hội cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân tham gia tuyên truyền, tố giác tội phạm, vi phạm trên không gian mạng.
8. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
Thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền đến tận thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư và từng người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm, vi phạm trên không gian mạng bằng các hình thức phù hợp. Trong đó, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương các cấp tập trung tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan trên panô, áp phích được treo, dán tại Hội trường, nhà văn hóa, nơi tập trung đông người tại các khu dân cư; tuyên truyền trên loa phát thanh, qua các buổi họp tổ dân phố, khu dân cư; phát tờ rơi đến từng hộ dân. Đặc biệt, chỉ đạo tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các nền tảng mạng xã hội để nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân đối với tội phạm, vi phạm trên không gian mạng.
Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc.