Chung tay phát triển chữ ký số cá nhân tại Việt Nam

Thứ sáu - 17/03/2023 10:04 483 0
Ngày 15/3, tại Hà Nội, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị giao ban quý I với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
1
Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC ghi nhận những đóng góp tích cực của cộng đồng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ kí số (CA) hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 với các chương trình khuyến mãi, giảm giá dịch vụ; chủ động tham gia và hỗ trợ Xây dựng Luật Giao dịch điện tử với các hoạt động rất thiết thực, kịp thời; tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến về chữ ký số cho cơ quan, DN, người dân…
Theo bà Tô Thị Thu Hương: Năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ mà Bộ TT&TT đặt ra cho NEAC và cộng đồng các doanh nghiệp CA là phát triển chữ ký số cá nhân, tới cuối năm 2023 đạt 10-20 triệu thuê bao. Đây là một con số đầy thách thức. Để hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, Trung tâm rất cần sự chung tay, phối hợp và hỗ trợ của các CA công cộng.

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cũng định hướng năm 2023 là năm của chất lượng, ngoài việc củng cố xây dựng có chất lượng một hành lang pháp lý cho các dịch vụ tin cậy (trong đó có dịch vụ chứng thực chữ ký số) còn chất lượng trong các công tác thực thi từ quy trình tới quy định. – Giám đốc NEAC cho biết.

Tại Hội nghị, bà Phùng Anh, Phó trưởng phòng Thông tin và phát triển dịch vụ, NEAC đã cho biết tình hình thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số năm 2022. Theo đó, thói quen ký tay vẫn được người dân và doanh nghiệp sử dụng phổ biến trong năm 2022. Mặt khác, nhiều hình thức ký số cũng là một trở ngại đối với những người dân chưa biết về chữ kí số do còn nhiều bỡ ngỡ trong lần đầu tìm hiểu và tiếp cận khiến nhu cầu sử dụng chữ kí số bị giảm nhiều. Phạm vi các quy định cần sử dụng chữ kí số vẫn còn hẹp; chưa gặp thời điểm bùng nổ đối với sản phẩm công nghệ. Chữ kí số tại Việt Nam đang nằm ở loại tăng trưởng đều, tức là chưa gặp được điểm bứt phá.

Tuy nhiên, chuyển đổi số quốc gia đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống tại Việt Nam, đây chính là cơ hội và thử thách để chữ kí số tiến gần hơn với nhiều người dân hơn nữa khi chuyển đổi số quốc gia sẽ số hóa hầu hết các thủ tục hành chính, văn bản,… giúp giảm thời gian và chi phí cho chính quyền và nhân dân. “Đây là thời điểm người dân cần biết tới những lợi ích của chữ kí số, đó cũng chính là cơ hội của NEAC và hơn 20 CA công cộng thể hiện vai trò và năng lực của mình”, bà Phùng Anh nhấn mạnh.
 
2
Toàn cảnh Hội nghị.

Chia sẻ về một số giải pháp phát triển thị trường dịch vụ chứng thực chữ kí số dành cho cá nhân đạt mục tiêu 10 - 20 triệu thuê bao, bà Phùng Anh cho biết cơ quan nhà nước sẽ chủ động chuyển đổi số các thủ tục hành chính, văn bản, giao dịch,… CA phải chủ động tiếp cận người dân trên mọi phương diện; song song với đó là luật pháp và chính sách phải hoàn thiện, sẵn sàng để “người dân không còn bị động” trong cuộc sống; nắm bắt tình hình để có kế hoạch chủ động tiếp cận các nhóm người dùng theo việc làm, nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính…

Cách thức triển khai của các CA cần hướng các vùng đối tượng cụ thể đang có sẵn lượng người dùng lớn như thuế, hải quan, giáo dục, y tế, ví điện tử, giao dịch điện tử… Các hoạt động có thể kể đến như hoạt động tuyên truyền thúc đẩy; tích hợp chữ kí số vào các bên cung cấp dịch vụ; chính sách tặng, cấp miễn phí chữ kí số cá nhân.

Các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về việc áp dụng chữ kí số trong các lĩnh vực chuyên ngành như giáo dục, y tế, hợp đồng lao động điện tử, quy trình giao dịch điện tử, ngân hàng trực tuyến, thanh toán không tiền mặt… Đồng thời triển khai việc tích hợp giải pháp ký số vào các nền tảng cần xác thực người dùng trong số 54 nền tảng số quốc gia do các bộ phát triển nhằm đảm bảo tính an toàn cho các giao dịch trên các nền tảng số quốc gia.

Theo NEAC, các công việc cụ thể cần được CA công cộng triển khai là thúc đẩy các tỉnh/thành nâng cấp hệ thống thông tin một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến đạt mức toàn trình; tích hợp giải pháp ký số, đặc biệt là giải pháp ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công các tỉnh; xây dựng các quy chế và hướng dẫn sử dụng chữ kí số để ban hành rộng rãi trên địa bàn địa phương.

Các CA công cộng cần lựa chọn đối tượng, phân khúc thị trường cá nhân phù hợp với chính sách năng lực của mình để có các hoạt động tiếp cận, ưu đãi phù hợp. Bên cạnh đó phối hợp với NEAC tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, sự cần thiết của chữ kí số; có các chính sách ưu đãi, miễn phí (theo số lượng hoặc theo thời gian) để tạo được thói quen người dùng trong khi hành lang pháp lý ở các lĩnh vực dần được hoàn thiện.

Đồng thời tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm tuyên truyền, lan tỏa đến người dân như thí điểm gian hàng cấp miễn phí chữ kí số cho công dân. Cụ thể, ngày 25/3/2023, NEAC cùng với các doanh nghiệp CA sẽ thí điểm gian hàng cấp miễn phí chữ kí số cho công dân tại Phố đi bộ Quận Hoàn Kiếm; tổ chức hội nghị, hội thảo tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; khảo sát, đánh giá, công bố chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Tại Hội nghị, NEAC và các doanh nghiệp CA công cộng cũng đã trao đổi về tích hợp chữ kí số vào Cổng dịch vụ công Quốc gia và thảo luận những khó khăn gần tháo gỡ để chung tay phát triển lĩnh vực chữ kí số./.

Tác giả: Thảo Anh

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây